Chính sách không thiếu, vì sao vốn vay lãi suất thấp khó tiếp cận?
Doanh nghiệp (DN) cho biết nguồn vốn hỗ trợ lãi suất rất cần cho những DN vừa và nhỏ, DN mới thành lập, nhưng để tiếp cận thì rất khó khăn. Đại diện Ngân hàng Agribank cũng nêu vấn đề “chính sách không thiếu, vấn đề là làm thế nào để giữa ngân hàng và khách hàng tiếp cận nhiều hơn".
Ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM tổ chức hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH - DN), hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tại hội nghị, bà Phạm Thị Thu Hà - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao, quận Bình Tân - nói rằng, nguồn vốn hỗ trợ lãi suất rất cần cho những DN vừa và nhỏ, DN mới thành lập nhưng để tiếp cận thì rất khó khăn. Cách đây 2 năm, bà Hà vay 700 triệu đồng tại một ngân hàng thương mại, đã trả được 300 triệu đồng và còn 415 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Thu Hà - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao, quận Bình Tân mong muốn được tiếp cận vốn vay hỗ trợ lãi suất trong lĩnh vực nông nghiệp. |
“Ngân hàng yêu cầu phải đáo hạn từng năm, trong khi tôi mong muốn được trả cả gốc lẫn lãi và vay gói mới nhưng ngân hàng không đồng ý. Về lãi suất gần như không được hỗ trợ đối với gói vay nông nghiệp. Vì vậy, tôi mong tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp để tiếp tục mở rộng dự án nông nghiệp sạch” - bà Hà nói.
Bà Võ Thị Bích Hạnh - chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Thành Danh, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi - chia sẻ, nhờ sự kết nối giữa NH - DN, cơ sở đã được ngân hàng hỗ trợ vay vốn. Từ dây chuyền sản xuất trị giá ban đầu khoảng 1 tỷ đồng, nay cơ sở bánh tráng Thành Danh nâng cấp quy mô, đầu tư hệ thống sản xuất bánh tráng, giá trị lên đến 8 tỷ đồng với công suất khoảng 6 tấn/ngày.
Mới đây, cơ sở này còn đầu tư thêm dây chuyền sản xuất bánh tráng với hệ thống sấy bằng năng lượng mặt trời trị giá 11 tỷ đồng, công suất bình quân đạt 9 tấn/ngày, dây chuyền mới đầu tư đã cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ cao cấp.
Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TPHCM mong muốn được vay vốn hỗ trợ lãi suất |
Ông Hoàng Minh Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank - cho biết, có những khoản vay nông nghiệp lãi suất chỉ từ 2,6%/năm. Agribank hiện có rất nhiều chính sách ngoài lãi suất, còn cho vay tín chấp đến 70% đối với DN không có tài sản theo Nghị định 55.
“Chính sách không thiếu, vấn đề là làm thế nào để giữa ngân hàng và khách hàng tiếp cận nhiều hơn. Cho vay lĩnh vực nào cũng có khó khăn, nhưng người làm kinh doanhngân hàng phải tìm ra giải pháp để tiếp cận khách hàng nhanh nhất” - ông Ngọc cho biết.
Theo số liệu thống kê Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn hiện nay chỉ còn đóng góp khoảng 0,4% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), giảm rất mạnh so với 10 năm trước khi tỷ lệ này là 2%.
Tuy nhiên, hiện thành phố có 2 triệu người đang sinh sống và sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở ngoại thành, tỷ lệ sử dụng đất nông nghiệp ở mức khá cao và đất đai ngoại thành theo giá thị trường tăng nhanh theo tốc độ đô thị hóa là điều kiện quan trọng đảm bảo nợ vay.
Ngân hàng Agribank đã hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho cả nghìn lượt khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp. |
Số liệu từ NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy, tính đến ngày 30/9, các tổ chức tín dụng cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ trên địa bàn đạt 345.581 tỷ đồng với khoảng 2 triệu khách hàng vay vốn. Trong đó, các chi nhánh Agribank trên địa bàn có tỷ trọng cho vay chiếm 5% so với tổng dư nợ theo Nghị định này.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM - cho biết, cho vay lĩnh vực lâm thủy sản theo Gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại từ 1,5-2% đến cuối tháng 9/2024 có doanh số trên 3.000 tỷ đồng, với 2.021 khách hàng. Riêng hệ thống Agribank trên địa bàn cho vay gói này có dư nợ đạt 961 tỷ đồng, với 1.340 lượt khách hàng giải ngân và hiện còn 371 khách hàng còn dư nợ.
>> Khách vay vốn vẫn bị 'cưỡng ép' mua bảo hiểm, Ngân hàng Nhà nước nói gì?