Chuyển động mới cho siêu dự án 'ngọc trong phố' độc nhất vô nhị treo hơn 30 năm tại TP. HCM
Qua nhiều năm người dân vẫn trông chờ dự án để làm ăn sinh sống yên ổn nhưng không có động tĩnh. Song, dự án vừa có một động thái vô cùng tích cực.
Dự án Bình Quới - Thanh Đa là một trong những dự án phát triển đô thị lớn và phức tạp nhất tại TP. HCM, nhưng đã bị "treo" trong gần 30 năm.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là một phần quan trọng trong quy hoạch phát triển không gian đô thị của TP. HCM. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra một động lực mới cho sự phát triển của khu vực trung tâm thành phố, cũng như cải thiện môi trường sống và điều kiện kinh tế cho cư dân địa phương.
Hiện trạng bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Ảnh internet
Mới đây, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. HCM đã ra thông báo kết quả vòng 1 (sơ tuyển) cuộc thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch kiến trúc dự án này. Sở đã nhận được 19 hồ sơ đăng ký tham gia cuộc thi của các đơn vị tư vấn, liên danh tư vấn hợp lệ.
Kết quả, có 10/19 đơn vị tư vấn dự thi được hội đồng sơ tuyển xét chọn (tính theo thứ tự từ cao đến thấp) được hỗ trợ kinh phí mỗi đơn vị là 25 triệu đồng theo quy định của quy chế thi tuyển, 5/10 đơn vị dự thi vào vòng 2 (thi tuyển).
Những đơn vị lọt vào vòng 2 của cuộc thi tuyển. Nguồn: Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM
5 liên danh vào vòng 2 có 5 doanh nghiệp nước ngoài. Các liên danh bao gồm liên danh CTCP Tư vấn Đầu tư xây dựng Năm và Cộng sự, Viện Quy hoạch Đào tạo Đài Loan, CTCP Tư vấn Xây dựng Tổng hợp (Nagecco), Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Vscape; liên danh Công ty TNHH CPG Việt Nam, CPG Consultant PTE LTD, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng SEAPE; liên danh Skidmore, Owings & Merrill LLP và Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc;
Liên danh Sasaki Associates INC, Encity Urban Solutions PTE.LTD, Viện Quy hoạch xây dựng Thành phố; liên danh Công ty TNHH Tư vấn Đông Phong, Công ty TNHH Tư vấn Kỹ thuật Quốc tế T.Y.LIN, Công ty TNHH Viện Thiết kế và Quy hoạch Đô thị Powerchina.
Các đơn vị vào vòng 2 có thời gian thực hiện là 8 tuần. Thời gian tổ chức thi tuyển từ tháng 7-10/2024 tại TP. HCM. Giá trị giải thưởng cho đơn vị giải nhất là 5 tỷ đồng, 1 giải nhì 3.75 tỷ đồng và 1 giải khuyến khích 1.25 tỷ đồng.
Cách trung tâm quận 1, TP. HCM chỉ 15 phút đi xe máy, Thanh Đa bao năm qua vẫn thế: bền vững là một vùng quê hẻo lánh, nhà thưa xen giữa những cánh đồng.
>> Chốt các điểm sẽ đi qua của tuyến cao tốc 3.600 tỷ nối 2 tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương
Siêu dự án nằm chờ với cuộc sống tạm bợ của người dân
Bán đảo Thanh Đa - Bình Quới mang đầy đủ bản sắc đầm lầy so với những mảng xanh của các đô thị khác trên thế giới (như Hồng Kông hay Singapore). Nơi đây có địa thế thấp, nước ngập đặc sắc và hiếm hoi duy nhất còn sót lại dọc sông Sài Gòn.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch từ năm 1992 với quy mô hơn 426ha với tham vọng sẽ biến nơi đây thành "ngọc trong phố" hiện đại bậc nhất TP. HCM. Theo quy hoạch, đây sẽ là khu đô thị sinh thái với đầy đủ chức năng, dân số khoảng 41.000 người.
Năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được, năm 2010, chính quyền TP. HCM thu hồi quyết định.
Phối cảnh tương lai về một KĐT sinh thái hiện đại và bền vững tại bán đảo nằm giữa lòng TP. HCM. Ảnh internet
Đến cuối năm 2015, Liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP. HCM chỉ định là nhà đầu tư Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn khoảng 30.700 tỷ đồng. Nhưng rồi sau đó nhà đầu tư cũng rút lui.
Đến giữa năm 2019, Chánh Văn phòng UBND TP. HCM cho biết, hiện có 5 doanh nghiệp nộp hồ sơ cho Sở Kế hoạch - Đầu tư để đấu thầu thực hiện Dự án Bình Quới - Thanh Đa. Trong đó, một nhà đầu tư sẵn sàng ứng 3 tỷ USD (gần 70.000 tỷ đồng) để triển khai Dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin nhà đầu tư đó triển khai các bước tiếp theo tại dự án lận đận này. Sau 32 năm, quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa gần như trở lại vạch xuất phát.
Hiện nay, khu vực Thanh Đa giống như một miền quê của TP. HCM - dù là khu vực trung tâm của Thành phố, chỉ mất khoảng 5-10 phút là di chuyển vào quận 1. Tại đây còn có những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ, với cây xanh mọc đầy, tạo nên một không gian rất đặc trưng, riêng có của TP. HCM.
Nằm trong cảnh quy hoạch treo 32 năm nay, người dân tại khu vực này đang khổ sở với cuộc sống tạm bợ của mình. Dự án nằm trong khu vực đã có quyết định thu hồi đất nên việc phân lô, tách thửa, cấp phép xây dựng đều bị cấm. Nhưng cũng đã từng ấy năm người dân vẫn chưa nhận được thông báo đo đạc, kiểm kê tài sản để thực hiện đền bù.