Thị trường dầu mỏ toàn cầu ngày càng bị phân mảnh và mang tính nội địa nhiều hơn. Nguyên nhân là các cuộc tấn công ở Biển Đỏ và giá cước vận tải tăng cao khiến nguồn cung trong nước trở nên hấp dẫn hơn.
Việc sụt giảm lưu lượng tàu chở dầu qua kênh đào Suez đang thúc đẩy sự chia tách của thị trường dầu mỏ thế giới. Theo Bloomberg, đang xuất hiện 2 khu vực tách biệt: một bên là các giao dịch tập trung quanh lưu vực Đại Tây Dương (gồm Biển Bắc và Địa Trung Hải), và một bên bao gồm vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương và Đông Á.
Một số nhà phân tích cho biết vẫn có dòng chảy dầu thô giữa các khu vực này – thông qua các hành trình dài và tốn kém quanh phía Nam châu Phi – nhưng xu hướng mua hàng gần đây đã có sự thay đổi.
Theo nhiều nhà giao dịch, trên khắp châu Âu, một số nhà máy lọc dầu đã bỏ qua việc mua dầu thô Basrah của Iraq vào tháng trước, trong khi những người mua từ châu lục này chuyển sang hàng hóa từ Biển Bắc và Guyana.
Tại châu Á, nhu cầu lớn đối với dầu thô Murban của Abu Dhabi dẫn đến một đợt tăng đột biến vào giữa tháng 1 và lưu lượng từ Kazakhstan đến châu Á giảm mạnh.
Trong khi đó, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu từ Kpler cho thấy lượng dầu từ Mỹ đến châu Á trong tháng trước giảm hơn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bloomberg, sự phân chia này sẽ không kéo dài nhưng hiện tại nó đang khiến các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu như Ấn Độ và Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu.
Còn đối với các nhà máy lọc dầu, vấn đề này hạn chế tính linh hoạt của họ trong việc đáp ứng động lực thị trường đang thay đổi nhanh chóng và ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Viktor Katona, chuyên gia dầu thô tại công ty phân tích dữ liệu Kpler, nhận định: “Việc chuyển hướng sang vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn về mặt logistics sẽ tiếp tục diễn ra khi gián đoạn ở Biển Đỏ khiến giá cước vận chuyển tăng cao. Việc cân bằng giữa an ninh nguồn cung và tối đa hóa lợi nhuận là một thách thức lớn”.
Giao thông tàu chở dầu qua Biển Đỏ giảm do các cuộc tấn công của Houthi đã ngăn cản các chủ tàu. Nguồn: Bloomberg |
Kpler chỉ ra rằng lưu lượng tàu chở dầu đi qua kênh đào Suez trong tháng trước đã giảm 23% so với tháng 11/2023 và thậm chí còn rõ rệt hơn đối với khí dầu mỏ hóa lỏng và khí tự nhiên hóa lỏng, lần lượt giảm 65% và 73%.
Hiện tại, dầu diesel và nhiên liệu máy bay từ Ấn Độ và Trung Đông đến châu Âu, cũng như dầu mazut và naphtha của châu Âu vận chuyển tới châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Giá naphtha tại châu Á, một nguyên liệu cho ngành hóa chất, đạt mức cao nhất trong gần 2 năm vào tuần trước do lo ngại nguồn cung từ châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tác động của những cuộc tấn công ở Biển Đỏ đang ảnh hưởng đến giá dầu vì chi phí vận chuyển cao hơn, điều này đã thúc đẩy các nhà máy sử dụng nguồn cung trong nước nếu có thể.
Kpler cho biết giá cước đối với tàu chở dầu Suezmax từ Trung Đông tới Tây Bắc Âu tăng khoảng một nửa kể từ giữa tháng 12 năm ngoái. Dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tăng khoảng 6% so với cùng kỳ.
Dầu Mỹ đến châu Á ít hơn khi tình trạng hỗn loạn ở Biển Đỏ nâng giá cước vận tải. Nguồn: Bloomberg |
Tình hình ở Biển Đỏ dự kiến sẽ không làm xáo trộn luồng vận chuyển dầu về mặt dài hạn, nhưng cũng khó có thể đạt được giải pháp cho cuộc xung đột trong thời gian tới. Thay vào đó, nguy cơ lớn về các sự cố gián đoạn sẽ dễ xảy ra hơn, đặc biệt là sau cuộc tấn công của Houthi vào một tàu chở nhiên liệu của Nga cuối tháng trước.
Adi Imsirovic, Giám đốc công ty tư vấn Surrey Clean Energy, bình luận: “Địa chính trị không tốt cho thương mại. Nếu tôi là người mua, tôi sẽ cảnh giác hơn. Đây là thời điểm khó khăn đối với các nhà máy lọc dầu, đặc biệt là ở châu Á. Họ cần phải linh hoạt hơn”.
>> Khủng hoảng ở Biển Đỏ có thể phá tan hi vọng phục hồi kinh tế toàn cầu