Cảnh báo lừa đảo từ dự án nghỉ dưỡng "ma" Đà Lạt Pearl
Theo thông tin từ tỉnh Lâm Đồng, dự án thực chất là một khu đất trống, chỉ có một nhà mẫu làm bằng khung sắt tiền chế và không hề có hồ sơ pháp lý nào.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM mới đây đã đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thửa đất số 218, tờ bản đồ số 63 thuộc dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl để phục vụ điều tra, giải quyết tố giác tội phạm liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl. Mặc dù trong tên có chữ Đà Lạt nhưng lại nằm ở xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), cách trung tâm Đà Lạt hơn 40km.
Dự án được CTCP Phát triển Bất động sản Thanh Niên Holdings quảng cáo, rao báo rầm rộ trên mạng xã hội lẫn các website lại không có hồ sơ tại cơ quan chức năng.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, dự án này không có trong danh mục đã cấp chứng nhận đầu tư. Ngoài ra, tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng cũng không có hồ sơ đầu tư, cấp phép xây dựng.
Dự án thực chất là một khu đất trống, chỉ có một nhà mẫu làm bằng khung sắt tiền chế.
Toàn bộ khu đất được san gạt bằng phẳng, ba đường nhựa đã xây dựng xong, dài nhất là đoạn dọc sông Đa Nhim.
Khu đất gần 2ha, từ 4 thửa ban đầu đã được phân thành 75 thửa nhỏ hơn. Ranh giới các thửa đất được phân biệt bằng những rào gỗ tạp.
Theo ông M - người được cho là quản lý khu đất cho biết, toàn bộ các thửa đất khu nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl đã được chuyển một phần lên thổ cư và có thể lên thổ cư hết nếu khách có nhu cầu.
Ông M. khẳng định thêm, nếu khách hàng đặt cọc hoặc chuyển nhượng thì sẵn sàng làm hợp đồng ngay trong ngày tại huyện Đơn Dương, tại TP Đà Lạt hoặc tại công ty ở TP.HCM tùy theo yêu cầu của khách.
Trao đổi với Báo Tuổi trẻ, đại diện UBND huyện Đơn Dương cho biết: "Chúng tôi đã rà soát, không có dự án bất động sản nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Do đó, Đà Lạt Pearl chào bán đất theo hình thức dự án địa ốc là tự nhận, không đủ cơ sở pháp lý".
Đại diện UBND huyện Đơn Dương cho biết thêm đã yêu cầu UBND xã Tu Tra xác minh, nếu phát hiện hành vi núp bóng, mượn danh dự án thì báo cáo để huyện có hướng xử lý.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã nhận đơn tố cáo của bà N. (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM). Bà N tố cáo ông N.A.T (thuộc ban lãnh đạo CTCP Phát triển bất động sản Thanh Niên Holdings, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM).
Cụ thể, bà N. cho rằng ông N.A.T có hành vi lừa đảo chiếm đoạt gần 2,6 tỉ đồng của bà thông qua việc nhận đặt cọc chuyển nhượng thửa đất nói trên.
Bà N cho rằng thửa đất 218 không thuộc sở hữu của ông N.A.T. Thửa đất số 218 này là một trong các thửa đất đang được quảng cáo rầm rộ thuộc Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl của CTCP Phát triển Bất động sản Thanh Niên Holdings.
Được biết, dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl được quảng cáo có quy mô 5ha, với các thửa đất 200-700m2.
Trong năm 2022, nhiều thửa đất tại đây đã được rao bán trên mạng xã hội với giá từ 2,8 tỷ đến hơn 3,2 tỷ đồng. "Đà Lạt Pearl định hướng phát triển thành khu nghỉ dưỡng cao cấp nhất khu vực Lâm Đồng" - một người rao bán đất tại dự án này quảng cáo trên fanpage chuyên về bất động sản Đà Lạt.
Có điều, ngoài những thông tin đăng tải trên website của CTCP Phát triển Bất động sản Thanh Niên Holdings và người bán quảng bá trên mạng xã hội, Dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Đà Lạt Pearl không hề có thêm thông tin pháp lý nào.