Chuyển động doanh nghiệp

CEO VNG (VNZ): Zalo từng chịu rất nhiều áp lực và nghi ngờ từ các cơ quan quản lý

Quang Dương 10/09/2024 13:47

Từ một ứng dụng nhắn tin đơn thuần, Zalo đã vươn mình trở thành "siêu ứng dụng" tại Việt Nam.

Đến nay, theo công bố, Zalo đã trở thành ứng dụng nhắn tin có số lượng người dùng nhiều nhất Việt Nam với 77 triệu người hoạt động ổn định hàng tháng. Mỗi ngày, lượng tin nhắn được gửi qua Zalo lên tới 1,9 tỷ đồng - một con số ấn tượng thể hiện sức mạnh của nền tảng này.

Ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập kiêm CEO VNG (VNZ) nhận định: “Zalo trở thành ứng dụng tin nhắn số một Việt Nam vì Zalo kiên trì tập trung vào giá trị cốt lõi sản phẩm - nhanh, ổn định, an toàn, tiện dụng và không bị áp lực kiếm tiền”.

Trong bức thư gửi nhân viên được đăng tải trên blog doanh nghiệp, ông Lê Hồng Minh đã kể về những thách thức lớn mà Zalo từng đối mặt vào năm 2019.

“Chúng ta còn nhớ giai đoạn năm 2019 khi Zalo đứng trước rất nhiều áp lực và nghi ngờ từ các cơ quan quản lý, chúng ta đã kiên trì làm việc và minh bạch hóa toàn bộ source code và hệ thống vận hành để khẳng định Zalo là sản phẩm của người Việt. Sau đó, Zalo tiếp tục phát triển mạnh mẽ trở thành nền tảng liên lạc lớn nhất cho tất cả người Việt Nam, vượt xa các đối thủ lớn từ nước ngoài”, ông Minh chia sẻ trong bức thư gửi nhân viên.

CEO VNG (VNZ): Zalo từng bị nghi vấn, phải chịu 'rất nhiều áp lực và nghi ngờ từ các cơ quan quản lý'
Zalo từng đứng trước rất nhiều áp lực và nghi ngờ từ các cơ quan quản lý

>> Chân dung ông Vương Quang Khải, cánh tay phải của sếp VNG, từng 3 lần khiến FPT 'muối mặt'

Được biết, ứng dụng Zalo được VNG giới thiệu lần đầu vào năm 2012, hoạt động trên nền tảng di động với tính năng nhắn tin và gọi điện miễn phí. Mô hình của Zalo tương tự WeChat - siêu ứng dụng có 1,3 tỷ người dùng thuộc sở hữu của Tencent tại Trung Quốc.

Tencent cũng là nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào VNG bên cạnh Ant Group (thuộc Alibaba) cũng như GIC và Temasek của Singapore. Tuy nhiên, Tencent được chú ý hơn cả bởi vai trò của tập đoàn này không chỉ là cổ đông nắm quyền biểu quyết tại VNG Limited - đơn vị chi phối VNG Corporation, mà còn thể hiện mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ giữa hai công ty.

Mối quan hệ chặt chẽ với Tencent giúp VNG có được quyền phát hành các tựa game hút khách sớm tại Việt Nam và thị trường nước ngoài. Nhờ lợi thế đi đầu về các thể loại game nhập vai và sinh tồn, mảng phát hành game đóng góp phần lớn vào doanh thu VNG trong những năm qua.

Quay lại với Zalo, trong suốt thời gian qua, nền tảng này đã theo đuổi con đường phát triển giống WeChat của Tencent. Không chỉ dừng lại ở tính năng nhắn tin và gọi điện, VNG đã biến Zalo thành một "siêu ứng dụng" với nhiều dịch vụ tích hợp, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dùng.

Chẳng hạn, người dùng Zalo hiện có thể thực hiện các tác vụ như thanh toán trực tuyến, đặt đồ ăn, mua sắm, đặt vé máy bay, gọi taxi, chơi game và thậm chí đọc tin tức ngay trên ứng dụng.

Đặc biệt, nền tảng Mini Program của Zalo cho phép người dùng truy cập nhiều dịch vụ khác nhau mà không cần tải thêm ứng dụng riêng lẻ. Đặc biệt, ZaloPay, tính năng thanh toán di động của Zalo, cũng đang ngày càng được ưa chuộng.

Chỉ sau hai năm VNG ra mắt Zalo, Startup Việt này đã được World Start-up Report định giá 1 tỷ USD và trở thành "kỳ lân" công nghệ đầu tiên ở Việt Nam, cho thấy vị trí quan trọng của Zalo đối với hệ sinh thái VNG.

>> Zalo có 77 triệu người dùng hàng tháng, 1,9 tỷ tin nhắn gửi đi mỗi ngày

Cận cảnh VNG Campus, trụ sở hiện đại bậc nhất Việt Nam của kỳ lân công nghệ VNG (VNZ)

Kỳ lân VNG (VNZ): Vụ bị kiện về bản quyền tại Mỹ kéo dài chục năm có 'biến' mới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ceo-vng-vnz-zalo-tung-bi-nghi-van-phai-chiu-rat-nhieu-ap-luc-va-nghi-ngo-tu-cac-co-quan-quan-ly-248315.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
abc
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
CEO VNG (VNZ): Zalo từng chịu rất nhiều áp lực và nghi ngờ từ các cơ quan quản lý
POWERED BY ONECMS & INTECH