Hôm 5/2, một tòa án Hàn Quốc ra phán quyết Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong không phạm tội trong vụ sáp nhập gây tranh cãi năm 2015.
Tòa án quận trung tâm Seoul xóa bỏ các cáo buộc gian lận giá cổ phiếu, vi phạm lòng tin và gian lận kế toán liên quan đến vụ sáp nhập gây tranh cãi của Cheil Industries và Samsung C&T năm 2015. Công tố viên cáo buộc vụ sáp nhập nhằm củng cố quyền kiểm soát quản lý của “thái tử Samsung” tại tập đoàn với chi phí thấp hơn.
"Thật khó để thấy rằng tỷ lệ giao dịch chứng khoán giữa Samsung C&T và Cheil Industries là không công bằng", phán quyết viết. "Việc sáp nhập dường như không nhằm mục đích gây thiệt hại cho các cổ đông".
>> Phát triển các dịch vụ dữ liệu để tạo thêm nhiều việc làm cho người dân
Thẩm phán cho rằng việc sáp nhập có lợi cho sự kiểm soát của Lee đối với tập đoàn, nhưng nhấn mạnh hai chi nhánh đã cân nhắc về sự cần thiết của việc sáp nhập.
Dự kiến sẽ mất vài năm nữa để Tòa án Phúc thẩm và Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết về các cáo buộc của ông Lee, các chuyên gia pháp lý hy vọng các tòa án cấp trên sẽ đưa ra kết luận tương tự.
Phán quyết được đưa ra 3 năm và 5 tháng sau khi các công tố viên truy tố ông Lee. Tháng 11/2023, công tố viên đã đề nghị mức án tù 5 năm và khoản tiền phạt 500 triệu won (373.000 USD) cho Chủ tịch.
Người đứng đầu Samsung cũng phải ngồi tù vào tháng 1/2021 với cáo buộc hối lộ Tổng thống Park Geun-hye để giành được sự ủng hộ của chính quyền đối với việc sáp nhập. Ông được tại ngoại vào tháng 8 năm đó và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ân xá cho ông một năm sau.
Việc tha bổng đã giải quyết những bất ổn pháp lý mà ông Lee phải đối mặt trong 9 năm kể từ khi dính vào vụ bê bối lạm dụng quyền lực trên toàn quốc dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Park Geun-hye. Phán quyết dọn đường cho Chủ tịch tiếp tục các hoạt động kinh doanh toàn diện cho tập đoàn, bao gồm cả việc theo đuổi các thương vụ mua lại quy mô lớn.
Bất chấp khả năng công tố viên kháng cáo, ông Lee hiện có thể tập trung vào kinh doanh và quản lý của gã khổng lồ công nghệ với tư cách Chủ tịch, ít nhất trong thời điểm hiện tại. Đây được xem là diễn biến rất quan trọng đối với Samsung khi tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc đối mặt với những rủi ro địa chính trị, như căng thẳng Mỹ - Trung và xung đột Nga-Ukraine kéo dài, cùng với suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất cao.
Ông Lee dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức trong kinh doanh chất bán dẫn và smartphone trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Năm 2023, Samsung đã mất vị trí hàng đầu xét theo doanh thu chất bán dẫn vào tay Intel và đứng thứ hai sau Apple xét đến các lô hàng điện thoại thông minh.
Với việc trắng án, ông Lee được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lãnh đạo quyết đoán hơn để giúp công ty của mình lấy lại vị thế số 1 trong mảng kinh doanh chất bán dẫn và smartphone. Năm ngoái, mảng bán dẫn của Samsung lỗ 14,88 nghìn tỷ won (11,2 tỷ USD) do nhu cầu suy yếu. Dù mảng DRAM ghi nhận lợi nhuận trong quý IV, nó không đủ để đưa toàn bộ hoạt động kinh doanh chip có lãi.
Trong tuyên bố cuối cùng của mình trong phiên tòa vào tháng 11/2023, ông Lee nhấn mạnh Samsung đang ở trong những cơn gió ngược lớn và cần sự lãnh đạo mạnh mẽ để vượt qua chúng. Các nhà phân tích dự đoán ông Lee sẽ vượt qua những thách thức thông qua thâu tóm và sáp nhập, cũng như các khoản đầu tư lớn có thể đã bị trì hoãn do các thủ tục pháp lý.
Sự hiện diện nhẹ nhàng của Samsung trên thị trường M&A toàn cầu cũng dự kiến thay đổi dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Lee. Thương vụ M&A lớn cuối cùng của công ty diễn ra năm 2016, khi tiếp quản công ty ô tô và âm thanh Harman International với giá 8 tỷ USD.
Ông Lee có thể sẽ đưa ra một kế hoạch đầu tư lớn khác trong tương lai gần.
"Dù ông Lee được bổ nhiệm làm Chủ tịch vào năm 2022, nhưng những bất ổn về bản án khiến ông ấy gặp khó khăn trong việc thực hiện các khoản đầu tư quy mô lớn hoặc tăng lợi nhuận cho cổ đông", nhà phân tích Lee Sang-heon của Hi Investment &Securities nhận định. "Phán quyết của tòa án đã mở đường cho ông Lee quản lý tập đoàn theo phong cách riêng của mình".
Các nhà phân tích chứng khoán cũng kỳ vọng Lee sẽ đăng ký lại làm Giám đốc Samsung Electronics.
Thống đốc Dịch vụ Giám sát Tài chính Lee Bok-hyun, cựu công tố viên dẫn đầu các cuộc điều tra ông Lee, nói với các phóng viên vào sáng ngày 5/2 rằng phán quyết của tòa án sẽ giải quyết các rủi ro pháp lý xung quanh công ty.
"Tôi hy vọng phán quyết của tòa án sẽ cởi trói cho Samsung và ông Lee, để công ty có thể cải cách quản lý và đóng góp cho nền kinh tế quốc gia", Thống đốc nói.
(Theo Yonhap, Korea Times)
Công ty công nghệ lớn thứ hai Việt Nam tăng tốc tuyển dụng hàng nghìn nhân sự cho mục tiêu tỷ USD
TSMC và Samsung đối mặt tương lai bất định khi đầu tư bán dẫn tại Mỹ