Quốc tế

Cái tôi, nỗi sợ hãi và tiền bạc: 'Cầu chì' bảo vệ AI đã bị 'cháy' như thế nào?

Khánh Minh 12/12/2023 - 14:05

Trong tương lai, AI sẽ không chỉ đạt đến những cảnh giới mới về công nghệ, mà còn là một chiến trường nơi những nhân vật có ảnh hưởng tranh giành quyền lực.

Vào tháng 7/2015, Elon Musk đón sinh nhật tuổi 44 với bữa tiệc kéo dài suốt ba ngày tại Napa Valley, California, có sự tham dự đông đủ của gia đình và bạn bè. Trong không khí tiệc tùng, bỗng dưng nổi lên một cuộc tranh luận ồn ào giữa Musk và Larry Page, khi đó là CEO của Google, về tương lai của Trí tuệ nhân tạo (AI). Musk tin rằng AI là một mối nguy, trong khi Page thì đang mơ tưởng về một thiên đường kỹ thuật số, nơi con người sẽ sống hòa hợp với những cỗ máy thông minh.

Tám năm sau, cuộc tranh luận về AI giữa Musk và Page đã trở thành chủ đề hot nhất tại Silicon Valley. Câu hỏi liệu AI sẽ cải thiện hay hủy diệt nhân loại đang thúc đẩy các cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo công nghệ, bao gồm Musk, Page, Mark Zuckerberg của Meta, nhà đồng sáng lập Peter Thiel của PayPal, Satya Nadella của Microsoft và Sam Altman của OpenAI. Mặc dù bày tỏ lo ngại về AI, những nhân vật quyền lực này cũng hứng thú với việc tạo ra và kiểm soát nó, cho rằng chỉ có họ mới có thể bảo vệ thế giới khỏi những nguy cơ tiềm ẩn từ AI.

Những ngày đầu của công nghệ Trí tuệ nhân tạo
Tờ New York Times minh họa cuộc tranh luận giữa Elon Musk và Larry Page

Cũng chính cuộc tranh luận giữa Musk và Page đã khiến Musk hợp tác với Sam Altman, dẫn đến việc thành lập OpenAI vào năm 2015. Musk cùng một số nhà đầu tư rót hàng trăm triệu USD vào công ty khởi nghiệp này, nhằm hình thành AI theo một cách khác biệt so với tầm nhìn của Page. Đến năm ngoái, ChatGPT của OpenAI nổi lên như một thế lực đột biến trong ngành công nghệ, nâng cao nhận thức của công chúng về rủi ro và tiềm năng của AI.

Dựa trên định giá từ các vòng huy động vốn gần đây, giá trị của OpenAI đã vượt qua 80 tỷ USD, nhưng mối quan hệ giữa Musk và Altman tan rã, dẫn đến tình trạng căng thẳng leo thang. Altman nhận thấy sự không đồng thuận, thiếu tin cậy và lòng kiêu ngạo trong cộng đồng AI, giống như những cuộc tranh luận trong các giáo phái và các tổ chức tôn giáo.

Tháng trước, OpenAI đối mặt với mâu thuẫn nội bộ khi một số thành viên Hội đồng quản trị đã nổi loạn và cố gắng loại bỏ Altman vì họ không còn tin rằng ông có thể xây dựng một hệ thống AI mang lại lợi ích cho nhân loại. Cuối cùng, khi bị gây sức ép bởi các nhà đầu tư lớn và nhân viên đe dọa sẽ rời đi theo Altman, họ lại lùi bước, cho thấy những cuộc đấu tranh quyền lực căng thẳng bên trong tổ chức.

Đằng sau những ồn ào ở OpenAI, ở Thung lũng Silicon có một cuộc cạnh tranh ít ai biết đến nhưng lại rất quyết liệt và xảy ra ở quy mô lớn. Đích đến là quyền kiểm soát thứ công nghệ đang nhanh chóng làm thay đổi thế giới, từ cách trẻ em được giáo dục đến cách chiến tranh diễn ra. New York Times đã phỏng vấn hơn 80 quan chức, nhà khoa học và doanh nhân, bao gồm cả những người tham dự bữa tiệc sinh nhật của Musk vào năm 2015, để kể câu chuyện về lòng tham, nỗi sợ và tiền bạc xoay quanh AI.

Trong cuộc đua sinh tử này, cuộc “săn tìm” quyền chi phối công nghệ AI đã xen lẫn với tư thù cá nhân, sự mâu thuẫn về tầm nhìn và ý muốn chế tạo một cỗ máy mà một số người cho rằng sẽ gây hại cho con người - một điều tưởng chừng vô lý nhưng lại có thật. Tương lai của AI không chỉ là một biên giới công nghệ mà còn là một chiến trường nơi những nhân vật có ảnh hưởng tranh giành quyền lực. Và những tranh cãi gần đây trong OpenAI mang lại tầm nhìn sâu xa vào những căng thẳng tiềm ẩn đang góp phần định hình phương hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Sự ra đời của DeepMind

Năm 2010, Demis Hassabis, một nhà thần kinh học lúc đó 34 tuổi, cùng hai đồng nghiệp tìm kiếm nguồn tài trợ tại Anh để xây dựng "trí tuệ nhân tạo tổng quát" (A.G.I.), một cỗ máy có khả năng mô phỏng bất kỳ chức năng nào của bộ não con người.

Lúc đó, trí tuệ nhân tạo đối mặt với sự hoài nghi, nhưng một cộng đồng những người chung ý tưởng với triết gia Internet Eliezer Yudkowsky đã bày tỏ sự lo ngại về các hậu quả không mong muốn của trí tuệ nhân tạo. Peter Thiel, vốn bị mê hoặc bởi khái niệm "điểm kỳ dị" (singularity), đã trở thành nhà tài trợ chính cho phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo của Yudkowsky.

Hassabis và đồng nghiệp của ông tham gia hội nghị "điểm kỳ dị" của Thiel, vì thế đã được Yudkowsky giới thiệu với gia chủ. Hassabis nói chuyện với Thiel một cách khéo léo, đầy chiến lược, bàn luận về sự căng thẳng giữa các nước cờ để hứa hẹn về cuộc gặp tiếp theo.

Những ngày đầu của công nghệ Trí tuệ nhân tạo
Hassabis nói chuyện với Thiel một cách khéo léo.

Cảm thấy hứng thú, Thiel mời họ đến nhà riêng vào ngày hôm sau, nơi Hassabis đã huy động được khoản đầu tư 1,4 triệu bảng cho start-up của mình. Công ty được đặt tên là DeepMind, với mục đích thúc đẩy trí tuệ nhân tạo thông qua "học sâu" (Deep learning) và thần kinh học, với niềm tin rằng sự hiểu biết của họ về rủi ro khiến họ trở thành những người duy nhất có thể bảo vệ thế giới. Mustafa Suleyman, một trong những người sáng lập, nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ không phải là loại bỏ công nghệ mà là giảm thiểu nhược điểm của nó.

Sau khi giành được sự hỗ trợ của Thiel, Hassabis kết nối với Elon Musk khoảng hai năm sau tại một hội nghị do quỹ đầu tư của Thiel tổ chức. Musk, lúc này đang lên kế hoạch định cư tại sao Hỏa, nhận ra bản thân chưa xét đến rủi ro những cỗ máy siêu thông minh có thể đe dọa nhân loại ngay cả trên Hỏa tinh. Musk quyết định tham gia vào DeepMind cùng với Thiel.

Với nguồn tài trợ dồi dào, DeepMind thuê các nhà nghiên cứu chuyên sâu về mạng lưới nơ-ron thần kinh, hệ thống thuật toán lấy cảm hứng từ não người. Các mạng này có thể tự học nhiệm vụ bằng cách nhận diện mẫu trong lượng lớn dữ liệu kỹ thuật số. Hệ thống của DeepMind đã thể hiện khả năng của mình bằng cách học chơi các trò chơi Atari cổ điển.

Sau khi xem một buổi trình diễn của DeepMind, Larry Page đã bị thu hút. Cuối cùng Google đã mua lại DeepMind, nhận ra tiềm năng của nó. Hassabis và đội ngũ của ông tiếp tục công việc đột phá, và Page ngày càng bị mê hoặc bởi trí tuệ nhân tạo.

Sự thành công của DeepMind thể hiện sức ảnh hưởng ngày càng tăng của trí tuệ nhân tạo và tiềm năng lớn lao của nó, mặc dù người ta vẫn còn lo ngại về các hậu quả không mong muốn có thể xảy ra.

Cuộc đấu giá nhân tài

Năm 2012, giáo sư Geoffrey Hinton và các nghiên cứu sinh của ông tại Đại học Toronto đã tiết lộ khả năng đột phá của trí tuệ nhân tạo trong một bài nghiên cứu, thu hút sự chú ý từ các công ty lớn, như Baidu đã đề xuất 12 triệu USD để đưa họ đến Bắc Kinh. Từ trước đến nay Hinton chỉ đơn thuần nghiên cứu khoa học, ông từ chối lời đề nghị của Baidu nhưng đã chú ý đến số tiền lớn. Có một người con bị tâm thần, tiền bạc mà trí tuệ của bản thân mang lại có thể giúp ông có được sự đảm bảo về tài chính. Do đó Hinton quyết định tổ chức một cuộc đấu giá nhân tài trong một hội nghị trí tuệ nhân tạo tại Lake Tahoe.

Các đại diện lớn như Google, Microsoft và Baidu tin vào tiềm năng của các mạng lưới nơ-ron, nhìn nhận chúng là con đường để đi tới những cỗ máy không chỉ biết nhìn, biết đọc, biết viết mà thậm chí còn biết suy nghĩ. Đang phát triển dự án Google Brain, Larry Page thực sự bị ấn tượng và cho rằng tài năng của Hinton sẽ giúp ích rất nhiều cho những dự định của mình.

Tại Lake Tahoe, Google và Microsoft tham gia vào một phiên trong đợt đấu giá của Hinton, đạt đến những mức giá đáng kinh ngạc 44 triệu USD. Google cuối cùng đã có được Hinton và đội ngũ của ông, tạo ra một cuộc đua giữa các ông lớn công nghệ để giành được những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.


Ảnh: Giáo sư Geoffrey Hinton

Trước xu hướng này, đồng sáng lập DeepMind, Demis Hasabis nhấn mạnh sự độc lập của DeepMind. Tuy nhiên, một khi các Big Tech đang tích cực theo đuổi tài năng, Hassabis không thể từ chối. Đến cuối năm 2012, cả Google và Facebook đều muốn mua lại DeepMind. Google đề xuất 650 triệu USD, trong khi Mark Zuckerberg đề xuất nhiều hơn cho các nhà sáng lập DeepMind nhưng không đồng ý với một số điều kiện. DeepMind cuối cùng đã về tay Google, thể hiện tầm quan trọng ngày càng tăng của tài năng trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghệ.

Với quyết tâm xây dựng phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo của mình, Mark Zuckerberg đã thuê nhà khoa học máy tính người Pháp Yann LeCun. Sau cuộc đấu giá của Hinton, Zuckerberg và LeCun tham gia vào cùng một hội nghị trí tuệ nhân tạo tại Lake Tahoe, tự phỏng vấn các nhà nghiên cứu hàng đầu và đề xuất mức lương và cổ phiếu đáng kể.

Từng bị cười nhạo, ngày nay AI lại trở thành đích đến mà những người giàu có nhất ở Silicon Valley theo đuổi, sẵn sàng chi nhiều tỷ USD để dẫn đầu về công nghệ này.

>> Facebook và Instagram có thể biến mất nếu không bắt kịp ChatGPT

Trung Quốc công bố mô hình AI có thể dự báo thời tiết tại COP28

Công cụ AI có thể truy tìm nguồn gốc rượu vang

Tỷ phú Elon Musk ra mắt chatbot mới cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cai-toi-noi-so-hai-va-tien-bac-cau-chi-bao-ve-ai-da-bi-chay-nhu-the-nao-215143.html?gidzl=jrwPIKTxv1EsI9r7GsVc4h99daHPPUv5_asGH5yswKR_6ySHNpE_4wfBmKHPChmLh1R04cN57KXZG77X7G
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cái tôi, nỗi sợ hãi và tiền bạc: 'Cầu chì' bảo vệ AI đã bị 'cháy' như thế nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH