Xăng dầu là một loại hàng hóa có giá luôn biến động, kể cả khi một quốc gia có khả năng chủ động nguồn cung. Với những nước mà phần lớn nhu cầu xăng dầu phải dựa vào nhập khẩu, thì giá xăng dầu sẽ phụ thuộc nhiều hơn, khó “can thiệp” hơn.
Điều này sẽ tăng mức độ thách thức cho cơ quan điều hành khi đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập...
Hầu như không nước nào thả hoàn toàn giá xăng dầu vì đây là một mặt hàng hết sức thiết yếu.
Nhưng cũng không thể áp đặt và không nên áp đặt những biện pháp can thiệp tốn kém nhiều chi phí và làm méo mó, kéo dài sự vận hành bình thường của thị trường xăng dầu, ngoại trừ những tình huống bất khả kháng, trong một khoảng thời gian ngắn, với nguồn lực cho phép.
Để làm cho giá xăng dầu tiêu thụ trong nước đỡ bị biến động mạnh vì những nguyên nhân xảy ra khá thường xuyên về cung – cầu hay rủi ro địa chính trị, sự cố về vận chuyển hoặc khai thác... đã, đang và sẽ xảy ra trên thế giới, Việt Nam cần và có thể thay đổi cách xác định giá xăng dầu (kể cả khi mà các bộ, ngành liên quan tham gia định giá như hiện nay, hay “buông ra” để giá vận hành một cách “tự do” hơn như nhiều nước đã và đang “quản lý” thị trường xăng dầu nội địa).
Hiện nay, Việt Nam đang định giá xăng dầu bán ra trên thị trường nội địa dựa vào mức giá bình quân của giá xăng dầu nhập khẩu trong khoảng 10 hay 15 ngày tại nguồn cung cấp (giá FOB, cũng có thể là giá CIB – đã bao gồm phí vận chuyển, bảo hiểm cho đến khi hàng đã về đến cảng).
Các bộ, ngành hữu quan đang dựa vào giá nhập nói trên, cộng thêm các thứ thuế, phí... phần lớn là tính theo tỷ lệ phần trăm để quy định mức giá tối đa mà các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ được phép bán cho người tiêu dùng.
Cách tính thuế, phí... theo tỷ lệ phần trăm trên giá nhập khẩu (chẳng hạn thuế giá trị gia tăng 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế bảo vệ môi trường và phí khác; tổng cộng khoảng 44%) đã làm biến động (tăng – giảm) giá xăng dầu trong nước đi cùng mức tăng giảm của giá quốc tế, khiến cho sự biến động giá gần như hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, nhất là khi có nhiều biến động địa chính trị và rủi ro bất thường trên thế giới, trong khi có thể làm giảm bớt mức độ biến động của giá tiêu thụ trong nước bằng cách thay các loại thuế – phí... do Việt Nam quy định, từ chỗ tính theo phần trăm căn cứ vào giá nhập, sang một mức thu thuế – phí, các khoản trích lập được xác định bằng số tuyệt đối.
Việc giá xăng dầu quốc tế tăng hay giảm không phải là nguyên nhân bất khả kháng để chúng ta buộc phải tăng hay giảm tương ứng mức thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, phí bảo trì đường bộ, phí lưu thông hay lợi nhuận định mức cho một lít xăng dầu khi bán ra cho người tiêu dùng.
Ngân sách nhà nước cũng không được dự toán với mục tiêu tăng thu hay giảm thu vì giá xăng dầu quốc tế biến động (hiện ta vẫn dùng một mức giá trung bình, dự báo, để lập kế hoạch thu – chi ngân sách hàng năm).
Thị trường xăng dầu sẽ vận hành một cách suôn sẻ, còn người tiêu dùng không còn phải ngóng đợi và ứng phó với các kỳ họp “liên ngành” về định giá xăng dầu như hiện nay.