Chính phủ tung chính sách tiếp sức ô tô nội địa - Thaco, VinFast tăng tốc hướng tới tự chủ chuỗi cung ứng
Trong khi Chính phủ tung chính sách gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô lắp ráp trong nước, các “ông lớn” ngành xe Việt như Thaco và VinFast cũng đang tăng tốc nội địa hóa sản phẩm.
Chính phủ tung chính sách tiếp sức ô tô nội địa
Ngày 2/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2025/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.
Nghị định nêu rõ: Gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phát sinh trong kỳ tính thuế tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2025 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kéo dài từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế theo quy định pháp luật đến hết ngày 20/11/2025.
Ngay sau đó, Cục Thuế đã có công điện gửi các Chi cục Thuế về việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, đồng thời gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế và phí khác.
![]() |
Cơ quan thuế khẩn trương triển khai nghị định của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế (Ảnh minh họa) |
Trước đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định về việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước trong năm 2025.
Theo Bộ Tài chính, thị trường ô tô và nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế toàn cầu. Nếu chỉ dựa vào các giải pháp kích cầu riêng lẻ từ từng doanh nghiệp, việc duy trì sản lượng, doanh số và tăng trưởng ổn định sẽ gặp khó khăn. Do đó, việc tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước là cần thiết để phục hồi và phát triển.
Dự kiến, số thuế TTĐB trung bình phát sinh hằng tháng trong năm 2025 khoảng 2.820 tỷ đồng. Tổng số thuế được gia hạn theo đề xuất của Bộ Tài chính lên tới 14.100 tỷ đồng. Bộ Tài chính nhấn mạnh rằng việc gia hạn này không phải là hình thức ưu đãi thuế hay trợ cấp nên sẽ ít gây quan ngại cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Trước đó, trong năm 2024, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 65/2024/NĐ-CP về nội dung tương tự, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
VinFast, Thaco góp sức nội địa hóa công nghiệp ngành ô tô
Trong Dự thảo Đề cương Chiến lược phát triển ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Công Thương, mục tiêu đặt ra là đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, xe từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc và xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc.
Theo dự thảo, tỷ lệ xe sản xuất, lắp ráp trong nước được kỳ vọng đạt khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2025 cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2026 – 2035, tỷ lệ này sẽ tăng lên trên 65%.
Các doanh nghiệp Việt cũng rất quan tâm đến đầu tư sản xuất linh kiện phụ tùng. Điển hình như Công ty Trường Hải (Thaco), VinFast đã đầu tư vào công đoạn dập tấm để chế tạo các chi tiết vỏ và thân xe thay vì nhập khẩu.
![]() |
Thaco đã nâng tỷ lệ nội địa hóa đã đạt tới 70% với một số dòng xe (Ảnh: Thaco) |
Tại Thaco, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt tới 70% với một số dòng xe. Hệ sinh thái hỗ trợ của Thaco bao gồm trung tâm R&D, trung tâm cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện – phụ tùng. Thaco đã chủ động sản xuất nhiều linh kiện ô tô như: Ghế, nội thất, kính, dây điện, nhíp, khuôn, máy lạnh xe du lịch, xe tải, bus, linh kiện nhựa, thân vỏ, sơ-mi rơ-moóc, cản xe, dây, áo ghế, khung xương ghế, linh kiện composite và thiết bị công nghiệp khác.
Ngoài ra, Thaco còn cung ứng linh kiện OEM cho nhiều hãng ô tô và xe máy lớn như Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio và các doanh nghiệp FDI như General Electric, Doosan Vina, Makitech, Amann… Các sản phẩm linh kiện còn được xuất khẩu đến các thị trường như Mỹ, Australia, Anh, Italy, Nga, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
![]() |
Tỷ lệ nội địa hóa trên xe điện VinFast đã đạt hơn 60% (Ảnh: Vingroup) |
Với VinFast, tỷ lệ nội địa hóa trên xe điện đã đạt hơn 60%, bao gồm các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ, trần xe và giảm xóc. Hãng đã chủ động sản xuất phần lớn linh kiện nhờ các xưởng sản xuất hiện đại với mức độ tự động hóa trên 90%. Hiện tại, tại nhà máy VinFast Hải Phòng đã có đầy đủ các xưởng: Dập, hàn, lắp ráp, động cơ... được lắp đặt bằng thiết bị tiên tiến hàng đầu từ Đức, Áo, Hàn Quốc…
Theo kế hoạch, VinFast sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 84% vào năm 2026 thông qua việc sản xuất trong nước các linh kiện như ghế, dây điện, đèn, vành xe, hệ thống phanh – lái, nội thất và kính. Khi tự sản xuất được pin – linh kiện giá trị lớn nhất trong ô tô điện – VinFast sẽ đạt mục tiêu nội địa hóa 84%.
>> Vượt qua KIA, Nissan, BYD, VinFast lọt top 11 thương hiệu ô tô dẫn đầu khu vực Đông Nam Á
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng không nhận thù lao, năm 2024 tài trợ VinFast gần 8.300 tỷ đồng
VinFast hé lộ thêm 2 mẫu xe điện chuẩn bị ra mắt trong năm nay