Cảng Phước An (PAP) quy mô 6.800 tỷ đồng chưa hoạt động, doanh nghiệp vẫn "trắng" doanh thu
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Cảng Phước An (PAP) tiếp tục không có doanh thu do vẫn đang trong quá trình đầu tư dự án, chưa đi vào hoạt động.
CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023.
Theo đó, trong quý 3/2023, Cảng Phước An tiếp tục không phát sinh doanh thu do vẫn đang trong quá trình đầu tư dự án, chưa đi vào hoạt động. Công ty vẫn phát sinh chi phí quản lý doanh nghiệp 1,6 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, công ty có khoản thu lãi tiền gửi tại các ngân hàng thương mại và phát sinh tiền đi vay để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng và các hợp đồng thực hiện dự án nhưng không hạch toán vào mục doanh thu tài chính và chi phí tài chính.
Cuối kỳ, Cảng Phước An lỗ 1,6 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 4,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp lỗ sau thuế 5 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 6,1 tỷ đồng.
Theo lý giải, do Cảng Phước An thực hiện theo Điểm 32 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể “trường hợp trong giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp có phát sinh khoản chi trả tiền vay thì khoản chi này được tính vào giá trị đầu tư.
Trường hợp trong giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp phát sinh cả khoản chi trả lãi tiền vay và thu từ lãi tiền gửi thì được bù trừ giữa khoản chi trả lãi tiền vay và thu từ lãi tiền gửi, sau khi bù trừ phần chênh lệch còn lại ghi giảm giá trị đầu tư”. Do đó, tuy có phát sinh các khoản thu lãi tiền gửi và khoản tiền đi vay nhưng Công ty không hạch toán vào mục doanh thu tài chính và chi phí tài chính.
Trên thị trường chứng khoán, từ đầu năm 2023 đến kết phiên giao dịch ngày 13/10/2023, thanh khoản cổ phiếu PAP bình quân chỉ ghi nhận 356 cổ phiếu/ngày, đang giao dịch tại mức giá 12.000 đồng/cp.
Vẫn miệt mài thực hiện dự án cảng Phước An
CTCP Đầu tư Khai thác Cảng Phước An đang triển khai dự án là cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng (logistic) tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, thuộc nhóm cảng biển số 5, là cảng tổng hợp quốc gia và đầu mối trong khu vực do PAP làm chủ đầu tư, cách trung tâm TP HCM và Bình Dương khoảng 40 km.
Dự án gồm hai phần, phần đầu là cảng Phước An với tổng diện tích 183 ha với tổng mức đầu tư là 6.813 tỷ đồng, chiều dài bến 3.050 m, với 6 bến container và 4 bến tổng hợp, chiều sâu trước bến là 15 m, tiếp nhận tàu hàng 60.000 DWT, công suất 2.5 triệu TEU/năm và 6,5 triệu tấn hàng tổng hợp/năm; phần còn lại là khu dịch vụ hậu cần cảng (logistics) với tổng diện tích hơn 550 ha, dự kiến sẽ được đầu tư trọn gói theo hình thức “Door to Door” phục vụ nhu cầu của ngành Dầu khí, khu công nghiệp Nhơn Trạch, các khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương và các khu vực lân cận.
Vừa qua, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận chia tách dự án cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng (logistic) thành hai dự án gồm dự án đầu tư xây dựng cảng Phước An và dự án đàu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An.
Các hoạt động xoay quanh dự án này tiếp tục là trọng tâm thực hiện của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2023. Cảng Phước An đã hoàn thành bồi thường, nhận bàn giao diện tích 157 ha tại khu cảng và đã ký hợp đồng thuê đất tổng diện tích 485 ha, được cấp chứng nận quyền sử dụng đất với tổng diện tịch 475 ha tại khu dịch vụ hậu cần.
Đối với tiến độ xây dựng phân kỳ 1 ở khu cảng, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đang đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo đưa vào khai thác trong quý 2/2024. Các công tác khác liên quan đến dự án cũng đang được gấp rút triển khai.
Ngoài ra, Công ty cũng đã hoàn thiện hồ sơ đề xuất chuyển đổi công năng khu dịch vụ hậu cần với phần diện tích 330 ha và gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư xem xét trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Đồng thời đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung phần diện tích 225,24 ha đất logistic của dự án Cảng Phước An vào quy hoạch khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai.
Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, doanh nghiệp sẽ giải ngân thêm 2.414 tỷ đồng để thực hiện dự án Cảng Phước An, qua đó, nâng tổng mức đầu tư lũy kế ước tính đến cuối năm 2023 lên hơn 4.802 tỷ đồng. Số tiền này dùng để bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai dự án và chi phí khác.
Doanh nghiệp gần 8 năm ‘trắng’ doanh thu vì dự án 20.000 tỷ đồng
Cảng Phước An (PAP) 'trắng' doanh thu nhưng vẫn lãi gần 10 tỷ đồng