Câu chuyện kinh doanh: Thỏ già - thỏ trẻ và tuyệt chiêu định hướng doanh nghiệp

18-06-2023 15:05|Quỳnh Như

Trong kinh doanh, dù một chiến lược được vạch ra rất tốt nhưng nếu không được triển khai định hướng hợp lý thì chiến lược đó cũng không mang lại giá trị.

Một khi đã có ý tưởng, bạn phải tìm cách thực hiện để biến nó thành hiện thực. Người ngoài có thể đem cơ hội đến cho bạn, nhưng bạn có nắm bắt được hay không mới là yếu tố quyết định thành công. Dưới đây là câu chuyện về hai chú thỏ có thể sẽ khiến bạn phải suy ngẫm.

Người khác mang đến cơ hội nhưng thành công hay không là ở bạn

Một ngày nọ, thỏ già nhìn thấy thỏ trẻ đang chạy hớt ha hớt hải bèn gọi lại hỏi chuyện:

– Tại sao cháu lại chạy loạn lên thế?

– Bác không biết là mùa săn bắn đã đến rồi sao?

– Chàng trai ạ, ta có một cách để giải quyết việc đó. Cháu hãy biến mình thành một cây to, dù người thợ săn có đi qua cũng không thể bắn cháu được, vì họ cứ tưởng cháu là một cái cây.

– Cách này thật tuyệt! Sao trước đây cháu không nghĩ ra nhỉ? Cám ơn bác nhiều lắm.

Thỏ già lại nhẹ nhàng rảo bước trong rừng. Được một lúc nó nghe tiếng thỏ trẻ đuổi theo:

– Bác ơi, nhưng làm thế nào để biến được thành một cái cây?

Thỏ già đứng lại, nhún vai nói:

– Chàng trai, ta đã đưa cho cháu một cách tốt, cháu phải cảm ơn ta chứ không nên làm phiền ta bằng những câu hỏi đó. Cháu nên tự mình suy nghĩ mới phải chứ.

Trên thực tế, một khi nảy ra ý tưởng, bạn cũng phải nghĩ đến việc chúng có khả thi hay không? Có thể ứng dụng vào thực tế hay không?... Người khác có thể mang đến cho bạn cơ hội nhưng thành bại lại phải xem vào khả năng nắm bắt và vận dụng của chính bạn.

Ý tưởng tốt trước hết phải là ý tưởng khả thi

Thực tế cho thấy, một ý tưởng tốt là khởi nguồn của vô số thành công, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi nó được hiện thực hóa. Còn ngược lại, dù ý tưởng có tuyệt vời đến mấy mà không khả thi thì chiến lược đó cũng không có giá trị gì cả, tất cả chỉ là lý thuyết sáo rỗng, vô nghĩa.

Chẳng hạn như ý tưởng thế giới ảo Metaverse của tỷ phú công nghệ Mark Zuckerberg. Ngay từ những ngày đầu tiên, Zuckerberg đã tiêu tốn hàng chục tỷ USD vào Metaverse - thứ mà ông cho là một tầm nhìn vĩ đại có thể làm thay đổi cả thế giới - một dạng “internet hiện thân”, nơi mọi người không chỉ xem được nội dung mà còn tồn tại trong đó. Đoạn video quảng cáo hào nhoáng đi kèm với thông báo thay đổi tên công ty thành Meta cho thấy sự tập trung hoàn toàn vào Metaverse.

Ngoài Meta, các công ty công nghệ khác cũng đổ hàng trăm tỷ USD vào Metaverse với kỳ vọng công nghệ này sẽ được phổ biến như cách Facebook - người anh em của nó được đón nhận.

Sau một thời gian gây được tiếng vang, số người dùng Metaverse đã dần chậm lại. Nguyên nhân chủ yếu là do thiết bị phần cứng đắt đỏ và công nghệ còn chưa hoàn thiện, thiếu tầm nhìn nhất quán cho sản phẩm cộng thêm tình hình kinh tế xấu đi, đã khiến Metaverse trên đường đến “nghĩa địa của những ý tưởng thất bại trong ngành công nghệ”.

Kể từ thời điểm đổi tên công ty thành Meta và thể hiện tham vọng xây dựng vũ trụ ảo Metaverse, thay vì chỉ tập trung vào mạng xã hội như trước đây, giá cổ phiếu của Facebook đã liên tục bị sụt giảm, thổi bay khối tài sản khổng lồ của Mark Zuckerberg.

Tính đến cuối năm 2022, giá trị vốn hóa của Meta đạt 252,43 tỷ USD, chỉ bằng 30% giá trị của công ty vào thời điểm cuối năm 2021. Riêng tài sản của Mark Zuckerberg đã bị "bốc hơi" 88,7 tỷ USD, là một trong những tỷ phú có tài sản bị sụt giảm nhiều nhất trong năm 2022.

Vậy làm thế nào để có một ý tưởng tốt?

Tìm vấn đề và giải quyết

Một ý tưởng kinh doanh hay được ví như liều thuốc giải quyết cho chính những vấn đề mà bạn đang gặp phải trong cuộc sống của mình. Vì vậy hãy bắt đầu đặt viên gạch đầu tiên của việc này bằng cách liệt kê những vấn đề trong cuộc sống của mình.

Hãy tiến hành giải quyết những vấn đề mà chưa ai giải quyết, đó có thể là một sản phẩm cần thiết trong cuộc sống, một dịch vụ mà mọi người đang có nhu cầu cao. Và sẽ tuyệt vời hơn khi bạn đã có cho mình những kinh nghiệm trong các lĩnh vực đó hoặc được học hỏi từ những người xung quanh bạn về mảng kinh doanh đó.

Nhen nhóm từ những điều đơn giản nhất

Không ai nói rằng ý tưởng kinh doanh phải là những gì cao siêu, to lớn, vì đôi khi nó xuất phát từ những suy nghĩ bên lề hoặc chính sở thích của bạn. Ví dụ bạn là người khéo tay với những món đồ trang trí nhỏ xinh, một ý tưởng kinh doanh đồ handmade sẽ rất tuyệt. Hoặc bạn thích lăn mình vào bếp, sao không tạo cho mình một kênh ẩm thực? Quan trọng nhất chính là bạn vạch ra được cho mình những chiến lược và kế hoạch để thực hiện ý tưởng đó. Đưa nó đến với cái đích cuối cùng.

Coi trọng sự hợp tác

Đại ý chính là sự làm việc và hợp tác trong một tổ chức với nhau, quy luật bình thường là lúc nào nhiều cái đầu cùng suy nghĩ sẽ mang đến cho bạn những ý tưởng hay ho và độc đáo hơn là việc một mình vật lộn với mớ bòng bong các ý tưởng đó.

Nếu bạn làm việc theo nhóm, hãy tạo thời gian trống bằng cách chia các buổi họp ý tưởng ra thành nhiều ngày cách xa nhau, thay vì chốt ngay ý tưởng trong một buổi họp. Chẳng hạn như trong buổi thảo luận thứ nhất, cả nhóm thảo luận ý tưởng mới cho dự án - các bạn sẽ thu được một số ý tưởng sơ bộ. Sau đó, hãy thoả thuận thời điểm gặp nhau lần hai. Trong khoảng thời gian giữa hai lần họp, mỗi người sẽ tự suy nghĩ ý tưởng theo cách của riêng mình.

Để đến khi gặp nhau, hãy để mọi người trình bày ý tưởng và cùng thảo luận. Vì những ý tưởng này đã có nhiều thời gian hơn để phát triển, các bạn có thể thảo luận sâu hơn. Cả nhóm sẽ cùng lựa chọn xem nên sử dụng ý tưởng đó hoặc nguyên tắc cơ bản nào cho dự án và tiếp tục quá trình.

Bằng cách này, ý tưởng sẽ có thời gian chín muồi và tạo được nền tảng tốt cho dự án. Một khi nền tảng này vững chắc, bạn sẽ dễ xây dựng ý tưởng dựa trên đó hơn.

Học hỏi từ mạng internet

Không thể phủ nhận được sức mạnh của công nghệ trong thời buổi này, bạn hoàn toàn có thể lên mạng để tham khảo cho mình những ý tưởng kinh doanh hay và đã thành công của những người đi trước. Từ đó xem xét các điều kiện cần thiết xem bạn có thể bắt đầu với ý tưởng kinh doanh của mình hay không.

Với sự kết nối mạnh mẽ như hiện nay, bạn hoàn toàn có thể học hỏi được, biết được những chiến lược thành công của các doanh nhân khác, từ đó rút ra được cho mình những kinh nghiệm thành công, để bắt đầu con đường kinh doanh của chính mình.

Thả lỏng đầu óc

Hãy luôn tôn trọng bản thân mình, nên nhớ bộ não của bạn không thể hoạt động liên tục mà không có lúc nghỉ ngơi. Chính vì vậy, hãy để đầu óc được thoải mái nhất có thể, khi đó, bạn mới có được sự tập trung cao nhất để có thể sáng tạo và có được ý tưởng kinh doanh độc đáo và hiệu quả nhất.

Mỗi người có được những ý tưởng kinh doanh của mình trong những hoàn cảnh và tâm thế khác nhau, cũng như việc một người chỉ có thể tập trung trong không gian yên tĩnh, lại có người vẫn có thể suy nghĩ cao độ ngay cả khi đang ở trong một môi trường ồn ào.

Chẳng hạn như hơn 40 năm về trước, khi cạn kiệt cảm hứng sáng tác, nhạc sĩ nổi tiếng Bob Dylan từng tuyên bố từ bỏ viết nhạc. Ông bỏ lại phía sau New York và những buổi diễn, tìm về một căn nhà trống cô độc. Ngờ đâu đó lại là khởi đầu của ca khúc huyền thoại "Like A Rolling Stone", kết quả của "khoảnh khắc xuất thần" xảy đến khi Bob đã từ bỏ sáng tác.

Nhưng nói cho cùng, đi từ ý tưởng kinh doanh đến việc hiện thực hóa nó là cả một quãng đường không hề ngắn và không có màu hồng. Nên mỗi người cần chuẩn bị được cho mình những yếu tố cần và đủ để thực hiện được ý tưởng đó.

Câu chuyện kinh doanh: Màn nhảy gây bão của Chủ tịch Ngân hàng ACB và bài học về phong cách của người lãnh đạo

Người đàn ông Nhật đến Việt Nam mở cửa hàng thức ăn nhanh, ai ngờ được loạt quỹ rót vốn, kiếm chục triệu đô nhờ bán pizza

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Vinfast không chỉ là câu chuyện kinh doanh, sẽ tài trợ thêm 1 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cau-chuyen-kinh-doanh-tho-gia-tho-tre-va-tuyet-chieu-dinh-huong-doanh-nghiep-187154.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Câu chuyện kinh doanh: Thỏ già - thỏ trẻ và tuyệt chiêu định hướng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS & INTECH