Doanh nghiệp

Chiếc bánh 7 tỷ USD Mẹ và Bé: Con Cưng, Kids Plaza, Bibomart và một tên tuổi “sinh sau đẻ muộn” đang ra sao?

Yên Hoàng 09/10/2023 - 08:54

Con Cưng, Bibomart, Kids Plaza… đã nổi danh trong làng đồ Mẹ và Bé, bất ngờ với tình hình kinh doanh nhóm này.

Ngành hàng mẹ và bé đang ngày càng trở lên sôi động khi thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đang tăng trưởng tốt hằng năm, dẫn đến mức chi tiêu và nhu cầu sống của người dân tăng cao.

Ngành kinh doanh tỷ USD

Theo thống kê từ Liên Hợp Quốc (UN), năm 2023, Việt Nam hiện có hơn 26 triệu trẻ em dưới 18 tuổi (chiếm gần 1/4 dân số). Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi lên đến hơn 7 triệu người. Đồng thời, với mức dự đoán doanh thu lên đến 7 tỷ USD cùng tốc độ tăng trưởng trung bình 30-40% (Nielsen), thị trường sản phẩm mẹ và bé tại Việt Nam đang là mảnh đất đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng sẽ chứng kiến những cuộc “so găng” khốc liệt giữa các thương hiệu lớn trong năm 2023 khi mà lạm phát gia tăng.

Bibo Mart - chuỗi ra đời sớm nhất vào năm 2006. Dù tăng trưởng khá nhanh thời gian đầu, những năm gần đây chuỗi có dấu hiệu chững lại và đuối sức so với các tên tuổi đi sau. Hiện, Bibo Mart sở hữu hệ thống 161 cửa hàng trên cả nước.

Thương hiệu này từng có mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, sau khi trải qua ảnh đại dịch tình hình kinh doanh của Bibo Mart bị ảnh hưởng đáng kể: khi năm 2020 công ty lỗ khủng 122 tỷ đồng, doanh thu năm 2021 sụt giảm 7,8% xuống 1.287 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp lại báo lãi 6,7 tỷ đồng. Sang năm 2022 Bibo Mart lại lỗ 13 tỷ đồng cũng với tỷ lệ doanh thu sụt giảm 22,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chiếc bánh 7 tỷ USD Mẹ và Bé: Con Cưng, Kids Plaza, Bibomart và một tên tuổi “sinh sau đẻ muộn” đang ra sao?

Cũng sớm gia nhập từ năm 2009, Kids Plaza hiện tập trung nhiều tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM với quy mô tương tự hơn 160 cửa hàng. Là một hệ thống cửa hàng lâu năm Kids Plaza đang phát triển cực kỳ ổn định.

Doanh thu của chuỗi cửa hàng này đều có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Năm 2022 doanh thu của Kids Plaza đạt 1.663 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với năm 2021. Lợi nhuận trong năm 2022 theo đó cũng tăng mạnh gấp 3 lần so với năm trước đạt 36,6 tỷ đồng. Năm 2022 có thể nói là một điểm sáng trong hành trình hoạt động kinh doanh của Kids Plaza khi trước đó năm 2020 doanh nghiệp này ghi nhận lỗ 29 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Con Cưng mới chỉ ra đời từ năm 2011 nhưng đang dẫn đầu thị trường với số lượng cửa hàng vượt trội hơn 700 cửa hàng.

Đầu năm 2022, Quỹ đầu tư tư nhân châu Á Quadria Capital đã hoàn tất đầu tư 90 triệu USD vào công ty này, nâng tỉ lệ hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Con Cưng lên trên 49%, đồng thời đặt tham vọng Con Cưng mở rộng hệ thống lên 2.000 cửa hàng vào năm 2025.

Năm 2022, chuỗi cửa hàng này ghi nhận đạt mức doanh thu hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021, và doanh thu năm 2021 lại tăng trưởng 50% so với năm 2020. Tuy nhiên, việc Con Cưng đầu tư vào các chiến lược cạnh tranh thị phần cũng như mô hình Super Center làm chi phí gia tăng và lợi nhuận sau thuế trong các năm theo đó giảm mạnh. Cụ thể, chuỗi cửa hàng này chỉ đạt mức lãi là 12,4 tỷ đồng giảm 81% so với năm 2021, năm 2021 lãi hơn 89 tỷ đồng tương ứng giảm gần 40% so với năm 2022.

Nắm bắt được tiềm năng của thị trường mẹ và bé, “kẻ ngoại đạo” CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã đầu tư và đưa vào hoạt chuỗi bán lẻ hàng hóa mẹ và bé AVA Kids. Ông Nguyễn Đức Tài, chủ địch HĐQT Thế giới di động đã đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường tỷ đô này trong vài năm tới.

Ban đầu, với 5 cửa hàng vào hồi tháng 1/2022, con số đã ta tăng lên 50 cửa hàng vào 5 tháng sau đó. Tuy nhiên theo chia sẻ mới nhất trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, Thế giới di động cho biết sẽ tạm ngừng mở mới chuỗi cửa hàng AVAKids, mặc dù tiềm năng thị trường AVAKids rất lớn nhưng chuỗi này hiện chưa có lợi nhuận. Tính đến cuối năm 2022, Tập đoàn này đang sở hữu 64 cửa hàng AVAKids, cách xa mục tiêu mở 200 cửa hàng vào năm 2022 đã đặt ra trước đó.

Dự án AVA của Thế giới di động trong năm 2022 cũng cho kết quả không được như mong đợi. Chuỗi AVAKids và AVASport đóng góp 600 tỷ doanh thu, rất nhỏ so với con số doanh thu 133.405 tỷ đồng của Thế giới di động. Ban lãnh đạo doanh nghiệp đặt mục tiêu AvaKids đạt điểm hòa vốn vào năm 2023 và bắt đầu có lãi vào năm 2024.

Thay đổi để tồn tại

Từng có những tên tuổi xuất hiện với chiến lược đầu tư và xây dựng thương hiệu khá bài bản nhưng cũng phải dừng hoạt động chỉ sau một thời gian ngắn như Beyeu, Deca, Kids World…

Thị trường ngành hàng mẹ và bé vẫn được xem là cơ hội, là "miếng bánh béo bở", nhưng cũng không kém phần thách thức. Tuy nhiên, sự kỹ tính trong việc lựa chọn sản phẩm mẹ và bé, trong bối cảnh thị trường có quá nhiều sự cạnh tranh được xem là thách thức đối với các thương hiệu.

Thời điểm hiện tại, mua sắm online càng được ưa chuộng hơn, sức mua các mặt hàng mẹ và bé trên sàn thương mại điện tử vẫn không ngừng tăng. Đặc biệt, khách hàng của ngành mẹ và bé hiện nay chiếm phần đông là thế hệ GenZ tiếp xúc với công nghệ nhiều. Thế hệ này sẽ chủ động hơn trong việc tìm kiếm thông tin, có bộ lọc rõ ràng, thích tìm đến cộng đồng những người có chung sở thích hay mối quan tâm để thảo luận và tham khảo đánh giá sản phẩm.

Các kênh mua sắm online đang được phát triển mạnh mẽ cũng góp phần thúc đẩy doanh thu cho ngành mẹ và bé. Với nhu cầu cần sự nhanh chóng và tiện lợi trong quá trình mua hàng, người tiêu dùng đã dần chuyển việc mua sắm truyền thống ở chợ và siêu thị sang các sàn thương mại điện tử. Việc phát triển các kênh phân phối online cũng phần nào giúp các doanh nghiệp kích thích được nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Ngành hàng mẹ và bé luôn nằm trong top các mặt hàng bán chạy nhất trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó Shopee là sàn thương mại điện tử chiếm thị phần lớn nhất trong ngành hàng mẹ và bé, với hơn 80% doanh thu trên tổng ba dàn Shopee, Lazada và Tiki.

Có thể thấy thị trường đầy tiềm năng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên các doanh nghiệp trong ngành cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức cạnh tranh lớn. Đặc biệt, những thế hệ phụ huynh mới thuộc nhóm Gen Z và Millennials đang dần làm chủ thị trường, tạo nên thay đổi đáng kể xu hướng và hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên thị trường này. Vì vậy các doanh nghiệp buộc phải thay đổi trong cách thức tiếp cận khách hàng cũng như nỗ lực tối ưu trải nghiệm khách hàng thông qua chuyển đổi số.

Rộ tin đồn giá bán tại Con Cưng đắt hơn tại các siêu thị mẹ và bé khác, thực hư ra sao?

Rộ tin đồn giá bán tại Con Cưng đắt hơn tại các siêu thị mẹ và bé khác, thực hư ra sao?

Chuỗi Con Cưng ngập nợ nghìn tỷ: Góc nhìn từ việc SSI tư vấn phát hành trái phiếu

Rót 90 triệu USD vào "Chúa Chổm" Con Cưng, quỹ Quadria kinh doanh thế nào?

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chiec-banh-7-ty-usd-me-va-be-con-cung-kids-plaza-bibomart-va-mot-ten-tuoi-sinh-sau-de-muon-dang-ra-sao-204618.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chiếc bánh 7 tỷ USD Mẹ và Bé: Con Cưng, Kids Plaza, Bibomart và một tên tuổi “sinh sau đẻ muộn” đang ra sao?
POWERED BY ONECMS & INTECH