Các hãng xe điện bùng nổ đầu tư tại Mỹ nhờ cú hích "bảo hộ" trị giá 430 tỷ USD
Nhờ cú hích "bảo hộ" trị giá 430 tỷ USD thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, xe điện tại Mỹ đã có sự bùng nổ đầu tư và phát triển ấn tượng trong 1 năm qua.
Tháng 10 là tròn 1 năm ngày Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ đô la và tròn 10 tháng ngày đạo luật này chính thức có hiệu lực (từ ngày 1/1/2023). Có thể nói, đây là một quyết định mang tính chất lịch sử, một bước ngoặt quan trọng tác động rất lớn đến tiến trình đẩy mạnh tốc độ điện khí hóa của ngành công nghiệp ô tô tại quốc gia này.
Dù cho vẫn còn tồn tại không ít các ý kiến trái chiều, kêu gọi đạo luật của chính phủ Washington ban hành là một hành động “bảo hộ” đối với ô tô quốc nội, cản trở tự do thương mại, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng Đạo luật Giảm lạm phát đã đưa tới cho rất nhiều điểm sáng tích cực, thay đổi và phát triển thị trường ô tô lâu đời nhất thế giới này một cách rõ rệt.
Đạo luật vì người tiêu dùng Mỹ
Đạo luật Giảm lạm phát là một đạo luật lịch sử, với trọng tâm tác động đến 2 lĩnh vực là cải thiện môi trường và thuế. Do đó, mỗi một người tiêu dùng khi mua xe điện, loại hình phương tiện thân thiện với môi trường được sản xuất tại Bắc Mỹ sẽ được hưởng khoản tín dụng thuế Liên bang trị giá 7.500 đô la.
Kể cả đối với những người mua xe điện đã qua sử dụng, họ vẫn được hưởng mức tín dụng thuế lên tới 4.000 đô la. Điều này ngay lập tức kích cầu thị trường chuyển sang xu hướng mua xe điện để được hưởng những ưu đãi lớn từ chính phủ.
Theo tổ chức Insideev, chỉ trong nửa đầu năm 2023, thị phần xe điện trên tổng số xe bán ra toàn nước Mỹ đã đạt hơn 9% so với con số 7,5% cùng kỳ năm 2022, tương đương cứ hơn 10 chiếc ô tô mới bán ra tại Mỹ, sẽ có một chiếc là xe điện.
Đặc biệt, tại một số tiểu bang phát triển như California, thị phần xe điện đã bứt phá lên mức 25% trên tổng số xe bán ra, cao gần gấp 3 lần so với mức trung bình trên cả đất nước. Tiểu bang Washington đứng tiếp theo với mức 18% và bám sát là tiểu bang Oregon với 17% trên tổng số xe mới là xe điện.
Còn theo Bloomberg dự đoán, với tốc độ tăng trưởng thị phần nhanh như hiện nay, 23% tổng doanh số ô tô Mỹ sẽ là xe điện vào năm 2025 và hơn một nửa số lượng xe tiêu thụ toàn quốc sẽ là xe điện kể từ năm 2030. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của Đạo luật Giảm lạm phát đối với người tiêu dùng là mạnh mẽ như thế nào.
Bước ngoặt dành cho ngành công nghiệp ô tô Mỹ
Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên áp dụng các chính sách hỗ trợ về tiền bạc dành cho người mua xe điện, trước đó đã có rất nhiều quốc gia như Trung Quốc, Anh và nhiều nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) đã thực hiện các chính sách trợ giá đối với ô tô “xanh”. Tuy nhiên, Mỹ lại là quốc gia đầu tiên, ban hành một chính sách trợ giá với định hướng chỉ hỗ trợ phương tiện sản xuất trong khu vực.
Bất kể sự “không công bằng” này, nhiều hãng ô tô nổi tiếng trên thế giới không dễ dàng từ bỏ cuộc chơi tại thị trường xe hơi Mỹ có sức tiêu thụ gần 1 triệu xe điện mỗi năm. Vì vậy, hàng loạt nhà sản xuất vẫn sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đô la để có thể đáp ứng được Đạo luật mới.
Trước thời điểm tháng 8/2022, chỉ có 5 nhà sản xuất đủ điều kiện để đáp ứng Đạo luật Giảm lạm phát là Tesla, Ford, GM, Volkswagen và Nissan. Tuy nhiên, ngay sau khi Quốc hội Mỹ chính thức thông qua quyết định ban hành luật mới, Hyundai Hàn Quốc đã công bố kế họach đầu tư 5,5 tỷ đô la xây dựng một nhà máy chế tạo xe điện và sản xuất pin tại tiểu bang Georgia với nhu cầu 8.000 lao động địa phương.
Samsung SDI cũng cho biết sẽ phối hợp với nhà sản xuất Stellantis xây dựng một nhà máy sản xuất pin tại Mỹ, trong khi Panasonic Holdings sẽ thiết lập thêm nhà máy sản xuất pin thứ 2 ở quốc gia này để cung cấp pin cho Tesla.
Vinfast từ Việt Nam là cái tên mới nhất tham gia “sân chơi” xe điện Mỹ với khoản đầu tư trị giá 4 tỷ đô la, xây dựng nhà máy và lắp đặt dây chuyền sản xuất xe điện tại tiểu bang Bắc Carolina, chính thức khởi công vào cuối tháng 7 vừa qua, nhằm đáp ứng các yêu cầu của Đạo luật Giảm lạm phát.
Hàng chục tỷ đô la được các hãng xe quốc tế đổ vào nước Mỹ, đã góp phần quan trọng tạo sự phát triển vượt trội của ngành công nghiệp ô tô quốc gia này, đẩy mạnh tốc độ điện khí hóa thị trường xe hơi. Đặc biệt, các nhà máy mới thu hút vào tạo công việc cho hàng chục nghìn lao động địa phương, giải quyết vấn nạn thất nghiệp ở tình trạng căng thẳng trong những năm gần đây.
Nhìn chung, không thể phủ nhận một số mặt hạn chế của Đạo luật Giảm lạm phát, song đây vẫn là một chính sách mang tầm nhìn chiến lược dài hạn và có sự đầu tư đúng trọng tâm của chính phủ Washington. Có thể nói, nó đã phát huy hiệu quả trên cả mức mong đợi đối với những tác động cực tốt dành cho toàn bộ bộ mặt chung của ngành ô tô Mỹ.
Hùng Dũng
Tin bài cộng tác gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!