ChatGPT tốn hàng chục triệu USD vì lời 'cảm ơn'
Những tưởng lời "cảm ơn" là một phép lịch sự trong giao tiếp nhưng với trường hợp của ChatGPT lại gây nhiều ý kiến trái chiều.
Một người dùng là @tomiinlove viết trên mạng xã hội X: "Tôi tự hỏi OpenAI đã mất bao nhiêu chi phí tiền điện khi mọi người nói 'làm ơn' và 'cảm ơn' với ứng dụng của họ?".
Điều đáng nói, Tổng giám đốc điều hành của OpenAI, Sam Altman, đã nhanh chóng trả lời: "Hàng chục triệu đô la, nhưng nó được chi tiêu xứng đáng".
Dường như những lời cảm ơn có thể mang đến cho người đối diện sự vui vẻ, thoải mái nhưng câu trả lời của Sam sẽ khiến nhiều người cân nhắc để tránh lãng phí.

Vào tháng 2, công ty Future PLC – đơn vị sở hữu trang TechRadar – đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 1.000 người để tìm hiểu cách họ cư xử với AI. Kết quả cho thấy khoảng 70% người tham gia nói rằng họ thường lịch sự khi nói chuyện với AI, chẳng hạn như ChatGPT.
Tuy nhiên, việc sử dụng AI như ChatGPT không phải là miễn phí về mặt năng lượng. Những hệ thống AI này hoạt động dựa trên các máy chủ cực kỳ lớn, tiêu tốn nhiều điện. Vì vậy, dù chỉ là một tin nhắn đơn giản hay một meme do AI tạo ra nó cũng để lại dấu chân carbon – tức là có tác động đến môi trường. TechRadar đã liên hệ với OpenAI để hỏi thêm về chuyện này, nhưng đến thời điểm viết bài, họ vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tác giả Becca Caddy từ TechRadar chia sẻ rằng bà đã thử không cảm ơn ChatGPT nữa. Tuy nhiên, sau đó bà nhận thấy rằng việc nói chuyện một cách lịch sự với chatbot này thực sự mang lại những phản hồi tốt hơn. Trong bài viết, bà nói rằng: "Những lời nhắc được viết một cách lịch sự và rõ ràng thường khiến ChatGPT đưa ra câu trả lời chính xác và chất lượng hơn".
Nói cách khác, lịch sự không chỉ là xã giao – nó còn giúp cải thiện độ tin cậy của AI.
Về lâu dài, vẫn sẽ có những khảo sát để xem liệu "lịch sự" có trở thành một tính năng mà AI nhận diện và phản hồi khác nhau hay không. Ví dụ, liệu AI có đối xử “ưu tiên” với những người cư xử tôn trọng? Liệu các mô hình AI trong tương lai sẽ được thiết kế để phản hồi dựa trên thái độ người dùng?
Nguồn: Tech Radar