Chỉ 2 ngày nữa, người dân có thể di chuyển đến Trung Quốc bằng đường sắt, bắt đầu tại ga Gia Lâm
Việc vận hành lại tuyến đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc sau 5 năm hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội mới cho giao thương, du lịch và hợp tác khu vực.
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), thống nhất với đề xuất nối lại đôi tàu khách liên vận số hiệu T8701/MR2 và T8702/MR1 trên tuyến Gia Lâm – Nam Ninh qua cặp cửa khẩu Đồng Đăng – Bằng Tường.
Tuyến tàu khách liên vận quốc tế này từng là phương tiện di chuyển thuận tiện cho hành khách từ Hà Nội tới các thành phố lớn của Trung Quốc như Nam Ninh, Quảng Châu, Bắc Kinh. Đây cũng là tuyến giao thương quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi cho phép vận chuyển hàng hóa và nhân lực một cách hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, tuyến tàu buộc phải tạm dừng để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, và chỉ duy trì hoạt động của tàu hàng liên vận trong suốt thời gian qua.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, VNR đã chủ động đề xuất khôi phục tuyến vận tải hành khách này với phía Trung Quốc, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước để đưa nội dung này vào các cuộc hội đàm cấp cao giữa hai quốc gia. Nỗ lực đó đã được ghi nhận trong Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình hồi tháng 4/2025.

Ngày 13/5/2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã tham gia đàm phán cùng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn và Đoàn đại biểu Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cuộc làm việc đã đạt được thống nhất về các điều kiện kỹ thuật và thời gian tổ chức lại đoàn tàu khách khổ đường 1.435 mm qua cặp cửa khẩu Đồng Đăng – Bằng Tường.
Theo đó, chuyến tàu đầu tiên dự kiến khởi hành vào ngày 25/5/2025, mở lại hành lang vận tải hành khách bằng đường sắt nối liền từ Hà Nội tới Nam Ninh, và xa hơn là Quảng Châu, Bắc Kinh. Hiện, VNR đã hoàn tất rà soát và bổ sung các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, tổ chức hành trình, đào tạo nhân lực và kiểm tra hệ thống từ ga Đồng Đăng về ga Gia Lâm.
Tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng dài 162 km, là tuyến duy nhất trong cả nước được thiết kế với khổ ray lồng 1.000 mm và 1.435 mm, giúp kết nối trực tiếp với hệ thống đường sắt Trung Quốc mà không cần chuyển đổi toa tàu hay hành khách phải đổi tàu khi qua biên giới.
Sự trở lại của tuyến tàu khách liên vận quốc tế Gia Lâm – Nam Ninh hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội mới cho giao thương, du lịch và hợp tác khu vực. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng và tổ chức, chuyến tàu ngày 25/5 sẽ không chỉ là hành trình trở lại sau dịch, mà còn là khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác mới, bền vững và hiệu quả hơn giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
>> Sau Tháp nước Hàng Đậu, nhà máy xe lửa 120 năm tuổi đông nghịt người ghé thăm
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đã đến lúc tận dụng nguồn vốn tư nhân, nhưng...
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội ngàn năm hay thách thức thế kỷ?