Chân dung ‘đại gia’ ngoại hợp tác sản xuất chip 'Make in Vietnam': Vươn lên số 1 thế giới từ thị trường ngách, đánh bại cả Qualcomm
Từ một công ty nhỏ bé, MediaTek đã vươn lên thành nhà sản xuất hàng đầu trên thị trường chip di động toàn cầu.
Tại sự kiện Vietnam Media Gathering 2024, MediaTek, nhà cung cấp chip di động hàng đầu thế giới, đã công bố kế hoạch hợp tác với các đối tác Việt Nam để thiết kế chip "Made in Vietnam". Đây là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp Việt vào lĩnh vực thiết kế và phát triển chip với sự giúp đỡ của một trong những ông lớn thống trị ngành chip toàn cầu.
Ông Finbarr Moynihan (thứ hai từ trái sang) đại diện MediaTek trong buổi gặp mặt truyền thông Việt Nam ngày 25/6 tại TP. HCM |
MediaTek nhận định rằng trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng 5G sẽ là những công nghệ chủ chốt định hình tương lai của ngành công nghệ. Công ty đang tích cực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp AI và 5G tiên tiến, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bên cạnh đó, hãng Mediatek đã nhận định việc tích hợp nhiều dữ liệu trong CCCD gắn chip sẽ sinh nhu cầu lớn về đầu đọc dữ liệu, giúp quá trình trao đổi thông tin của chính phủ và doanh nghiệp được đẩy lên cao. Một số đối tác Việt Nam đang làm việc với MediaTek để phát triển đầu đọc CCCD gắn chip, chuẩn bị cho nhu cầu tương lai.
Bài học thành công từ MediaTek
MediaTek đã trải qua một hành trình phát triển đầy ấn tượng, từ một công ty nhỏ Đài Loan sản xuất chip cho các thiết bị giải trí gia đình, trở thành nhà cung cấp chip di động hàng đầu thế giới.
Vào cuối thế kỷ 20, nhu cầu giải trí gia đình tăng cao với sự xuất hiện của các thiết bị như máy nghe nhạc, đầu VCD/DVD, tivi kỹ thuật số và đầu thu kỹ thuật số. Thị trường này trở nên hấp dẫn và tiềm năng khi ngành công nghiệp chipset bắt đầu sản xuất các chip bán dẫn tích hợp hệ thống ngày càng nhỏ gọn nhưng hiệu suất cao.
MediaTek nhận thấy tiềm năng này và quyết định thâm nhập vào một thị trường vẫn còn phân mảnh. Với lợi thế từ đối tác TSMC (cũng có trụ sở tại Hsinchu) chuyên xử lý chip số lượng lớn, MediaTek tập trung vào nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn điều khiển các thiết bị giải trí kỹ thuật số. Họ tiến hành từng bước chậm rãi nhưng chắc chắn, từ ổ CD trên máy tính đến đầu DVD.
Bước ngoặt đến vào năm 2004 khi MediaTek bước vào thị trường điện thoại di động. Thay vì chỉ bán giải pháp SoC (hệ thống trên chip) bao gồm cả phần cứng và phần mềm, MediaTek đã trở thành công ty đầu tiên cung cấp giải pháp chìa khóa trao tay. Nghĩa là, họ cung cấp cho khách hàng một thiết kế nguyên mẫu để sản xuất hoàn chỉnh một chiếc điện thoại, chỉ cần tùy chỉnh thiết kế bên ngoài và nhúng logo.
Qualcomm và MediaTek cạnh tranh sát sườn trong thị trường chip di động toàn cầu |
Trong lúc đó, Qualcomm vẫn đang bận rộn với chip 3G cho smartphone, trong khi MediaTek tập trung cải tiến chip 2G phục vụ các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Thành công mở màn đến với MediaTek năm 2014, khi chip bán dẫn của hãng đã được sử dụng trong 1.500 mẫu điện thoại với doanh số 700 triệu chiếc mỗi năm. Cùng năm đó, họ phát hành bộ xử lý 4G LTE 8 nhân đầu tiên trên thế giới.
Dù phải đến giữa năm 2019 MediaTek mới công bố chipset 5G, nhưng chi phí sản xuất cạnh tranh (150 USD so với hơn 500 USD của các đối thủ) đã giúp MediaTek nhanh chóng chiếm lại thị phần chip 5G trên smartphone. Theo thống kê năm 2020, MediaTek chính thức vượt qua Qualcomm để trở thành nhà sản xuất chip di động lớn nhất thế giới, chiếm thị phần 27,2% so với 25% của Qualcomm.
Trước khi MediaTek xuất hiện, thị trường chipset thế giới được chia thành các nhà sản xuất, nhà thiết kế và các công ty vừa thiết kế vừa sản xuất chipset. Các nhà thiết kế lớn như Qualcomm luôn cạnh tranh để tạo ra những con chip mới nhất và tích hợp những công nghệ hiện đại nhất, do đó giá thành rất đắt đỏ. Trong khi đó, Samsung và Apple tự thiết kế chip và không bán cho các hãng khác.
Đây chính là cơ hội để MediaTek nhảy vào thị trường tầm trung, nơi nhiều nhà sản xuất thiết bị công nghệ cần mua chip giá rẻ để sản xuất điện thoại, tivi, router, loa và đồng hồ thông minh cho các nước có thu nhập trung bình thấp. MediaTek đã thiết kế các chip 4G và 5G giá rẻ, cung cấp cho Xiaomi, Oppo, Realme và thậm chí cả Samsung. Khi lệnh cấm của Mỹ ngăn cản Huawei tiếp cận chip của Qualcomm, Huawei cũng phải tìm đến MediaTek.
Nhờ chiến lược tấn công vào các thị trường ngách bị các gã khổng lồ như Samsung, Apple hay Qualcomm bỏ rơi, MediaTek hiện là nhà cung cấp hàng đầu chất bán dẫn dùng cho ứng dụng viễn thông, trong đó các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi và Oppo là những khách hàng lớn nhất của họ.
“Tương lai thuộc về AI”
Xét đến mục tiêu phía trước, các đại diện của Mediatek cho rằng AI tạo sinh (Gen AI) sẽ là lực lượng quan trọng định hình tương lai công nghệ. "Tiềm năng của công nghệ này sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thúc đẩy đổi mới từ smartphone, Chromebook, smart TV cho đến ô tô và các giải pháp phức tạp khác," ông Finbarr Moynihan, Phó Chủ tịch Marketing của MediaTek, chia sẻ.
Hiện tại, MediaTek đang mở rộng hệ sinh thái Gen AI với sự hỗ trợ từ Baidu và LLama, cùng các đối tác khác, nhằm tăng cường sức mạnh cho Gen AI trên thiết bị với các tính năng thời gian thực như loại bỏ vật thể và tạo hình ảnh.
Theo báo cáo mới nhất từ Canalys, MediaTek là nhà cung cấp chip di động lớn nhất thế giới trong năm 2023, với doanh số 117 triệu chip trong quý IV/2023, vượt qua cả Apple và Qualcomm. Tại Việt Nam, MediaTek cũng đang nắm giữ gần 49% thị phần trong lĩnh vực chip di động, cho thấy sự tin tưởng và ưa chuộng của người dùng đối với các sản phẩm của hãng.
Theo Nikkei Asia, MediaTek hiện đang là nhà cung cấp chip di động toàn cầu số một thế giới trong 4 năm liên tiếp (từ quý 3 năm 2020 đến nay), và Đông Nam Á là một trong ba thị trường trọng điểm, chiếm hơn 50% tổng thị trường có thể tiếp cận (TAM) về điện thoại thông minh.
5G và cơ hội cho Việt Nam
Kỷ nguyên 5G cùng cuộc cách mạng IoT (Internet of Things) đang tạo ra một thị trường khổng lồ cho các thiết bị thông minh. Thiết kế chipset 5G chính là chìa khóa để mở cánh cửa này.
Viettel, VinGroup và FPT vừa công bố gia nhập thị trường nghiên cứu sản xuất chip. Việt Nam chưa từng tự sản xuất một con chip hoàn chỉnh. Nhưng chỉ sau ba năm, Viettel đã có thể tự sản xuất chipset. Viettel đã sử dụng hơn 1.000 kỹ sư CNTT và 300 kỹ sư giàu kinh nghiệm cho chương trình nghiên cứu sản xuất 5G, và hợp tác với nhiều đối tác từ Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ trong lĩnh vực chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G.
Đại diện FPT cho biết, việc sản xuất chip là vô cùng khó khăn. FPT đã đề ra chiến lược sản xuất chip với thời hạn 10 năm và có những bước đi thận trọng. Sau 5 năm, FPT có hơn 100 kỹ sư có thể thiết kế chip. Ban đầu, FPT không tự sản xuất chip mà chỉ có đội ngũ kỹ sư thiết kế chip cho đối tác nước ngoài.
Đại diện FPT cũng nhấn mạnh 5G và IoT là cơ hội vàng cho Việt Nam. Ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam không phải mới, thậm chí đã hình thành từ những năm 90. Trên thực tế, hầu hết người dùng mua điện thoại chứ không phải chip.
Đại diện FPT chia sẻ: “Hiện nay, Việt Nam đang trở thành trung tâm thiết kế vi mạch. Việt Nam có hơn 3.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Vì vậy, việc sản xuất chip Made in Vietnam không còn xa nữa”.
Doanh nghiệp Việt đầu tư nghiên cứu phát triển chipset 5G cho thiết bị đầu cuối là một con đường bán dẫn khó khăn. Nhưng với các nhà máy gia công nước ngoài đã đặt tại Việt Nam, nước ta có thể kiểm soát việc nghiên cứu và phát triển chipset cho các thị trường ngách như MediaTek đã làm cách đây 24 năm.