'Đại gia' Trung Quốc kéo cả hệ sinh thái đến tỉnh rộng nhất Việt Nam, chi 11.000 tỷ làm nhà máy pin mặt trời
Dự án nhà máy sản xuất pin mặt trời này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt mức phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam.
Chiều 26/3, Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt và Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda (Trung Quốc) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đầu tư dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại khu công nghiệp Hoàng Mai II (Nghệ An).
Tại Lễ ký kết, ông Châu Tiểu Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda cho biết, hiện nay, sản phẩm và công nghệ của Công ty dẫn đầu thế giới về sản xuất tế bào quang điện.
Qua quá trình khảo sát đầu tư tại các nước khu vực Đông Nam Á, Công ty đã lựa chọn đầu tư tại Khu công nghiệp Hoàng Mai II, thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An.
Ông Châu Tiểu Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda giới thiệu khái quát về dự án dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất tế bào quang điện (Solar cell base) 14GW vào Khu công nghiệp Hoàng Mai II, thuộc Khu kinh tế Đông Nam với quy mô sử dụng đất 50ha (phân 2 giai đoạn).
Trong đó, giai đoạn 1 dự kiến sử dụng đất 30ha, với tổng mức đầu tư 450 triệu USD (hơn 11.000 tỷ đồng); nhu cầu sử dụng điện 70 MVA.
Dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào quý IV/2024. Dự án được đầu tư có công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.
>> Sắp xây xong nhà xưởng mới ở Nghệ An, 'ông lớn' điện tử Luxshare cần tuyển gấp 1.500 lao động
Bên cạnh đó, sẽ có các nhà đầu tư cùng hệ sinh thái đầu tư tại Khu công nghiệp Hoàng Mai II, như vậy sẽ mở rộng cơ hội đầu tư, cũng là cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội và tăng việc làm cho lao động địa phương.
Tỉnh Nghệ An đánh giá cao Công ty TNHH Công nghệ năng lượng mới Hainan Drinda thực hiện Dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, qua đó sẽ giúp tỉnh Nghệ An nói riêng, Việt Nam nói chung thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng năng lượng sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng mới và góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như Việt Nam đã cam kết.
Để dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Công ty Cổ phần Hoàng Thịnh Đạt, các Sở, ngành, thị xã Hoàng Mai phối hợp để chuẩn bị hạ tầng phục vụ nhà đầu tư. Tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện các ưu đãi về công nghệ cao cho dự án và thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về bù đắp thuế tối thiểu toàn cầu.
Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích khoảng 16.490km2 - lớn nhất cả nước. Địa hình nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, với ba vùng sinh thái rõ rệt là miền núi, trung du và đồng bằng ven biển, trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích.
>> Một doanh nghiệp bất động sản 'quen mặt' sắp làm dự án khu đô thị gần 440 tỷ ở Nghệ An
Tỉnh sẽ có nhiều thành phố nhất Việt Nam, hút gần 600 triệu USD vốn FDI trong quý đầu năm
Quảng Trị chính thức thi công dự án bến cảng hơn 14.000 tỷ sau nhiều năm 'bất động'