Từ đầu năm 2024, có nhiều 'đại gia' Trung Quốc tới Việt Nam làm pin năng lượng mặt trời.
Cuối tháng 3, Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt và Công ty TNHH Công nghệ Năng lượng mới Hainan Drinda tới từ Trung Quốc đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp Hoàng Mai II.
Công ty Hainan Drinda dự kiến thuê 58ha đất tại khu công nghiệp Hoàng Mai II để làm nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hiệu suất cao, công suất thiết kế 14GW và chia làm hai giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sử dụng đất 30ha, với tổng mức đầu tư 450 triệu USD (khoảng 11.200 tỷ đồng); nhu cầu sử dụng điện 70MVA. Khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động. Bên cạnh đó, công ty sẽ có thêm các nhà cung ứng trong hệ sinh thái cùng tham gia đầu tư.
Phía Hainan Drinda thông tin, công ty đã nghiên cứu kỹ lưỡng các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cho dự án này và đưa ra lựa chọn tối ưu là Việt Nam, với kỳ vọng rất lớn khi đưa ra quyết định đầu tư.
Ảnh minh hoạ |
Hainan Drinda New Energy là doanh nghiệp của Trung Quốc thành lập từ năm 2003 chuyên nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm liên quan đến tế bào quang điện, bao gồm bộ phát thụ động và pin phía sau (PERC), pin mặt trời đơn tinh thể, bảng điều khiển ô tô…
Hiện tại, cổ phiếu của công ty đang giao dịch tại Sàn Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải với giá 63 CNY/cổ phần, xác lập giá trị thị trường vào khoảng trên 14 tỷ CNY. Các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu được thực hiện trong khu vực nội địa.
Năm 2023, doanh thu của Hainan Drinda New Energy là 18,8 tỷ CNY (khoảng 2,6 tỷ USD), tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm 2023 là 815 triệu CNY (112 triệu USD), tăng 13,77% so với năm 2022.
Hainan Drinda New Energy cũng sở hữu một công ty con với chuyên môn về trang trí nội và ngoại thất ô tô. Là một doanh nghiệp lớn trong ngành và có tiềm năng tăng trưởng tốt, Hainan Drinda được các quỹ và nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư.
Đặc biệt, doanh nghiệp rất chú trọng đến việc nghiên cứu và phát triển, bên cạnh tăng cường kinh doanh. Từ năm 2019 đến 2023, chi phí cho nghiên cứu của Hainan Drinda tăng gần 6 lần, từ 47,9 triệu CNY lên đến hơn 300 triệu CNY. Nhờ việc liên tục cập nhật công nghệ mới vào sản phẩm, việc kinh doanh của công ty ngày càng thuận lợi.
Hồi tháng 2 năm nay, một “ông lớn” khác của Trung Quốc là Công ty TNHH Trina Solar Cell thuộc Tập đoàn Trina Solar đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án trị giá 454 triệu USD, sản xuất module và pin năng lượng mặt trời.
Trước đó, Trina Solar Cell đã triển khai hai dự án với tổng số vốn đăng ký đầu tư 478 triệu USD, gồm: dự án sản xuất tấm tế bào quang điện (pin năng lượng mặt trời), tấm module năng lượng mặt trời với vốn đầu tư 203 triệu USD; dự án sản xuất thanh silic và tấm silic đơn tinh thể có vốn đầu tư 275 triệu USD. Với dự án thứ ba được cấp phép, tổng vốn đầu tư của Trina Solar Cell tại Thái Nguyên được nâng lên 932 triệu USD.
Hay một “ông lớn” khác phải kể tới là công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar có 14 cơ sở sản xuất với 3 cơ sở nằm ngoài Trung Quốc, đặt tại Việt Nam, Malaysia và Florida (Mỹ).
Theo thông tin từ Vietdata, các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc hiện đang nắm giữ phần lớn thị phần thị trường sản xuất pin mặt trời tại Việt Nam.