Vĩ mô

Chính phủ 'thúc' Bộ Công Thương sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp

Khúc Văn 22/10/2023 - 06:19

Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng dùng điện lớn (DDPA) được Chính phủ yêu cầu hoàn thành nhưng hiện bị chậm.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về cơ chế mua bán điện trực tiếp, giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Theo phó thủ tướng, việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp là rất quan trọng và cấp bách để triển khai thực hiện hiệu quả việc đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện.

Chính phủ 'thúc' Bộ Công Thương sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp
Chính phủ 'thúc' Bộ Công Thương sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp

Tuy nhiên, đến nay cơ chế, chính sách này vẫn chậm được ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, phó thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Về cơ chế mua bán điện trực tiếp hiện đã có kinh nghiệm quốc tế, yêu cầu thực tế tại Việt Nam với căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý. Trên cơ sở đó, ông Hà yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, làm rõ thẩm quyền ban hành hướng dẫn của bộ trưởng Bộ Công Thương, các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và dự thảo, thẩm định và ban hành theo đúng quy định.

Đối với nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, phó thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ động, phối hợp chặt chẽ với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021" để đề xuất đưa vào nghị quyết giám sát chuyên đề nội dung này - là một trong những nhiệm vụ giải pháp cần làm ngay. Bộ Công Thương được giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện nhiệm vụ trước ngày 25/10.

Theo báo cáo gần đây nhất, Bộ Công Thương đề xuất hai mô hình triển khai cơ chế DPPA. Cụ thể, trường hợp giữa đơn vị phát điện là các dự án năng lượng tái tạo mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn qua đường dây riêng. Trường hợp thứ hai là các dự án năng lượng tái tạo và khách hàng mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia.

Qua rà soát quy định, trường hợp 1 đã có đầy đủ các văn bản quy định pháp luật để các đơn vị triển khai. Với trường hợp 2, để triển khai được cần phải điều chỉnh một số quy định pháp luật.

Trong đó cần có hướng dẫn, tính toán giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện và giá điều hành giao dịch thị trường điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và chi phí thanh toán khác, các hợp đồng mua bán điện mẫu…

Bộ Công Thương cho rằng việc xây dựng, ban hành các văn bản này là điều kiện tiên quyết để đảm bảo giá bán lẻ cho từng khách hàng lớn phản ánh đúng, đầy đủ chi phí, tránh gây thất thoát tài sản của Nhà nước, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp FDI, các khách hàng lớn. Vì vậy, việc áp dụng sẽ phụ thuộc vào tiến độ xây dựng, sửa chữa và hiệu lực thi hành các văn bản.

Do đó, Bộ Công Thương đề xuất trong trường hợp thực hiện mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi các văn bản hướng dẫn, ban hành cơ chế DPPA theo hình thức nghị định của Chính phủ.

Việc thực hiện mua bán điện thông qua đường dây tư nhân kết nối trực tiếp đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai, nên Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Điện mừng Thủ tướng Pháp

Thủ tướng Chính phủ: Phát triển công nghiệp bán dẫn cần 'quyết tâm làm bằng được'

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chinh-phu-thuc-bo-cong-thuong-som-hoan-thien-co-che-mua-ban-dien-truc-tiep-206919.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chính phủ 'thúc' Bộ Công Thương sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp
    POWERED BY ONECMS & INTECH