Phần lớn các lái mới gặp khó khăn khi phải cố gắng ghi nhớ cả trăm biểu tượng đèn báo trên tap-lô ô tô, nhưng có một cách đơn giản hơn đó là chỉ cần nhìn 3 cụm màu sắc cơ bản.
Sarah Kennedy, một nhà tư vấn dịch vụ ô tô có kinh nghiệm hơn 11 năm làm việc tại các đại lý ô tô ở Mỹ đã chia sẻ một phương pháp cực kỳ hiệu quả dành cho các "lái mới" để dễ dàng hiểu các đèn báo trên tap-lô khi chúng xuất hiện.
Cô kể: "Nhiều năm trước, khi tôi còn là cố vấn dịch vụ tại một cửa hàng địa phương ở trung tâm Ohio, một khách hàng đã gọi điện đến cầu cứu khi chiếc SUV của mình đang đứng bất động trên đường cao tốc. Vị khách miêu tả cho tôi rằng có những tiếng động kỳ lạ phát ra từ khu vực động cơ, kèm theo khả năng tăng tốc của xe kém dần, và nhất là trên màn hình tap-lô xuất hiện biểu tượng đèn giống chiếc đèn thần với giọt nước chảy ra từ vòi. Thực tế, người khách này đã chạy xe đến cạn kiệt dầu máy và cứ vậy cho đến khi động cơ ngừng hoạt động mà không hề biết đến sự cảnh báo xuất hiện trên tap-lô".
Theo Sarah, việc chẩn đoán lỗi qua điện thoại sẽ không bao giờ chính xác hoàn toàn mà chỉ là giả định nếu người tài xế không hiểu chiếc xe đang đã cố gắng truyền thông điệp gì cho mình trước khi vấn đề nghiêm trọng hơn.
Ngày nay, những chiếc ô tô đã hoàn thiện và làm tốt hơn về các thông báo cho người lái khi gặp sự cố. Trên tap-lô ô tô phổ thông có khoảng 64 ký hiệu đèn báo, với xe càng hiện đại là hơn 100 và số lượng sẽ tiếp tục gia tăng khi có thêm những công nghệ mới. Điều này có thể làm lái mới thấy bối rối, nhưng theo Sarah, nếu nắm được ý nghĩa màu sắc của đèn báo sẽ giúp bạn hiểu được phần nào thông điệp.
Dưới đây là 3 cụm màu sắc đèn báo phổ biến giúp lái xe nhận định được thông điệp.
Đèn màu xanh lam, xanh lục hoặc trắng
Màu đèn có nghĩa là thứ gì đó trên xe đang được “bật”. Màu xanh lá cây hoặc xanh lam thường cho biết một số loại phụ kiện xe đã được bật, như đèn pha, đèn xi-nhan. Đèn màu trắng thông báo rằng một chế độ nào đó đã sẵn sàng hoạt động như hỗ trợ đỗ xe, chống trơn trượt,...
Khi nhìn thấy các loại đèn này, tài xế đơn giản chỉ cần hiểu rằng chiếc xe không gặp bất cứ vấn đề gì đáng lo ngại. Đồng thời, trong một số tình huống lái xe như vào ban đêm, đổ dốc/ đèo mà không thấy một số màu đèn này xuất hiện, tài xế nên nghĩ đến yếu tố như quên chưa bật đèn cốt hoặc chưa kích hoạt chế độ đỗ trợ đổ đèo, chống trơn trượt (nếu có).
Đèn màu hổ phách hoặc vàng
Đây là hai màu đèn mà người lái xe nên lưu tâm. Khi chúng xuất hiện trên tap-lô nghĩa là hệ thống đang phát hiện ra lỗi, bạn vẫn có thể tiếp tục lái xe nhưng nên mang tới gara trong thời gian sớm nhất.
Những cảnh báo phổ biến nhất là bộ điều khiển động cơ, phanh chống bó cứng, áp suất lốp, lỗi hộp số tự động, áp suất dầu động cơ,...
Mặc dù đèn này không báo hiệu trường hợp khẩn cấp nhưng trên một số loại ô tô, khi xuất hiện nó có thể vô hiệu hóa một số tính năng nhất định cho đến khi sự cố được giải quyết, điển hình như cảnh báo phanh ABS.
Đèn màu đỏ
Nếu bạn nhìn thấy đèn màu đỏ xuất hiện trên màn tap-lô, có nghĩa là vấn đề đang rất nghiêm trọng, cần chú ý ngay. Ví dụ: Cảnh báo phanh tay chưa hạ, dây thắt an toàn chưa cài, cửa xe đang mở, ắc-quy lỗi hoặc sắp hết điện, nhiệt độ động cơ cao,...
Mặc dù đèn đỏ xuất hiện không phải lúc nào cũng là xe của bạn không thể điều khiển tiếp, điển hình như nhắc nhở thắt dây an toàn, lỗi túi khí, nhưng thực tế chúng mang ý nghĩa đủ nghiêm trọng nếu lái xe cố tình phớt lờ.
Bên cạnh đó, có những cảnh báo cực kỳ nghiêm trọng, như nhiệt độ động cơ quá cao, hao nước làm mát, nếu tài xế cố tình lái xe tiếp, hậu quả sẽ rất khôn lường như chết máy, thổi gioăng mặt máy, bó tay biên, dẫn đến sửa chữa tốn kém.
Tổng hợp (Motorbiscuit, Wikipedia)
Miền Trung mưa lớn đến bao giờ?
Temu hoạt động 'chui' ở Việt Nam: Mức xử phạt sàn chui có thể lên đến bao nhiêu?