Cặp vợ chồng đến ngân hàng yêu cầu chuyển khoản 200 triệu cho con gái, nhân viên Agribank bất ngờ từ chối - Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 13/12/2024, một cặp vợ chồng đến chi nhánh Agribank để yêu cầu chuyển khoản 200 triệu đồng vào tài khoản mà họ tin là của con gái mình.
Công an tỉnh Bình Định cho biết, ngày 13/12/2024, chị Trần Thị Như Hiếu - nhân viên Ngân hàng Agribank Chi nhánh Hoài Ân đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo, giúp khách hàng thoát khỏi nguy cơ mất 200 triệu đồng.
Cụ thể, vào khoảng 10h cùng ngày, vợ chồng ông L.P.H (trú tại xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) đến phòng giao dịch này để yêu cầu chuyển khoản 200 triệu đồng vào tài khoản mà họ tin là của con gái mình.
Chị Hiếu chia sẻ: "Lúc đó, chú H. yêu cầu tôi chuyển vừa tiền mặt vừa tiền trong tài khoản của vợ chồng vào số tài khoản của con gái mình. Nhưng khi tôi xác minh số tài khoản, tên thấy thông tin không khớp nên tôi chủ động hỏi lại. Lúc này, vợ chồng chú H. đưa cho tôi xem nội dung tin nhắn mà con gái gửi cho vợ chồng chú H. Trực tiếp đọc tin nhắn, tôi thấy rất khả nghi vì họ nhiều lần từ chối cuộc gọi của chú H. nhưng lại liên tục hối thúc chuyển tiền để kịp mua đất, xem lại địa chỉ Facebook thì thấy đây là địa chỉ mới thành lập.
Tôi lập tức khuyên chú H. gọi điện trực tiếp cho con gái và được con gái khẳng định không hề mua đất, càng không nhắn tin nói ba mẹ chuyển tiền, địa chỉ trang Facebook nhắn tin với ba mẹ là giả mạo. Cũng may, được tuyên truyền thường xuyên nên tôi đã luôn cảnh giác và ngăn được vụ lừa đảo".
![]() |
Trước khi thực hiện giao dịch cho khách hàng, nhân viên ngân hàng thường nhắc nhở kiểm tra kỹ lại thông tin cũng như quan sát biểu hiện của người chuyển tiền để chủ động tư vấn tránh bị lừa đảo. Ảnh: Công an tỉnh Bình Định |
Không chỉ giả mạo người thân, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Ngày 15/2/2025, chị Trần Thị Ngọc Mai (trú tại TP. Quy Nhơn) suýt mất 150 triệu đồng khi nhận được cuộc gọi từ kẻ giả danh nhân viên ngân hàng, thông báo tài khoản của chị bị khóa và yêu cầu làm theo hướng dẫn để mở lại.
“Lúc đầu tôi không tin nên tắt máy. Nhưng khi vào app ngân hàng của mình thì đúng là tài khoản bị khóa thật nên tôi gọi lại để được hướng dẫn. Lúc đó, họ yêu cầu tôi truy cập vào đường link họ gửi qua tin nhắn vì nhiều lần đọc và nghe thông báo là không được truy cập vào các đường link lạ nên tôi không thực hiện theo và nói để ra thẳng ngân hàng làm cho bảo đảm. Lúc này, họ chửi tôi rồi cúp máy”, chị Mai nói
Theo Công an tỉnh Bình Định, đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc mà người dân đã kịp thời phát hiện và tránh được bẫy lừa đảo trên không gian mạng.
Trước tình trạng tội phạm mạng ngày càng tinh vi, năm 2024, Công an tỉnh Bình Định đã triển khai kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và chiếm đoạt tài sản qua các giao dịch trực tuyến.
Thượng tá Trương Văn Phụng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh khuyến cáo: “Song song với các biện pháp nghiệp vụ mà lực lượng Công an đã và đang triển khai, mỗi người dân cũng cần phải lưu ý không vội vàng chuyển tiền khi nhận được yêu cầu từ người lạ hoặc tin nhắn từ tài khoản mạng xã hội nghi vấn. Luôn xác minh thông tin bằng cách gọi điện trực tiếp cho người thân. Không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số tài khoản cho bất kỳ ai qua điện thoại hoặc tin nhắn. Khi nghi ngờ bị lừa đảo, cần báo ngay cho ngân hàng hoặc cơ quan Công an để được hỗ trợ kịp thời”.