Vĩ mô

Cần thiết nhưng không nên cứng nhắc!

Phương Nga 30/08/2024 - 12:32

Đề xuất bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế của Bộ Tài chính đang được dư luận đặc biệt quan tâm và nhận lại nhiều ý kiến trái chiều

Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp này hiệu quả, nhưng cũng không nên quá lạm dụng, cứng nhắc, cần có quy định cụ thể, chi tiết, tránh cào bằng mọi đối tượng.

Tạo sự công bằng, bình đẳng

Tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp mạnh tay được cơ quan thuế áp dụng trong thời gian qua đối với người đại diện pháp luật của DN đang nợ thuế. Biện pháp này bước đầu cho hiệu quả khá cao trong việc thu nợ thuế.

Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2024, Tổng cục Thuế đã ban hành hơn 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Toàn ngành thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này, bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế.

Tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế là một trong những biện pháp cơ quan thuế áp dụng. Ảnh: Duy Anh
Tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế là một trong những biện pháp cơ quan thuế áp dụng. Ảnh: Duy Anh

Mới đây, tại dự thảo sửa Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất bổ sung đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh gồm cá nhân là đại diện pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ hộ, cá nhân kinh doanh. Các đối tượng này chịu cùng quy định với cá nhân là người đại diện pháp luật của DN.

Cơ sở để Bộ Tài chính đề xuất mở rộng đối tượng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh là theo Luật Quản lý thuế hiện hành có quy định, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Trong đó, “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức và cá nhân. Song, việc tạm hoãn xuất cảnh hiện chỉ áp dụng với cá nhân là người đại diện pháp luật của DN. Quy định này không phù hợp với thực tiễn. Do đó, tạm hoãn xuất cảnh cần được thực hiện với cả cá nhân người nộp thuế và các cá nhân khác là đại diện pháp luật của tổ chức nộp thuế.

Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác cưỡng chế nợ thuế, tăng tính linh hoạt trong việc áp dụng đồng thời các biện pháp cưỡng chế phù hợp với thực tế tại cơ quan thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đề xuất của Bộ Tài chính đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi, theo dự thảo, phạm vi đối tượng áp dụng hình thức này khá rộng, liên quan tới nhiều thành phần kinh tế. Ngay sau đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều cá nhân giật mình, lo lắng, sốt sắng tìm cách tra cứu thông tin nợ thuế của bản thân, vì lo ngại gián đoạn việc xuất ngoại đã lên trước đó.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, nhưng trong đó mới có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế. Thực tế, nhiều cá nhân kinh doanh nhỏ, có thu nhập ở nhiều nơi, nhưng hạn chế hiểu biết pháp luật về thuế không quyết toán thuế hàng năm, nên vô tình nợ thuế mà không hay biết.

Là chủ một salon tóc trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội), anh Ngô Văn Tuyền đang lo lắng tìm cách tra cứu thông tin nợ thuế của cá nhân, vì thời gian tới anh có kế hoạch đi Hàn Quốc nâng cao tay nghề.

Anh Tuyền cho rằng, thực hiện nghĩa vụ thuế là trách nhiệm của mọi công dân. Vì vậy, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp mạnh tay đối với những người chây ì nợ thuế là cần thiết, tránh thất thu ngân sách Nhà nước và cũng là tạo công bằng với mọi thành phần kinh tế trong xã hội.

Tuy nhiên, anh Tuyền cũng lo lắng vì bản thân những người kinh doanh nhỏ lẻ như anh rất lơ mơ về nghĩa vụ thuế, thậm chí nợ thuế nhưng không hay biết và không biết mức nợ thuế bao nhiêu sẽ bị cấm xuất cảnh. “Tôi kiến nghị, trước khi quy định này được áp dụng và đưa vào Luật, các cơ quan chức năng nên tuyên truyền để người dân hiểu và có những quy định chi tiết, cụ thể, qua đó chấp chấp hành tốt việc nộp thuế” - anh Ngô Văn Tuyền kiến nghị.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, Luật Thuế là một bộ luật có tính pháp lý cao nhất, chỉ sau Hiến pháp, vì vậy, đã là công dân thì phải thượng tôn pháp luật, chấp hành quy định nộp thuế. Người nộp thuế dù là tổ chức hay cá nhân mà chây ì nợ thuế, thì biện pháp xử lý cưỡng chế cũng cần như nhau. Biện pháp này nằm trong nỗ lực tăng cường tuân thủ pháp luật thuế, không chỉ nhắm vào việc xử lý nghiêm những người nợ thuế mà còn mang tính chất răn đe mạnh mẽ.

… nhưng cần quy định chặt chẽ, cụ thể, chi tiết

Việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ thực hiện với những cá nhân ra nước ngoài không quay trở lại, hoặc rất lâu sau mới quay trở lại Việt Nam, nguy cơ không thu hồi được nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế rất cao.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh

Xung quanh đề xuất mở rộng đối tượng nợ thuế bị cấm xuất cảnh có nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định cụ thể, chi tiết, nêu rõ mức nợ tối thiểu là bao nhiêu. Không nên cấm xuất cảnh chỉ vì nợ thuế vài ba chục ngàn đến vài ba triệu đồng. Và phải có thông báo một thời gian đủ lâu trước khi cấm xuất cảnh để người dân thu xếp trả nợ.

TS Lê Quốc Phương – nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nêu quan điểm, biện pháp cấm xuất cảnh cá nhân nợ thuế là cần thiết, song có phần hơi cứng nhắc. Bởi trong số những người nợ thuế, có người cố tình chây ỳ, nhưng cũng có người do không biết mình nợ thuế. Đặc biệt mức nợ thuế chỉ vài trăm ngàn đồng cũng bị cấm xuất cảnh là chưa phù hợp. Do đó cần quy định rõ hơn về vấn đề này.

"Vì hiệu quả cao, nên nhiều địa phương đang có tình trạng lạm dụng "thanh bảo kiếm" này để thực hiện mục tiêu thu hồi nợ thuế của đơn vị. Tuy nhiên, các cơ quan thuế không nên quá lạm dụng mệnh lệnh hành chính cấm xuất cảnh mọi cá nhân nợ thuế, như vậy sẽ gây tâm lý không tốt trong dư luận, thậm chí cản trở công việc kinh doanh của các cá nhân" - TS Lê Quốc Phương nêu ý kiến.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, quy định cấm xuất cảnh đối với những trường hợp nợ thuế đã được quy định trong Luật Quản lý thuế cũng như trong Nghị định của Chính phủ. Đây là một trong những biện pháp đảm bảo thu hồi thuế, chống chây ì, nợ thuế. Tuy nhiên, không phải tất cả cá nhân nợ thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh, mà việc này chỉ áp dụng với một số ít đối tượng.

Nói thêm về việc thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định, căn cứ để ra quyết định được cơ quan thuế thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật và không phải cứ nợ thuế là bị tạm hoãn xuất cảnh.

Cụ thể, theo quy trình, cơ quan thuế sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của cá nhân, cơ quan thuế quản lý trực tiếp với người nộp thuế lập danh sách cá nhân thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Cũng theo ông Đặng Ngọc Minh, để hỗ trợ người nộp thuế có thể nắm được các thông tin liên quan đến quyết toán thuế, nợ thuế… của cá nhân, hiện ngành thuế đã xây dựng ứng dụng eTax Mobile, tương tự ứng dụng eBanking của các ngân hàng thương mại. Ứng dụng này cho phép cá nhân, cá nhân kinh doanh và hộ kinh doanh có thể tra cứu về thuế mọi lúc, mọi nơi, trên thiết bị di động.

Người nộp thuế sẽ được thông báo chi tiết các nghĩa vụ và quyền lợi về thuế cũng như nhiều ứng dụng hữu ích khác liên quan đến lĩnh vực thuế, từ đó tránh trường hợp cá nhân vô tình bị nợ thuế, phải nộp tiền phạt, tiền chậm nộp thuế hoặc cá biệt sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh mà không biết.

Khi áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh, cơ quan thuế nên có sự sàng lọc các đối tượng, cân nhắc tạm hoãn xuất cảnh trong từng trường hợp. Đặc biệt, cũng cần lưu ý thông báo đến người nộp thuế tình trạng nợ thuế, biện pháp cưỡng chế thuế. Điều này tránh trường hợp nhiều người không biết bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, đến khi ra sân bay mới biết.

TS Lê Quốc Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương)

>> Nợ thuế gần 200 tỷ đồng, một đại gia xăng dầu tại Ninh Bình bị nhắc tên

Hơn 5.500 doanh nghiệp tại TP. HCM nợ thuế: Xuất hiện nhiều 'ông lớn' FDI nợ số tiền khủng

Mạo danh lãnh đạo Cục An ninh điều tra để đòi nợ thuê, chạy án

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/can-thiet-nhung-khong-nen-cung-nhac.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần thiết nhưng không nên cứng nhắc!
    POWERED BY ONECMS & INTECH