Xã hội

Thủ tướng chỉ đạo khởi công 2 tuyến đường sắt trọng điểm trị giá 255 nghìn tỷ đồng tại 2 vị trí này

Dương Uyển Nhi 22/04/2025 - 16:22

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị khởi công 2 tuyến đường sắt trọng điểm này lần lượt trong năm 2027 và 2028.

Hạ tầng giao thông tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ

Chiều 21/4, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp nhằm rà soát tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực phía Nam. Cuộc họp ghi nhận sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – nơi vốn được xem là điểm nghẽn trong kết nối hạ tầng nhiều năm qua.

Thủ tướng chỉ đạo khởi công 2 tuyến đường sắt trọng điểm trị giá 255 nghìn tỷ đồng tại 2 vị trí này - ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp nhằm rà soát tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm ở khu vực phía Nam (Ảnh: Huỳnh Xây/Báo Dân Việt)

Theo quy hoạch giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL được định hướng phát triển 1.256km đường cao tốc, gồm ba tuyến trục dọc và ba tuyến trục ngang. Tính đến nay, khu vực đã đưa vào khai thác 121km đường cao tốc, gồm các đoạn Bến Lức – Trung Lương – Mỹ Thuận dài 91km, cầu Mỹ Thuận 2-7km và đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 23km. Giai đoạn 2021–2025, có 10 dự án cao tốc với tổng chiều dài 432km đang được triển khai. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và đầu tư thêm khoảng 703km, trong đó có đoạn Cà Mau – Đất Mũi dài 90km.

Nhiều tuyến đường trọng điểm đang bám sát tiến độ. Tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau dài 110km dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tuyến trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 191km đang được đẩy nhanh thi công, đặt mục tiêu về đích vào tháng 7/2026, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Dự án Cao Lãnh – An Hữu dự kiến hoàn thành vào năm 2027, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 1) được địa phương chủ động rút ngắn tiến độ, hoàn thành trong năm 2025. Dự án Mỹ An – Cao Lãnh hiện đang hoàn tất các thủ tục để khởi công vào tháng 6/2025. Hai tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đều đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2025. Bên cạnh đó, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất và Gò Quao – Vĩnh Thuận, cùng với dự án cầu Rạch Miễu 2 cũng được triển khai với tiến độ tương tự, góp phần tăng khả năng kết nối liên vùng.

Ở lĩnh vực hàng không, vùng ĐBSCL hiện có bốn cảng hàng không đang hoạt động là Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và Phú Quốc, đóng vai trò quan trọng trong kết nối nội địa và quốc tế. Với đường sắt, khu vực được quy hoạch tuyến TP.HCM – Cần Thơ dài 174 km, dự kiến đầu tư trước năm 2030. Ngoài ra, đang nghiên cứu bổ sung đoạn nối TP Cần Thơ với TP Cà Mau vào quy hoạch tổng thể. Trong hàng hải, vùng có 12 cảng biển phân bố tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Giao thông đường thủy nội địa cũng đang được chú trọng đầu tư thông qua các dự án hành lang vận tải và logistics kết nối các tỉnh như Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và Đồng Nai. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang xây dựng tuyến kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền qua tỉnh Đồng Tháp và chuẩn bị triển khai dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau nhằm tăng cường năng lực vận tải.

Thủ tướng yêu cầu phát triển đồng bộ cả 5 loại hình giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn người dân tại các địa phương có dự án đi qua vì đã sẵn sàng nhường đất, nhà ở, sinh kế và cả nơi yên nghỉ của tổ tiên để phục vụ thi công. Thủ tướng nhấn mạnh, nhờ vào tinh thần đổi mới và cách làm hiệu quả, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã đạt tiến độ vượt kỳ vọng. Điển hình là tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dù dự kiến hoàn thành năm 2027, nhưng đang nỗ lực về đích vào tháng 7/2026. Trong khi đó, tuyến trục dọc Cần Thơ – Cà Mau được yêu cầu phải hoàn thành chậm nhất vào ngày 19/12/2025.

Thủ tướng đặt ra ba yêu cầu then chốt cho các dự án: hoàn thành kịp và vượt tiến độ, bảo đảm và nâng cao chất lượng, không đội vốn, đội giá; đồng thời không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm vệ sinh, hoàn nguyên môi trường.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ môi trường và phục hồi cảnh quan sau thi công. Riêng trong lĩnh vực đường bộ, mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ là đưa vào khai thác 600 km cao tốc tại ĐBSCL và đến năm 2030 nâng tổng chiều dài lên ít nhất 1.300 km – vượt gần 100 km so với kế hoạch ban đầu.

Ở các lĩnh vực khác, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ mở rộng các sân bay Phú Quốc, Cà Mau và Rạch Giá, đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ động của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong hàng hải, ông giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương để triển khai hiệu quả các dự án cảng quan trọng như Cái Cui, Trần Đề và Hòn Khoai. Với giao thông thủy nội địa, các địa phương được yêu cầu chủ động rà soát quy hoạch, lựa chọn và đầu tư các cảng thủy theo thẩm quyền, dựa trên thiết kế mẫu do Bộ Xây dựng ban hành. Trung ương sẽ tập trung đầu tư các dự án lớn có tính kết nối vùng, quốc gia và quốc tế.

Thủ tướng chỉ đạo khởi công 2 tuyến đường sắt trọng điểm trị giá 255 nghìn tỷ đồng tại 2 vị trí này - ảnh 2
Ảnh minh hoa tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ (Ảnh tạo bởi ChatGPT)

Đối với đường sắt, Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị khởi công tuyến TP.HCM – Cần Thơ trong năm 2027 và tuyến Cần Thơ – Cà Mau trong năm 2028.

Thủ tướng kết luận với thông điệp rõ ràng: phải phát triển đồng bộ cả 5 loại hình giao thông tại ĐBSCL theo tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ"; "cùng làm, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng thắng, cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi có thành quả".

Dự án đường sắt TP. HCM – Cần Thơ dự kiến bắt đầu từ ga An Bình (Bình Dương) và kết thúc tại ga Cái Răng (TP. Cần Thơ), đi qua sáu tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Tuyến đường được thiết kế theo chuẩn khổ 1.435mm, với tốc độ tối đa cho tàu khách là 160km/giờ và tàu hàng là 120 km/giờ. Tổng mức đầu tư cho dự án vào khoảng 255.003 tỷ đồng (tương đương 9,84 tỷ USD).

Thủ tướng chỉ đạo khởi công 2 tuyến đường sắt trọng điểm trị giá 255 nghìn tỷ đồng tại 2 vị trí này - ảnh 3
( Ảnh: Báo Lao động)

Ban Quản lý dự án đường sắt đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình Bộ Xây dựng xem xét. Bộ đã thành lập hội đồng thẩm định nội bộ và thông qua báo cáo giữa kỳ. Dự kiến, báo cáo hoàn chỉnh sẽ được trình Thủ tướng và Hội đồng Thẩm định Nhà nước vào tháng 9/2025, với mục tiêu xin chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV.

Riêng tuyến đường sắt Cần Thơ – Cà Mau, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050. Tuyến này được đề xuất xây dựng theo mô hình đường đơn, khổ 1.435mm và dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt vào tháng 6/2025.

>> Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trước thềm sự kiện chính trị - lịch sử trọng đại của đất nước

Tàu hỏa, máy bay, đường sắt 'nóng' từng ngày trước cao điểm du lịch 30/4 - 1/5

Đề xuất quy hoạch 21 ga quan trọng trên 4 tuyến đường sắt

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/thu-tuong-chi-dao-khoi-cong-2-tuyen-duong-sat-trong-diem-tri-gia-255-nghin-ty-dong-tai-2-vi-tri-nay-140988.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thủ tướng chỉ đạo khởi công 2 tuyến đường sắt trọng điểm trị giá 255 nghìn tỷ đồng tại 2 vị trí này
    POWERED BY ONECMS & INTECH