Chưa đầy 10 ngày nữa, Việt Nam sẽ có thêm 3 thành phố mới
Từ 1/1/2025, 3 thành phố mới sẽ được thành lập, trong đó có thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.
Vừa qua, Quốc hội đã có Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của một số địa phương trên cả nước. Đáng chú ý, Hải Phòng và Ninh Bình sẽ có thêm thành phố mới và riêng tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chính thức lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025
TP. Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng - Thành phố trong thành phố thứ hai của Việt Nam
Theo nghị quyết, từ ngày 1/1/2025, huyện Thủy Nguyên sẽ chính thức trở thành thành phố trực thuộc TP. Hải Phòng, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của địa phương.
Sự kiện này giúp Hải Phòng trở thành “thành phố trong thành phố" thứ hai của Việt Nam sau TP. HCM với TP. Thủ Đức - được thành lập theo Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 vào năm 2020.
Theo quy định, nghị quyết điều chỉnh 7,27km2 diện tích tự nhiên từ phường Đông Hải 1 (quận Hải An) về xã Thủy Triều (huyện Thủy Nguyên).
Sau khi điều chỉnh, huyện Thủy Nguyên có tổng diện tích 269,1km2, với dân số 397.570 người; riêng xã Thủy Triều đạt diện tích 18,99km2 và dân số 13.901 người.
Thành phố Thủy Nguyên được thành lập trên cơ sở toàn bộ huyện Thủy Nguyên sau khi điều chỉnh, bao gồm 21 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 17 phường: An Lư, Dương Quan, Hoa Động, Hòa Bình, Hoàng Lâm, Lập Lễ, Lê Hồng Phong, Lưu Kiếm, Minh Đức, Nam Triệu Giang, Phạm Ngũ Lão, Quảng Thanh, Tam Hưng, Thiên Hương, Thủy Đường, Thủy Hà, Trần Hưng Đạo và 4 xã: Bạch Đằng, Liên Xuân, Ninh Sơn, Quang Trung.
>> Dự án thành phần thuộc tuyến Vành đai 4 Hà Nội hơn 85.000 tỷ đồng có chuyển động mới
Thủy Nguyên nằm tại cửa ngõ phía Bắc TP. Hải Phòng, tiếp giáp tỉnh Quảng Ninh ở phía Bắc và Đông Bắc, tiếp giáp huyện An Dương và nội thành Hải Phòng ở phía Tây Nam, và cửa biển Nam Triệu ở phía Đông Nam.
TP. Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình
Theo Nghị quyết, TP. Hoa Lư được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 103,49km2 và dân số 83.613 người của huyện Hoa Lư, cùng với diện tích tự nhiên 46,75km2 và dân số 154.596 người của TP. Ninh Bình.
Sau khi thành lập, TP. Hoa Lư sẽ có tổng diện tích tự nhiên 150,24km2 và dân số 238.209 người, tiếp giáp các huyện Yên Khánh, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, thành phố Tam Điệp và tỉnh Nam Định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định việc thành lập và sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc TP. Hoa Lư như sau:
Phường Ninh Giang được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 6,47km2 và dân số 8.045 người của xã Ninh Giang.
Phường Ninh Phúc được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 6,30km2 và dân số 11.153 người của xã Ninh Phúc.
Phường Vân Giang được thành lập bằng cách sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 1,04km2 và dân số 14.150 người của phường Phúc Thành, cùng với diện tích tự nhiên 1,57km2 và dân số 12.865 người của phường Thanh Bình. Sau sáp nhập, phường Vân Giang có tổng diện tích tự nhiên 2,96km2 và dân số 33.949 người.
Phường Ninh Mỹ được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 2,19km2 và dân số 4.817 người của thị trấn Thiên Tôn, cùng với diện tích tự nhiên 4,06km2 và dân số 7.327 người của xã Ninh Mỹ. Sau sáp nhập, phường Ninh Mỹ có tổng diện tích tự nhiên 6,25km2 và dân số 12.144 người.
Toàn bộ diện tích tự nhiên 9,75km2 và dân số 4.826 người của xã Ninh Xuân sẽ được sáp nhập vào xã Ninh Nhất. Sau sáp nhập, xã Ninh Nhất có diện tích tự nhiên 17,01km2 và dân số 12.082 người.
>> Dự án khu đô thị du lịch Cần Giờ hơn 280.000 tỷ sẽ triển khai từ tháng 4/2025
Toàn bộ diện tích tự nhiên 4,23km2 và dân số 4.950 người của xã Ninh Thắng sẽ được sáp nhập vào xã Ninh Hải. Sau sáp nhập, xã Ninh Hải có tổng diện tích tự nhiên 26,13km2 và dân số 11.981 người.
Sau khi hoàn tất quá trình sắp xếp, TP. Hoa Lư sẽ có tổng cộng 20 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 12 phường (Bích Đào, Đông Thành, Nam Bình, Nam Thành, Ninh Giang, Ninh Khánh, Ninh Mỹ, Ninh Phong, Ninh Phúc, Ninh Sơn, Tân Thành, Vân Giang) và 8 xã (Ninh An, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Khang, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Vân, Trường Yên).
TP. Huế - Thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam
Sáng ngày 30/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương.Với 458/461 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, nghị quyết đạt tỷ lệ đồng thuận cao, lên đến 95,62%.
Theo Nghị quyết, TP. Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với toàn bộ diện tích tự nhiên 4.947,11km2 và dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.
Thành phố Huế giáp TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, và biển Đông.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP. Huế. Từ ngày 1/1/2025, TP. Huế sẽ bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện, cụ thể:
2 quận: Quận Phú Xuân (13 phường) và quận Thuận Hóa (19 phường).
3 thị xã: Thị xã Phong Điền, thị xã Hương Trà, và thị xã Hương Thủy.
4 huyện: Huyện A Lưới, huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang, và huyện Phú Lộc.
Tổng cộng, TP. Huế sẽ có 133 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn.