Chính phủ ra công điện, yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ quan trọng
Trước thực trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp, Thủ tướng tiếp tục ký Công điện số 72 với nhiều chỉ đạo mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 72/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh cao điểm đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo nội dung công điện, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương cùng lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhiều vụ việc vi phạm trong sản xuất, buôn bán sữa, thuốc và thực phẩm giả đã được phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa.
Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong việc vận động doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương được giao trách nhiệm tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và toàn bộ hệ thống chính trị tại địa phương tích cực tham gia công tác đấu tranh này.
Cũng trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát động, tăng cường chỉ đạo và đẩy mạnh đợt cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, cần xử lý nghiêm các cán bộ, công chức, sĩ quan có biểu hiện suy thoái đạo đức, tham nhũng, tiêu cực, bảo kê hoặc tiếp tay cho các đối tượng vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, bảo đảm hoàn thành trong tháng 5.
Bộ Y tế cũng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý ngay những hạn chế, bất cập của Luật An toàn thực phẩm theo kiến nghị của các bộ, ngành. Nhiệm vụ này cần hoàn thành trước ngày 5/6 để kịp thời trình Quốc hội trong tháng 6.