Vĩ mô

Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội

Hà Văn 15/10/2024 13:54

Sáng ngày 15/10, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội nhằm trao đổi, thống nhất một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội- Ảnh 1.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo về 3 dự án luật: Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính.

Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ thảo luận để thống nhất một số nội dung, chương trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, thời gian qua, từ tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các bộ, ngành, địa phương đã đề nghị một số nội dung quan trọng, cấp bách cần được xử lý sớm bằng việc sửa đổi, bổ sung luật hoặc thông qua Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, Chính phủ đã đề nghị bổ sung một số hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết nghị với nhiều vấn đề lớn, quan trọng.

Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội- Ảnh 2.
Theo Thủ tướng, tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến Chính phủ sẽ trình 81 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, trong đó có 25 dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kỳ họp rất quan trọng, việc chuẩn bị có nhiều đổi mới

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua đã luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện, phối hợp tốt, chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong giải quyết các công việc, nhất là tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, trong 9 tháng qua, chính trị - xã hội đất nước ta ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường, an ninh trật tự được bảo đảm, đối ngoại và hội nhập được đẩy mạnh, nhất là kinh tế đối ngoại đạt nhiều kết quả, thu hút FDI trên 25 tỷ USD và đặc biệt là giải ngân vốn FDI trên 17 tỷ USD.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần tiếp tục nỗ lực, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Ngay sau Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Chính phủ đã bắt tay vào việc chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 8, riêng Thủ tướng đã ban hành 15 văn bản phân công, đôn đốc với tinh thần 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.

Theo Thủ tướng, tại Kỳ họp thứ 8, công việc rất nặng nề, dự kiến lập kỷ lục mới về khối lượng công việc, trong đó dự kiến Chính phủ sẽ trình 81 hồ sơ, tài liệu, báo cáo, trong đó có 25 dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, theo quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt.

Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội- Ảnh 3.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Tinh thần chung là đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần rất rõ của Hội nghị Trung ương và yêu cầu lãnh đạo chủ chốt là chỉ bàn làm, không bàn lùi, mạnh dạn làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; làm việc nhiều hơn, tích cực hơn, tăng tốc hơn, bứt phá hơn, quyết liệt hơn, trọng tâm, trọng điểm hơn, hiệu quả hơn trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để theo kịp, tiến cùng và vượt lên so với thế giới, khẳng định tầm vóc đất nước, sự lớn mạnh của dân tộc trong bối cảnh tình hình tế giới khó khăn.

Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Trong công tác xây dựng pháp luật, cần chuyển từ tập trung vào mục tiêu quản lý sang mục tiêu vừa quản lý được, vừa mở rộng không gian phát triển, kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, xóa bỏ quan liêu bao cấp, xóa bỏ xin cho, đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã quyết liệt rồi thì phải quyết liệt hơn, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn, quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn để tạo sự bứt phá trong năm 2024 và năm 2025 - năm chuẩn bị bước sang giai đoạn mới của đất nước, có nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cần có những công trình trọng điểm mang tính biểu tượng để chào mừng các sự kiện quan trọng này. Chúng ta cần quán triệt tinh thần này trong tư duy, nhận thức và hành động, phối hợp với nhau thật tốt, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp, tự tin bước sang kỷ nguyên mới.

Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội- Ảnh 4.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo về 3 dự án luật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ, Kỳ họp thứ 8 rất quan trọng với sự phát triển của đất nước; thể chế hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 10; và tháo gỡ nhiều vướng mắc mà người dân, doanh nghiệp rất trông đợi. Việc chuẩn bị cho kỳ họp có nhiều đổi mới.

Thủ tướng cho biết, với tinh thần chủ động hơn để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, ngay sau Hội nghị Trung ương 10, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã tổ chức hội nghị vào ngày 17/9 và hôm nay tiếp tục tổ chức Hội nghị để rà soát lại các công việc với quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để triển khai các nhiệm vụ được giao. Công việc từ sau Hội nghị lần trước đã được tích cực triển khai trong bối cảnh chúng ta vừa chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, vừa phải khắc phục hậu quả rất nặng nề, còn kéo dài của cơn bão số 3.

Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội- Ảnh 5.
Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lấy một số ví dụ như yêu cầu xây dựng lại cầu Phong Châu (Phú Thọ) trong năm 2025; khẩn trương hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng do bão; thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao… Thủ tướng nêu rõ, những việc này đều đòi hỏi cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nắm bắt xu thế, tận dụng được các cơ hội, phát huy được mọi nguồn lực phát triển.

Thủ tướng cũng cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta phải có thực lực, tiềm lực thì mới khẳng định được vị thế, vai trò trên thế giới, mới kêu gọi được sự ủng hộ của quốc tế, phát huy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, lấy nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

Nhấn mạnh tình hình biến đổi nhanh thì phải phản ứng chính sách, ứng xử kịp thời, Thủ tướng nhất trí cao với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là "vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, trách nhiệm ở cấp nào thì cấp đó giải quyết".

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức mình trong việc chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp; đề nghị các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng phải trực tiếp, tích cực vào cuộc, căn cứ thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, chủ động, tích cực trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu, dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan, trên cơ sở đó để đưa ra các quyết sách, chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, đi vào thực tế, với tinh thần tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, tất cả vì nhân dân, tất cả vì sự phát triển của đất nước.

Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước và đảm bảo đời sống của nhân dân.

Ngày 17/9, Đảng đoàn Quốc đã họp liên tịch lần 1 với Ban Cán sự đảng Chính phủ để rà soát các nội dung của Kỳ họp và tiếp tục tổ chức Hội nghị này để kiểm điểm các công việc đã chuẩn bị, đang chuẩn bị và sắp chuẩn bị về dự kiến Chương trình Kỳ họp và các nội dung báo cáo Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu thực hiện theo đúng tinh thần, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 10 trong triển khai các nhiệm vụ thời gian tới, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, tạo tiền đề, bứt phá để đất nước ta vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.

Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Đảng đoàn Quốc hội sẽ quán triệt tinh thần, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo chủ chốt và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng kịp thời cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng: Đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; phải xuất phát và đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển và sự thay đổi nhanh của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thuộc thông tư, nghị định, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; các luật, nghị quyết trình Quốc hội có chất lượng, khả thi, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có "tuổi thọ" cao; quán triệt sâu sắc Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội- Ảnh 6.
Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thành viên Đảng đoàn Quốc hội đã phát biểu nêu rõ quan điểm, ý kiến đối với các nội dung cụ thể chuẩn bị Kỳ họp (về cả tiến độ, nội dung, cách thức trình …). Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Chủ tịch Quốc hội đánh giá trong thời gian vừa qua, công tác phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, thực chất và hiệu quả. Các cơ quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc ngày đêm, để chuẩn bị cho các dự án luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Đến thời điểm này, hai bên cơ bản thống nhất về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 8. Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị để chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến chương trình kỳ họp, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các cơ quan sẽ báo cáo Quốc hội xem xét tăng thời gian họp nếu cần thiết (có thể vào cuối tuần và thậm chí cả buổi tối như cách làm của Hội nghị Trung ương) để bổ sung vào chương trình Kỳ họp các nội dung được Chính phủ đề nghị nếu đủ điều kiện, tài liệu để trình.

Tinh thần chung là đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.

Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội- Ảnh 7.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các cơ quan của Quốc hội luôn sẵn sàng tiếp nhận đề nghị, hồ sơ, nghiên cứu trước các nội dung dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội, tuy nhiên chất lượng các dự án luật, Nghị quyết trước hết là do cơ quan, bộ ngành được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo (nhất là đối với các dự án luật, nghị quyết trình theo quy trình rút gọn, thông qua tại một kỳ họp).

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, việc gì chưa rõ, chưa thống nhất, còn có ý kiến khác nhau, thì cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải ngồi với nhau, kể các các đồng chí lãnh đạo, trưởng ngành trên tinh thần xây dựng, trao đổi, tranh luận, có lý lẽ khoa học, thực tiễn, để đi đến thống nhất phương án.

Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp, bảo đảm thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời để đại biểu Quốc hội, cử tri hiểu rõ và đồng thuận với những nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định.

Văn phòng Quốc hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động rà soát, hoàn thiện công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn... để kỳ họp diễn ra an toàn, hiệu quả.

>> Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ làm việc trong 28,5 ngày

Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết 'tháo gỡ' nguồn cung cho nhà ở thương mại

Nợ Chính phủ an toàn, năm 2025 cần vay hơn 815.000 tỷ

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/chinh-phu-dac-biet-quan-tam-tich-cuc-chuan-bi-cac-du-an-luat-nghi-quyet-trinh-quoc-hoi-102241015131801499.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chính phủ đặc biệt quan tâm, tích cực chuẩn bị các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội
POWERED BY ONECMS & INTECH