Chỉ hơn 3 tháng nữa, Hà Nội khởi công ‘siêu’ cầu vượt sông Hồng 11.000 tỷ đồng, ‘sát sườn’ 3 đô thị trị giá 13 tỷ USD
Thủ đô Hà Nội dự kiến khởi công xây dựng cầu Ngọc Hồi vượt sông Hồng với tổng mức đầu tư lên đến 11.000 tỷ đồng vào tháng 5/2025.
Theo Báo Lao động, năm 2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội phấn đấu giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn được giao, triển khai đồng bộ các dự án lớn như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đảm bảo chất lượng, tiến độ và an toàn. Dự kiến, 12 dự án sẽ được khởi công, bao gồm các công trình lớn như cầu Tứ Liên, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo và dự án thành phần 3 của Vành đai 4 trong quý II/2025.
Cầu Ngọc Hồi được xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công từ TP. Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, công trình này nằm trên tuyến đường Vành đai 3,5, với quy mô đường trục chính đô thị và tốc độ thiết kế đạt 80km/h.
Tuyến chính là cầu trên cao, được thiết kế bền vững với kết cấu thép hoặc bê tông cốt thép dự ứng lực. Dự án dự kiến sẽ đi qua các huyện Thanh Trì, Gia Lâm (TP. Hà Nội) và huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên).
Dự án cầu Ngọc Hồi bắt đầu từ điểm Km0+00, nơi kết nối với điểm cuối của dự án đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ). Vị trí này cách cao tốc khoảng 360m về phía đê Hữu Hồng, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Điểm cuối của dự án nằm tại Km7+500, nơi nối liền với đường Vành đai 3,5 thuộc huyện Văn Giang, Hưng Yên. Vị trí này cách đê tả Hồng 700m và gần cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tuyến đường nghiên cứu có tổng chiều dài khoảng 7,5km, với mặt cắt ngang rộng 80m, riêng đoạn từ đê tả Hồng đến cuối tuyến chỉ rộng 60m.
Trong đó, đoạn thuộc địa bàn Hà Nội kéo dài từ đầu tuyến đến ranh giới giữa xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) và thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang, Hưng Yên) với tổng chiều dài 5,4km. Đoạn thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên kéo dài 2,1km từ điểm ranh giới này đến khu vực vượt qua đê tả sông Hồng.
Khi hoàn thành, cầu Ngọc Hồi sẽ góp phần giảm tải áp lực giao thông hiện đang đè nặng lên cầu Thanh Trì, đồng thời tạo thêm tuyến đường thông thoáng, hiện đại cho các phương tiện di chuyển. Đặc biệt, vị trí xây dựng cầu nằm gần các khu đô thị lớn như: Vinhomes Ocean Park 2 (1,6 tỷ USD), Vinhomes Ocean Park 3 (1,4 tỷ USD) và khu đô thị Ecopark (10 tỷ USD),...
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, dự án cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu gặp khó khăn trong việc xác định phạm vi, ranh giới giữa Hà Nội và Hưng Yên, đặc biệt liên quan đến phần dự án nằm trên địa giới hành chính của tỉnh Hưng Yên. Điều này cũng gây trở ngại trong việc xác định nguồn vốn và phương thức đầu tư cho phần dự án thuộc địa bàn tỉnh.
Do đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên nhằm thống nhất phương án đầu tư, phạm vi thực hiện và lộ trình tuyến của dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi, đảm bảo sự đồng thuận và hiệu quả trong triển khai đoạn qua địa phận Hưng Yên.
Hiện tại, trên sông Hồng đã có 9 cây cầu được đầu tư xây dựng. Trong thời gian tới, TP Hà Nội dự kiến tiếp tục lập kế hoạch triển khai xây dựng thêm 9 cây cầu mới nhằm cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Danh sách 9 cây cầu dự kiến bao gồm: cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Thăng Long mới, cầu Mễ Sở và cầu Phú Xuyên.