Bất động sản

Cách nào đủ tiền để mở rộng đường Láng?

Ngọc Hải 19/05/2024 - 09:01

Dự án mở rộng đường Vành đai 2 cả trên cao và dưới thấp (đường Láng) dự kiến cần tới 21.000 tỷ đồng đầu tư, trong đó gần 17.000 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng (GPMB).

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu mở rộng phạm vi thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất mặt đường, tận dụng chênh lệch địa tô sẽ bù đắp được phần lớn chi phí đầu tư.

Hai vấn đề lớn nhất

Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất UBND TP xem xét chủ trương nghiên cứu, đầu tư mở rộng Vành đai 2 cả trên cao và dưới thấp, đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy. Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết, sơ bộ dự kiến dự án có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.

Vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8km, dự kiến cần 16.700 tỷ đồng chi cho GPMB, còn xây lắp chỉ khoảng 541 tỷ đồng. Khi cải tạo xong đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/giờ và là trục chính đô thị.

Ngay sau khi có thông tin này, không ít chuyên gia giao thông cũng như người dân trên địa bàn Thủ đô băn khoăn về tính hiệu quả cũng như chi phí khổng lồ của siêu dự án này.

Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân chia sẻ: “Việc đầu tư khép kín Vành đai 2 trên cao và mở rộng đường Láng dưới thấp là vô cùng cấp bách. Nếu không nhanh chóng khép kín, hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư cho toàn tuyến Vành đai 2 trên cao sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn”.

Lưu lượng giao thông trên trục đường Láng hiện khá cao, đặc biệt vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng
Lưu lượng giao thông trên trục đường Láng hiện khá cao, đặc biệt vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng

Ông Nguyễn Xuân Tân phân tích, hiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy là một trong những điểm nghẽn của Vành đai 2 cũng như toàn bộ hệ thống giao thông đô thị Hà Nội. Với lưu lượng giao thông lớn như hiện nay, mọi phương án tổ chức giao thông đều chỉ mang tính chắp vá tạm thời, không thể xử lý dứt điểm ùn tắc giao thông. Mặt khác, nếu không mở rộng đường dưới thấp sẽ không đủ không gian để xây dựng cũng như đồng bộ năng lực lưu thông cho đường trên cao.

Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Tân cũng cho rằng chi phí GPMB của dự án rất lớn, hơn nữa sẽ ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn hộ dân.

“Hai khó khăn lớn nhất dự án phải đối diện là vốn và GPMB. Nếu không có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng sẽ phát sinh nhiều khó khăn về sau” - ông Nguyễn Xuân Tân nói.

Đồng quan điểm, TS Phan Lê Bình - Phó trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG, Nhật Bản cho rằng, đường Vành đai 2 của Hà Nội đã mở rộng và xây dựng khá hoàn chỉnh trên hầu hết toàn tuyến, chỉ còn riêng đoạn Ngã tư Sở - Cầu Giấy là chưa được đáp ứng được nhu cầu giao thông. Việc đầu tư mở rộng đoạn tuyến này để hoàn chỉnh toàn bộ Vành đai 2 là vô cùng cấp thiết.

Khi GPMB, nhất là trong nội đô các TP lớn như Hà Nội tất yếu chi phí rất đắt đỏ. Nhưng với những tuyến đường huyết mạch quan trọng, đặc biệt là chạy qua trung tâm TP khó có thể tránh được. Trong một số trường hợp để tránh phải GPMB quy mô lớn, chi phí cao, các TP cũng tính đến biện pháp thi công khác như: làm hầm chui, hoặc đường trên cao.

“Nhưng không phải lúc nào cũng có thể làm được, và cho dù muốn làm đường trên cao hay hầm chui đi nữa cũng cần một diện tích đường chạy trên mặt đất để làm nền tảng. Vì vậy, sau khi tính toán các phương án, tôi nghĩ rằng việc đầu tư mở rộng và phải chi nhiều cho GPMB đối với đoạn đường Vành đai 2 nêu trên là khó có thể tránh được” - TS Phan Lê Bình nói.

Thu hồi vốn từ chính mặt bằng

Nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng, Bộ Xây dựng, TS Trần Chủng cho rằng, việc GPMB, đặc biệt đối với các hộ dân đang sinh sống ven đường Láng rất khó khăn và phức tạp.

“Không chỉ phải bảo đảm nơi ăn, chốn ở mà còn phải tính toán đến sinh kế cho người dân. Hơn nữa cần có phương án bù đắp chi phí GPMB mà Nhà nước bỏ ra” - TS Trần Chủng nói, đồng thời chia sẻ, nhiều đô thị trên thế giới đã thành công với phương pháp thiết kế sẵn một đô thị hai bên tuyến đường được mở rộng, vừa bảo đảm quy hoạch, mỹ quan, vừa thu hồi được chi phí GPMB.

“Ví dụ khi làm con đường mặt cắt 60m, họ GPMB luôn hai bên, mỗi bên 60m nữa và thiết kế các dãy nhà phố trên phần GPMB thêm này để cho đấu thầu quyền sử dụng. Tiền thu được từ đó có thể bù đắp phần lớn chi phí GPMB” - TS Trần Chủng nói.

Tương tự, TS Phan Lê Bình cũng cho rằng, để tối ưu hóa chi phí GPMB, Nhà nước có thể mở rộng phạm vi GPMB, sau đó tiến hành đấu giá đất hai bên đường.

“Một vấn đề rất lớn đã được bàn lâu nay là Nhà nước phải bỏ ra chi phí rất lớn để GPMB, làm đường, nhưng chỉ những người sống tại khu vực tiếp giáp phạm vi GPMB mới được hưởng lợi, như vậy tạo nên bất công rất lớn trong xã hội” - TS Phan Lê Bình chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho rằng, việc khép kín Vành đai 2 theo quy hoạch là cần thiết, tuy nhiên cần phải ứng xử với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dự án một cách khoa học. Khi mở rộng các tuyến đường đô thị nói chung, nên xem xét áp dụng kinh nghiệm tận dụng chênh lệch địa tô mà rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng. Ngay cả trong nước, mô hình thí điểm phương pháp này cũng đã được áp dụng thành công tại Đà Nẵng.

“Khi mở rộng đường thì ngoài phần cần thiết để mở rộng mặt cắt, chúng ta có thể mở rộng phạm vi GPMB để có thể thêm quỹ đất đem đấu giá. Như vậy sẽ vừa tạo nguồn thu bù đắp ngân sách, vừa tạo điều kiện cho người dân bị tác động bởi công tác GPMB có thể tham gia đấu giá quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành dự án” - ông Lê Trung Hiếu phân tích.

Vị lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội lưu ý thêm, việc mở rộng phạm vi GPMB còn là tiền đề để bảo đảm quy hoạch không gian và mỹ quan đô thị. Nếu GPMB cả khu vực đất giáp đường, sau đó xây dựng lại theo các tiêu chuẩn đô thị sẽ giảm thiểu được tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ven đường như đã xuất hiện tại một số dự án giao thông đô thị thời gian qua. Bởi sau khi GPMB, những ô đất nhỏ sẽ được gộp vào hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, trong quá trình xây dựng lại sẽ không còn những công trình méo mó mang tính tự phát, làm xấu bộ mặt đô thị.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội cần tính toán thêm các phương án mở rộng đường Láng, hoàn thành khép kín Vành đai 2 trên cao. Ví dụ như để tránh GPMB khối lượng lớn, chi phí cao, không phải phá bỏ hàng cây xà cừ cổ thụ, TP Hà Nội có thể nghiên cứu đầu tư toàn bộ đoạn tuyến Ngã Tư Sở - Cầu Giấy đi ngầm, hoặc đi tránh về phía bờ sông Tô Lịch.

Những dự án nghìn tỷ nào sẽ 'giải cứu' ách tắc giao thông tại TP. HCM?

Dự án đường Vành đai 2 chậm tiến độ, TP. HCM 'gánh' thêm hơn 800 tỷ đồng

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/cach-nao-du-tien-de-mo-rong-duong-lang.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cách nào đủ tiền để mở rộng đường Láng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH