Cần hơn 9.000 tỷ đồng để giải bài toán di dời ga Đà Nẵng
Dự án di dời ga Đà Nẵng dự kiến chia thành 2 giai đoạn chính.
UBND TP. Đà Nẵng vừa gửi văn bản tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị đưa ra ý kiến về hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án di dời ga Đà Nẵng, nhằm hoàn thiện hồ sơ và báo cáo đề xuất lên cấp có thẩm quyền.
Chính quyền Đà Nẵng cũng kêu gọi Bộ GTVT hướng dẫn các thủ tục và phương thức triển khai dự án, đồng thời hỗ trợ địa phương trong việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin chủ trương thực hiện dự án.
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, UBND TP. Đà Nẵng dự kiến chia dự án di dời ga Đà Nẵng thành 2 giai đoạn chính.
Giai đoạn 1 của dự án tập trung vào việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng hiện tại đến một vị trí mới, nhằm phục vụ cho sự phát triển đô thị trong khu vực nội thành. Hướng tuyến đường sắt hiện tại sẽ được giữ nguyên, với nhánh đường sắt từ đường vòng Thanh Khê qua ga Thanh Khê tới ga Đà Nẵng sẽ được chuyển đổi thành đường sắt đô thị.
Dự án sẽ xây dựng một nhà ga hành khách mới, cách ga Đà Nẵng hiện tại khoảng 4,2km về phía Hà Nội, tại khu vực Hồ Trung Nghĩa thuộc phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu.
Nhà ga mới sẽ có diện tích khoảng 3.000m2, cao 10 tầng, phục vụ hành khách đi tàu. Ngoài ra, quảng trường nhà ga sẽ được kết hợp với công viên hồ Tây của thành phố để tạo sự kết nối giao thông với các tuyến đường lân cận, với diện tích công viên và quảng trường khoảng 14.000m2.
Trong giai đoạn này, ga Kim Liên tại phường Hiệp Hòa Bắc, quận Liên Chiểu, sẽ được nâng cấp thành ga khu đoạn để phục vụ vận chuyển hàng hóa với công suất xếp dỡ dự kiến 500.000 tấn/năm.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án dự kiến là 2.293 tỷ đồng, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng 781 tỷ đồng và chi phí xây dựng, trang thiết bị khoảng 1.190 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2024-2030, với giai đoạn xây dựng từ quý III/2026 đến năm 2030. Nhà ga mới dự kiến sẽ hoạt động đến năm 2050.
Giai đoạn 2 của dự án sẽ tập trung vào việc di dời tuyến ga và đường sắt khỏi khu vực TP. Đà Nẵng theo quy hoạch. Điểm nhấn quan trọng là việc xây dựng một ga hành khách mới tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, bao gồm cả ga đường sắt quốc gia và ga đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Chi phí ước tính cho giai đoạn 2 của dự án là 3.812 tỷ đồng. Tổng chi phí cho cả dự án dự kiến khoảng 9.045 tỷ đồng, sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
>> Lộ trình thành lập khu thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam
Doanh nghiệp Hàn Quốc đặt tham vọng đầu tư tại tỉnh sẽ là trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu cả nước
Bình Định sắp đón dự án công viên nghĩa trang hơn 150 tỷ đồng