Mới đây, CEO Dh Foods Nguyễn Trung Dũng đã đưa ra những lời khuyên dành cho nhóm khởi nghiệp trong việc chinh phục các thị trường xuất khẩu khó tính như Nhật Bản, EU...
Với những người khởi nghiệp, vấn đề tìm kiếm khách hàng và mở rộng thị trường là một điều tối quan trọng trong hành trình kinh doanh. Và ngoài thị trường nội địa, nước ngoài cũng được xem là những mảnh đất lành để người kinh doanh mang sản phẩm của họ tới chinh phục.
Không chỉ với những người đang bắt đầu khởi nghiệp, một doanh nhân kì cựu như ông Dũng luôn đề cao chất lượng sản phẩm. Theo CEO Nguyễn Trung Dũng, sản phẩm chất lượng tốt mới có thể nhận được cái gật đầu của những thị trường khó tính.
Ông Dũng chia sẻ: Nếu dùng nguyên liệu tự nhiên, canh tác theo hướng tự nhiên, sản xuất trong môi trường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì sản phẩm đó sẽ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, nếu có thể áp dụng một tiêu chuẩn chất lượng cao cho cả hàng nội địa và hàng xuất khẩu thì đó là một điều tuyệt vời.
Ngoài ra, ông Dũng cũng cho rằng chất lượng sản phẩm tốt phải đi kèm với dịch vụ khách hàng đạt chất lượng cao nhất.
"Điều này dễ mà khó nhé. Chất lượng dịch vụ bắt đầu từ những email chào hàng ban đầu, bạn nên học cách viết email ngắn gọn nhưng đầy đủ, có tên, họ, chức danh, tên công ty của đối tác nhận email, đừng gửi chung chung", CEO Dh Foods miêu tả chi tiết về tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng cao.
Bên cạnh việc viết mail, chất lượng dịch vụ cũng thể hiện qua việc gửi mẫu. Ông Dũng cho rằng nhiều bạn mới khởi nghiệp không chú trọng khâu này, chỉ nghĩ quan trọng là mẫu bên trong, còn bao bì hay tem nhãn thế nào cũng được. CEO Dh Foods đánh giá đây là một sai lầm lớn.
Ông cho rằng, nếu đối tác nhận được mẫu sản phẩm đóng gói xấu, không đầy đủ thông tin thì "khả năng cao là sẽ bị vứt vào sọt rác". Các mẫu sản phẩm phải được đóng gói và dán tem nhãn hoàn chỉnh như hàng xuất khẩu sau này.
Để chinh phục được những thị trường khó tính thì các sản phẩm nên in tem bao bì bằng tiếng anh hay tiếng của nước muốn xuất khẩu hàng qua. "Tóm lại là hàng mẫu bạn cũng phải làm chỉn chu như đơn hàng đầy container 40 feet", ông Dũng nói.
Ông chủ Dh Foods khuyên những người mới kinh doanh không nên tính phí hàng mẫu hay phí vận chuyển, kể cả khi đối tác đề nghị.
Khi được đối tác đề nghị phải sẵn sàng gửi mẫu không chri một lần mà nhiều lần vì thị hiếu, khẩu vị của mỗi thị trường đều có sự khác nhau. Ngoài ra, cần phải sẵn sàng chi tiền kiểm tra mẫu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng cho dù đó là yêu cầu kiểm tả rất nhiều hợp nhất khác nhau.
Ông cũng cho rằng, thái độ vui vẻ thực hiện các yêu cầu của khach hàng xũng là điều đáng được lưu ý. với những nhà xuất khẩu, các đối tác nước ngoài sẽ có yêu cầu chất lượng cao nên việc đưa ra nhiều yêu cầu là chuyện dễ hiểu. Với các trường hợp lừa đảo, họ thường bỏ qua các khâu kiểm tra hay yêu cầu test chất lượng mà chỉ yêu cầu gửi hàng nhanh nhất có thể với điều kiện thanh toán chậm.
Theo kinh nghiệm kinh doanh của mình, ông Dũng chia sẻ bản thân đã gặp trường hợp khách nước ngoài phàn nàn về đối tác Việt Nam. Ví dụ như khách hàng Nhật Bản đã có lần chia sẻ với ông rằng một số đối tác Việt Nam của họ khi gửi hàng mẫu thì chất lượng khác còn khi xuất hàng chính thức qua thì chất lượng kém hơn.
Ông Dũng đưa ra lời khuyên cho những người khởi nghiệp rằng không nên nghĩ việc giảm chất lượng sản phẩm một chút sẽ không sao vì khách hàng không biết. Vì vậy, cho dù giá nguyên liệu lên thì cũng không được tăng giá sản phẩm ngay khi khách hàng vừa duyệt mẫu và lên đơn hàng.
Thay vào đó, có thể giảm lợi nhuận để đảm bảo giữ giá cho khách trong thời gian ban đầu. Nếu chi phí vượt quá khả năng thì người bán chỉ có cách tạm dừng hợp đồng và bồi thường thiệt hại cho khách hàng. "Để đi được xa, các bạn cần kinh doanh có đạo đức, đừng vì những lợi nhỏ trước mắt mà đánh rơi lợi nhuận lớn trong tương lai" ông Dũng khuyên nhà khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Trung Dũng cho biết, Dh Foods mất 2 năm để khách Nhật đặt đơn hàng nhỏ đầu tiên và sau đó có đơn đặt nguyên container hàng tháng, ngay cả trong năm dịch. Năm 2022, khách đã đặt thêm sản phẩm mới và đơn hàng hàng tháng là hai container.
Hiện doanh nghiệp của ông Dũng có 6 nhà nhập khẩu gia vị Việt Nam vào Nhật Bản. Với khách hàng châu Âu, ông Dũng cũng mất một năm để nhận được đơn hàng đầu tiên. Do đó, ông Dũng rất đề cao sự tử tế trong kinh doanh, khuyên nhà khởi nghiệp phải chuẩn bị chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng ở mức cao nhất.