Xã hội

Cần ưu tiên người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại nơi giam giữ gần gia đình

Luân Dũng 23/10/2024 - 12:19

Đối với việc thi hành án phạt tù của người chưa thành niên, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định “Ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương cư trú”.

Có coi thường pháp luật, gây tâm lý e ngại?

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 23/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TPHCM) quan tâm đến quy định một số ít hành vi tội phạm không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Theo bà Hạnh, điều này dẫn đến nhiều tội phạm dù mang tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn có khả năng được phi tội phạm hóa nếu người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Cần ưu tiên người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại nơi giam giữ gần gia đình ảnh 1
ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TPHCM). Ảnh: Như Ý

Ngoài ra, bà Hạnh cũng lưu tâm đến quy định về giải quyết trường hợp học sinh có việc tang. Theo đó, một trong những điều kiện giải quyết cho người chưa thành niên về gia đình là thân nhân gia đình có đơn xin bảo lãnh.

Tuy nhiên, đại biểu TPHCM băn khoăn, khi hết thời gian được về gia đình, mà người chưa thành niên trốn, trong khi dự thảo chỉ quy định hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm. Dự luật chưa có quy định chế tài nào đối với thân nhân gia đình hay bản thân người chưa thành niên vi phạm cam kết.

“Quy định như vậy không phù hợp, không có tính nghiêm khắc, người chưa thành niên đã bỏ trốn thì phải có hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung”, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho hay.

Theo bà, Bộ luật Hình sự quy định, một người bị kết án tù có thời hạn nhưng được hưởng án treo, nếu trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên, thì tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt. ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc áp dụng nguyên tắc tương tự khi người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ hay phạm tội khác.

Với các quy định như dự thảo hiện nay liên quan người chưa thành niên vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội khác trong thời gian chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng, bà Hạnh đặt câu hỏi: “Liệu có khắc phục được hạn chế của tình trạng “coi thường pháp luật” và gây tâm lý e ngại cho cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng các biện pháp này thời gian qua?”.

Tránh gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực với bị hại

Liên quan đến quy định xem xét dấu vết trên thân thể, trưng cầu giám định, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) viện dẫn: Khoản 1 Điều 153 dự thảo quy định: “Việc xem xét dấu vết trên thân thể của người chưa thành niên là bị hại phải có sự tham gia của người đại diện của họ”. Bà Nga cho rằng, điều này rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bị hại là người chưa thành niên.

Cần ưu tiên người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại nơi giam giữ gần gia đình ảnh 2
ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: Như Ý

Cũng theo đại biểu, nên cân nhắc xem xét quy định thêm về sự đồng ý của chính người chưa thành niên là người bị hại nếu người đó ở độ tuổi đã có những nhận thức nhất định (có thể từ 13 tuổi trở lên) đối với việc xem xét dấu vết trên thân thể, đặc biệt đối với những khu vực, bộ phận nhạy cảm, riêng tư.

“Điều này thể hiện sự tôn trọng cũng như tránh gây những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đối với người bị hại là người chưa thành niên”, bà Nga nói.

Đối với việc thi hành án phạt tù của người chưa thành niên, đại biểu đoàn Hải Dương đề nghị bổ sung quy định “Ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương cư trú”.

“Điều này thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho gia đình thăm nom, gặp gỡ, động viên người chưa thành niên phạm tội, góp phần cải thiện tâm lý của người chưa thành niên theo hướng tích cực”, bà Nga cho hay.

ĐBQH Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có xu hướng ngày càng gia tăng. Đối tượng có hành vi phạm tội ở độ tuổi 16-18 tuổi.

Trên thực tế, tình trạng lợi dụng không gian mạng, các nhóm đối tượng phát triển rất nhanh, kéo theo hàng chục, hàng trăm đối tượng tham gia cuộc chiến phạm tội manh động. Trong khi đó, dự thảo luật chỉ quy định không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở một số tội là “chưa đầy đủ”.

Ông Tạo lo ngại, có thể xuất hiện những băng nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản…

Do vậy, ĐBQH đề nghị bổ sung thêm trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự luật để tránh áp dụng không thống nhất đồng bộ, nhằm nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

>> Bộ trưởng Công an: Triệt phá 28 chuyên án phạm tội sử dụng công nghệ cao

Bộ trưởng Công an: Triệt phá 28 chuyên án phạm tội sử dụng công nghệ cao

Không để xảy ra tình trạng lợi dụng mưa bão, lũ lụt để phạm tội

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/can-uu-tien-nguoi-chua-thanh-nien-chap-hanh-an-phat-tu-tai-noi-giam-giu-gan-gia-dinh-post1684832.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần ưu tiên người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại nơi giam giữ gần gia đình
    POWERED BY ONECMS & INTECH