Xã hội

Chi tiết tên gọi và vị trí đặt trung tâm chính trị - hành chính dự kiến của 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập

Minh Phát 14/04/2025 00:05

Theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh giữ nguyên và 52 đơn vị sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập.

Trung ương thống nhất chấm dứt cấp huyện từ 1/7/2025

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60 tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra từ ngày 10 đến 12/4).

Một trong những nội dung quan trọng được Trung ương thông qua là thống nhất về phương án sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh, không còn tổ chức cấp huyện, tiến tới tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã. Đồng thời, thực hiện việc sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương tinh gọn, hiệu quả.

Nghị quyết cũng nêu rõ việc sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tinh gọn bộ máy TAND, VKSND; kiện toàn hệ thống tổ chức đảng ở địa phương; và chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Trung ương đồng thuận với các nội dung nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Về mô hình chính quyền địa phương, Trung ương thống nhất tổ chức theo hai cấp: cấp tỉnh (gồm tỉnh và TP trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, TP).

Theo đó, hoạt động của ĐVHC cấp huyện sẽ chấm dứt kể từ ngày 01-7-2025, sau khi Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) chính thức có hiệu lực.

“Đồng ý số lượng ĐVHC cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, TP (28 tỉnh và 6 TP trực thuộc Trung ương)” – Nghị quyết nêu rõ, đồng thời khẳng định tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của các đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ được xác định theo nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ.

Cùng với đó, Trung ương đồng thuận việc sáp nhập ĐVHC cấp xã, bảo đảm giảm khoảng 60 - 70% số lượng so với hiện nay.

Chi tiết tên gọi và vị trí đặt trung tâm chính trị - hành chính dự kiến của 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập - ảnh 1
Tổng Bí thư Tô Tâm đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 11). Ảnh: Nhật Bắc

Đồng ý sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố

Kèm theo Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 là danh sách cụ thể về các đơn vị hành chính cấp tỉnh sau khi sắp xếp, cụ thể như sau:

Các đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập

1. Thành phố Hà Nội.

2. Thành phố Huế.

3. Tỉnh Lai Châu.

4. Tỉnh Điện Biên.

5. Tỉnh Sơn La.

6. Tỉnh Lạng Sơn.

7. Tỉnh Quảng Ninh.

8. Tỉnh Thanh Hóa.

9. Tỉnh Nghệ An.

10. Tỉnh Hà Tĩnh.

11. Tỉnh Cao Bằng.

Các đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sáp nhập, hợp nhất

1. Hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, lấy tên là tỉnh Tuyên Quang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay.

2. Hợp nhất tỉnh Lào Cai và tỉnh Yên Bái, lấy tên là tỉnh Lào Cai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Yên Bái hiện nay.

3. Hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên, lấy tên là tỉnh Thái Nguyên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

4. Hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hòa Bình; lấy tên là tỉnh Phú Thọ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Phú Thọ hiện nay.

5. Hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang hiện nay.

6. Hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, lấy tên là tỉnh Hưng Yên, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay.

7. Hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Hải Phòng hiện nay.

8. Hợp nhất tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định; lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

9. Hợp nhất tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị, lấy tên là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Quảng Bình hiện nay.

10. Hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

11. Hợp nhất tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, lấy tên là tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

12. Hợp nhất tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, lấy tên là tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bình Định.

13. Hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

14. Hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Thuận; lấy tên là tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng hiện nay.

15. Hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, lấy tên là tỉnh Đắk Lắk, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

16. Hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh; lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

17. Hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, lấy tên là tỉnh Đồng Nai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Đồng Nai hiện nay.

18. Hợp nhất tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An, lấy tên là tỉnh Tây Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Long An.

19. Hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang; lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.

20. Hợp nhất tỉnh Bến Tre, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh; lấy tên là tỉnh Vĩnh Long, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Vĩnh Long hiện nay.

21. Hợp nhất tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp, lấy tên là tỉnh Đồng Tháp, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Tiền Giang.

22. Hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.

23. Hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.

Nguồn: Tổng hợp

>> ‘Chốt’ số lượng đơn vị hành chính sau sáp nhập là 34: 28 tỉnh và 6 TP trực thuộc Trung ương, giảm 60-70% xã

Nếu Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào TP.HCM: Tỉnh mới sẽ sở hữu quần đảo bí ẩn nhất Việt Nam, nơi từng là địa ngục trần gian, nay báo quốc tế ca ngợi là thiên đường

Toàn văn Nghị quyết 60 Hội nghị Trung ương 11 thông qua đề án sáp nhập tỉnh

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/chi-tiet-ten-goi-va-vi-tri-dat-trung-tam-chinh-tri-hanh-chinh-du-kien-cua-34-tinh-thanh-pho-sau-sap-nhap-140388.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chi tiết tên gọi và vị trí đặt trung tâm chính trị - hành chính dự kiến của 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH