‘Chốt’ số lượng đơn vị hành chính sau sáp nhập là 34: 28 tỉnh và 6 TP trực thuộc Trung ương, giảm 60-70% xã
Ban Chấp hành Trung ương thống nhất phương án sau sáp nhập cả nước sẽ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Chiều 12/4/2025, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc. Phát biểu tại phiên bế mạc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng, sau ba ngày làm việc khẩn trương, các ủy viên Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tập trung vào nhiều vấn đề hệ trọng, thống nhất cao những nội dung then chốt. Nghị quyết Hội nghị đã được biểu quyết thông qua với tỷ lệ tuyệt đối. Tổng Bí thư khẳng định, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã hoàn tất toàn bộ nội dung, chương trình đặt ra.

"Rất nhiều đồng chí Trung ương đề nghị Bộ Chính trị ghi nhận đây là hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn Cách mạng mới của nước ta", Tổng Bí thư chia sẻ. Thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư, ông đánh giá cao tinh thần làm việc đổi mới, khoa học, quyết đoán và hiệu quả của Trung ương; đồng thời ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, trọng tâm và sáng tạo từ các Tiểu ban, Văn phòng Trung ương Đảng cùng các cơ quan liên quan.
Trung ương thống nhất sáp nhập còn 34 tỉnh, thành
Trung ương thống nhất cao với nội dung được đề xuất trong các tờ trình, báo cáo và đề án liên quan đến việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ rằng "Ban Chấp hành Trung ương nhấn mạnh: Việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là quyết sách chiến lược chưa từng có với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân".

Bộ máy chính quyền cần được xây dựng tinh gọn, chuyển từ cơ chế quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, thúc đẩy phát triển, đồng thời có đủ năng lực triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng vào thực tiễn. Quá trình sắp xếp đơn vị hành chính địa phương lần này đặt nền móng từ tinh thần khoa học, sáng tạo và đột phá, định hướng dài hạn ít nhất 100 năm, nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa phù hợp cho tiến trình hiện đại hóa đất nước.
Chính quyền địa phương sau khi sắp xếp phải bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng yêu cầu quản trị xã hội hiện đại và hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững. Song song đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời phát huy thế mạnh phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Về tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng, chủ trương là sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, loại bỏ sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ. Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng việc sắp xếp phải tránh hành chính hóa hoạt động, hướng mạnh về địa bàn dân cư để gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, thể hiện tinh thần “chú trọng và thực hành dân làm gốc”, đồng thời “phải thực sự là cánh tay nối dài của Đảng đến từng hộ gia đình, từng người dân; phải chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đoàn viên, hội viên và của nhân dân”.

Quá trình này phải tuân thủ nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trong việc xây dựng tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong toàn hệ thống chính trị. Công tác cán bộ cần được đổi mới toàn diện, triển khai đồng bộ, chặt chẽ trên cơ sở công khai, minh bạch, nâng cao kiểm soát quyền lực, gắn trách nhiệm cá nhân với quyền lực được giao. Các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy chức chạy quyền, bè phái trong quá trình sắp xếp tổ chức, quản lý tài sản công cần được nhận diện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm.
Quyết định phân nhiều quyền hơn cho cấp xã
Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương hai cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Sau khi thực hiện sáp nhập, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, thành phố với tên gọi và trung tâm hành chính - chính trị được xác định theo các nguyên tắc trong các tờ trình và đề án đã trình. Hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chấm dứt sau khi Quốc hội quyết nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi). Việc sáp nhập cấp xã sẽ giúp giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện hành.
Trung ương đồng ý chủ trương lập tổ chức Đảng ở địa phương tương ứng với hệ thống hành chính cấp tỉnh, cấp xã; đồng thời chấm dứt hoạt động của các đảng bộ cấp huyện. Việc thành lập tổ chức Đảng tại địa phương phải tuân thủ đúng Điều lệ Đảng và các quy định của Trung ương.
Trong mô hình tổ chức hành chính mới, cấp tỉnh sẽ vừa là cấp thực thi chủ trương, chính sách từ Trung ương, vừa là cấp ban hành chính sách cho địa phương và trực tiếp quản lý các hoạt động của cấp xã. Cấp xã chủ yếu là cấp thực hiện các chính sách từ Trung ương và tỉnh, nhưng sẽ được trao thêm quyền tự quyết, bao gồm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và quyết định những vấn đề trong phạm vi thẩm quyền.

Trung ương đồng thuận với chủ trương sắp xếp, tinh gọn và hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng ở các cấp như đã nêu trong tờ trình và đề án của Đảng ủy MTTQ Việt Nam và các đoàn thể Trung ương. Chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức và công đoàn lực lượng vũ trang, đồng thời giảm mức đóng góp công đoàn phí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Trung ương cũng thống nhất với chủ trương tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy Tòa án Nhân dân (TAND), Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND); kết thúc hoạt động của các đơn vị cấp cao và cấp huyện, xây dựng hệ thống tổ chức ba cấp gồm TAND và VKSND Tối cao, cấp tỉnh và khu vực. Hệ thống tòa án và viện kiểm sát quân sự tiếp tục duy trì mô hình hiện tại.
>> Sáp nhập xã, phường: Nghiên cứu tỷ lệ phù hợp với đặc điểm từng địa phương
2 tỉnh miền Trung được ví như ‘Việt Nam thu nhỏ’, có hơn 3 triệu dân nhưng không thuộc diện sáp nhập