Cầu dây văng vượt biển 2.400 tỷ đồng dài nhất miền Trung sắp về đích, tạo động lực du lịch cho thành phố Di sản Văn hóa thế giới
Hiện cây cầu đang được các nhà thầu tăng tốc thi công, phấn đấu hợp long vào cuối năm 2024.
Được khởi công tháng 3/2022, cầu bắc qua cửa biển Thuận An có tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Đây là một trong những hạng mục của tuyến đường ven biển đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cầu vượt biển Thuận An dài 2,36km với bề rộng 20m, 4 làn xe. Điểm đầu cầu là đường Hoàng Sa, phường Thuận An; điểm cuối tại Cồn Đâu, xã Hải Dương, TP. Huế.
Mới đây, Báo Thừa Thiên Huế dẫn lời kỹ sư Nguyễn Nam Tùng, Chỉ huy trưởng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương: "Đến thời điểm này, dự án đã thi công đạt hơn 70% kế hoạch. Hiện nay, các đơn vị đang tập trung thi công trụ chính T27 và T26 nằm trên mặt biển theo phương án đúc hẫng cân bằng đối xứng, đồng thời chuẩn bị thi công hệ thống trụ tháp dây văng. Tất cả các tính toán ở đây đều phải chính xác tuyệt đối để bảo đảm chất lượng và an toàn trong suốt quá trình thi công".
Theo kỹ sư này, đây là hạng mục khó nhất của dự án, bởi môi trường làm việc ở độ cao so với mực nước biển gần 40m, cao hơn cầu bình thường gần 19m; khổ thông thuyền lớn; phạm vi mặt bằng hẹp nên phải tập trung bơm chuyền nhiều trạm máy để đổ bê tông trực tiếp trên mặt cầu tại trụ này. Khoảng cách giữa trụ T27 cách trụ T26 (nhà thầu Tân Nam thi công) cách nhau khoảng 220m nên việc đúc hẫng cân bằng luôn được các kỹ sư túc trực, giám sát kiểm tra các thông số tránh sai sót để khi hợp long không xảy ra độ vênh...
Cầu vượt biển Thuận An được xem là “đại dự án” tại tỉnh Thừa Thiên Huế, khi hoàn thành sẽ là cầu vượt cửa biển dài nhất miền Trung.
Hiện nay, những nhịp cầu từ mặt đất đã hoàn thiện chuẩn bị nối với trụ T27 và T26 như một con khủng long khổng lồ vươn ra đại dương bao la. Dự án cầu vượt cửa biển Thuận An đang được các nhà thầu tăng tốc thi công, phấn đấu hợp long vào cuối năm 2024.
Cầu vượt cửa biển Thuận An khi hoàn thành sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho khu vực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các vùng lân cận. Các huyện Quảng Điền, Phú Vang, TP. Huế sẽ được kết nối thông thương nhờ cây cầu này. Người dân xã Hải Dương vào mua mưa sẽ khắc phục được tình trạng bị chia cắt, cô lập. Quảng đường từ hai bên cầu cũng được rút ngắn từ 20km xuống còn khoảng 3km.
Cầu Thuận An sẽ góp phần hình thành tuyến đường du lịch ven biển, kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia. Công trình cũng tạo thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc - Nam, tăng tính kết nối đến các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền Trung.
Tuyến đường ven biển hình thành sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 1.500ha, mở ra cơ hội phát triển đô thị, thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng du lịch, dịch vụ, khu resort và du lịch nghỉ dưỡng. Sự phát triển của giao thông và du lịch sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ khác như thương mại, nhà hàng, khách sạn... tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Nằm trên dải đất miền Trung, Huế là thành phố Di sản Văn hóa thế giới. Cố đô vốn nổi tiếng với bề dày lịch sử lâu đời, văn hóa đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Nơi đây đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trở thành điểm hội tụ, giao thoa và lan tỏa những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng, góp phần làm nên dòng chảy văn hóa Việt Nam độc đáo.
Huế tự hào sở hữu 7 Di sản thế giới, cùng với gần 1.000 Di tích lịch sử văn hóa và hơn 500 lễ hội đặc sắc. Nơi đây còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa cổ kính, làng cổ truyền thống... Tất cả tạo nên một kho tàng di sản vô giá của vùng đất Cố đô.
Bên cạnh giá trị văn hóa, Huế còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh quan kỳ vĩ và thơ mộng: sông Hương yên bình, núi Ngự hùng vĩ, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trữ tình, vịnh Lăng Cô thơ mộng, Vườn Quốc gia Bạch Mã hoang sơ... Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Huế.
>> Cây cầu có tuổi đời lớn nhất Việt Nam chuẩn bị được 'lên đời'
Cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam, là tuyến đường mở rộng cánh cửa ra - vào miền Tây Nam Bộ
Cầu dây văng 11.000 tỷ lớn nhất TP. HCM là 'dự án vàng' được nhiều doanh nghiệp 'để mắt'