Chuyên gia hiến kế vực dậy doanh nghiệp giữa cơn bão thuế quan
Để vực dậy sức sống cho cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch HUBA cho rằng, chính sách hỗ trợ cần chuyển hướng mạnh mẽ: Ưu đãi thuế là chưa đủ, doanh nghiệp cần vốn và đầu ra
Tại Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại”, ngày 21/5, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, số doanh nghiệp rút lui đã gần chạm mốc một nửa của cả năm 2024 – tiếp nối làn sóng rút lui liên tục gia tăng suốt 3 năm qua, mà phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)
Dù kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt hơn 102 tỉ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ, nhưng theo ông Hòa, bức tranh xuất khẩu đang bị phân mảnh. Nhiều nhóm hàng chiến lược đối mặt nguy cơ mất đơn hàng sau tháng 6/2025.
“Người tiêu dùng toàn cầu vẫn thắt chặt chi tiêu. Đơn hàng giảm chỉ là phần nổi, điều đáng lo hơn là cánh cửa tiếp cận thị trường quốc tế đang hẹp dần, khiến dòng tiền doanh nghiệp bị bào mòn nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp đến khả năng tồn tại,” ông Hòa cảnh báo.
![]() |
Doanh nghiệp cần một hệ sinh thái chính sách linh hoạt, từ tín dụng, lãi suất, cải cách thủ tục hành chính đến hạ tầng logistics và xúc tiến thương mại mang tính đột phá với tác động kép. |
>>> TS Cấn Văn Lực hiến kế gỡ khó bài toán thuế đối ứng từ Hoa Kỳ
Trong khi đó, chính sách thương mại quốc tế liên tục thay đổi với tốc độ nhanh và đầy bất định. Năm 2022–2023, Mỹ dồn dập mở rộng điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế; EU siết chặt bằng hàng rào carbon CBAM. Đáng chú ý, khi Trung Quốc giảm xuất khẩu vào Mỹ, lượng hàng giá rẻ lại ồ ạt “đổ bộ” sang Việt Nam, khiến thị trường nội địa chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt.
Dự báo, từ năm 2026, khi CBAM chính thức áp thuế, chi phí sản xuất sẽ bị đội lên đáng kể. Làn sóng chủ nghĩa bảo hộ dự báo lan rộng, đặt Việt Nam vào thế bất lợi nếu không kịp thời cải cách. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp buộc phải tăng đầu tư để đáp ứng các yêu cầu khắt khe như truy xuất nguồn gốc, đo lường phát thải... một gánh nặng không nhỏ với các SME, vốn yếu về công nghệ và dòng tiền.
"Nếu không chuyển mình kịp, họ sẽ dần đánh mất lợi thế về giá và tốc độ giao hàng, những yếu tố sống còn trên thị trường quốc tế", Chủ tịch HUBA nhấn mạnh.
Theo khảo sát của HUBA, doanh nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chồng chất: sức mua yếu, thiếu vốn, chi phí đầu vào leo thang, khan hiếm lao động và đặc biệt là thiếu đơn hàng. Không chỉ vậy, năng lực quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn còn cách xa yêu cầu của môi trường hội nhập mới. Nhiều doanh nghiệp thậm chí vẫn đứng ngoài chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, không phải vì thiếu nhận thức, mà vì không đủ nguồn lực để bắt đầu.
Theo con số thống kê sơ bộ, chỉ khoảng 30 - 35% doanh nghiệp SME có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Trong khi vướng mắc lớn nhất của họ chính là không có tài sản thế chấp đủ điều kiện vay vốn. Đây là bài toán nan giải.
Do đó, để nâng cao sức cạnh tranh cho các SME, ông Hòa nhấn mạnh, cần một hệ sinh thái chính sách linh hoạt, từ tín dụng - lãi suất, cải cách thủ tục hành chính đến hạ tầng logistics và xúc tiến thương mại mang tính đột phá với tác động kép: khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn nới lỏng điều kiện và linh hoạt hơn trong chính sách cho vay, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Đồng thời, ông đề xuất xây dựng một không gian phục hồi và sáng tạo thông qua việc tổ chức thường xuyên các diễn đàn đối thoại công - tư, nơi các bên liên quan cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc theo từng ngành nghề cụ thể. Bên cạnh đó, đảm bảo kết nối chặt chẽ chuỗi cung ứng nội địa, từ doanh nghiệp nhỏ đến các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện.
Đặc biệt, ông Hòa kiến nghị, thay vì chỉ tập trung vào các chính sách ưu đãi thuế truyền thống, cần thiết phải đổ nguồn lực tài chính trực tiếp vào dòng chảy sản xuất và tạo ra đơn hàng cho doanh nghiệp.
"Ưu đãi thuế dù có thể giảm bớt gánh nặng về chi phí, nhưng nếu không có đủ vốn để duy trì sản xuất và không có đơn hàng ổn định thì doanh nghiệp khó có thể phát triển bền vững. Do đó, việc hỗ trợ tài chính cần được hướng vào việc duy trì dòng tiền cho nguyên vật liệu, chi phí vận hành, cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nhằm tạo ra đơn hàng thực tế, giúp doanh nghiệp duy trì năng lực cạnh tranh và tồn tại trên thị trường đầy biến động hiện nay", Chủ tịch HUBA nhận định.
>>>15 mặt hàng xuất khẩu tỷ đô trước 'lằn ranh' thuế Mỹ và bài học giữ vị thế cho hàng Việt