Thế giới

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: Đơn hàng bị hủy hàng loạt, doanh nghiệp giảm giá 80% ngay tại cảng

Trình Long 08/05/2025 - 15:08

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang khiến chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng toàn cầu rơi vào khủng hoảng, khi các nhà máy Trung Quốc tồn hàng, cắt giảm lao động còn doanh nghiệp Mỹ hoang mang hủy đơn và không thể tìm được nguồn thay thế kịp thời.

Khoảng 6.000 người tuyết bơm hơi và tượng nhỏ trang trí lễ hội đang chất đống trong nhà máy của ông Alan Chau tại Quảng Đông, không thể xuất đi đâu.

Lô hàng này vốn dành cho một công ty đồ chơi Mỹ bán trên kênh truyền hình mua sắm QVC trong chương trình “Giáng sinh vào tháng 7”. Nhưng sau khi Tổng thống Donald Trump nâng thuế lên tới 145% đối với hàng Trung Quốc, QVC lập tức dừng nhập lô hàng.

Ông Chau, người Hồng Kông, Trung Quốc đã làm việc trong ngành sản xuất đồ chơi hơn 20 năm, cho biết ông đang rơi vào tình trạng thiếu tiền trầm trọng - không có đủ tiền để trả cho công nhân. “Mỗi mắt xích trong chuỗi cung ứng này đang gãy vỡ. Ai cũng đang chịu tổn thương”, ông nói.

Ông nói rằng nếu Mỹ và Trung Quốc không sớm đạt được thỏa thuận, ông có thể phải tuyên bố phá sản. Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến bản thân ông, mà còn đến gia đình, công nhân, nhà cung cấp ở Trung Quốc và khách hàng tại Mỹ.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: Đơn hàng bị hủy hàng loạt, doanh nghiệp giảm giá 80% ngay tại cảng - ảnh 1
Đồ trang trí tại kho hàng Mindscope ở Glendale, California

“Bão thuế” lan rộng

Chính sách thuế quan của ông Trump đang gây chấn động cả hai bờ Thái Bình Dương, làm đảo lộn các chuỗi cung ứng toàn cầu từ đồ chơi, đồ nội thất đến giày dép. Theo Wall Street Journal, các nhà nhập khẩu Mỹ đang hoang mang, hủy hoặc hoãn đơn hàng trị giá hàng tỷ USD – một đòn giáng mạnh vào mùa mua sắm tựu trường và lễ hội cuối năm.

Trong khi đó, các nhà máy Trung Quốc buộc phải tạm ngừng dây chuyền sản xuất, cho công nhân nghỉ việc, hàng hóa sản xuất xong chất đống trong kho. Tại một nhà máy sản xuất quần áo nữ ở Thâm Quyến, chủ nhà máy đang phát trực tiếp chương trình “xả hàng” ngay tại cảng, đứng trước hàng chục container.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ không còn cách nào khác ngoài việc yêu cầu công ty vận chuyển “vứt bỏ” hàng giữa đường sau khi khách hàng Mỹ từ chối nhận. “Hàng bị quăng xuống biển hay bị thủy thủ giữ lại thì tôi cũng không rõ”, Dou Guowei - một chuyên gia tư vấn người Trung Quốc 30 tuổi nói.

Mỹ "quay cuồng" tìm nguồn thay thế

Theo dữ liệu năm 2024 từ Trung tâm Thương mại Quốc tế – một cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới – Trung Quốc là nhà cung cấp chính cho nhiều mặt hàng tiêu dùng tại Mỹ. Cụ thể, 74% đồ chơi và trò chơi, 87% đồ trang trí Giáng sinh (không bao gồm nến, đèn điện, cây thông Noel tự nhiên) và tới 97% pháo hoa nhập khẩu vào Mỹ đều có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ngoài ra, theo số liệu từ Cục Thống kê Mỹ, trong năm ngoái, nước này đã nhập khẩu tổng cộng 439 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu Mỹ như Robert Bohrer – chuyên mua đồ gia công kim loại từ Trung Quốc – nói rằng họ không thể nào theo kịp tốc độ leo thang thuế. Amazon, đối tác lớn của ông, đã dừng toàn bộ đơn hàng từ Trung Quốc. “Chúng tôi không thể cho hàng lên tàu khi còn chưa rõ chi phí thực tế là bao nhiêu”, Bohrer nói.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: Đơn hàng bị hủy hàng loạt, doanh nghiệp giảm giá 80% ngay tại cảng - ảnh 2
Robert Bohrer – chuyên mua đồ gia công kim loại từ Trung Quốc

Khi hàng tồn kho dần cạn kiệt, ông Bohrer bắt đầu chứng kiến tình trạng thiếu hàng và giá cả leo thang. Trước đây, ông và đối tác thường nhập khoảng một container mỗi tuần, mỗi container trị giá khoảng 100.000 USD.

Thế nhưng hiện tại, họ không còn lô hàng nào từ Trung Quốc đang trên đường vận chuyển. Đến ngày 1/5, ông buộc phải gửi email mà ông từng hy vọng sẽ không phải viết: thông báo với khách hàng rằng giá sản phẩm sẽ tăng, bắt đầu từ ngày 19/5.

Ông cho biết, trong vài tuần qua, ông đã liên tục gọi điện cho các mối liên hệ và cố gắng đặt hàng từ những nơi như Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, nhiều mặt hàng mà ông thường nhập chỉ được sản xuất tại Trung Quốc, hoặc nếu có ở nơi khác thì giá cũng cao hơn đáng kể.

Hasbro, nhà sản xuất G.I. Joe và Nerf, dù đã chuyển bớt sản xuất ra ngoài Trung Quốc, vẫn phụ thuộc gần 50% vào nước này. Các hãng lớn như Costco hay Williams-Sonoma cũng thừa nhận đã tích trữ hàng trước khi thuế tăng, nhưng nay buộc phải hạ dự báo lợi nhuận.

Ông Isaac Larian, CEO của MGA Entertainment – đơn vị cung cấp đồ chơi cho Walmart và Target – cho biết việc chuyển sản xuất về Mỹ đang diễn ra, nhưng cần thời gian. Ông kêu gọi chính quyền Mỹ tạm ngừng thuế 3 năm cho ngành đồ chơi để doanh nghiệp có cơ hội thích nghi.

Ngày 30/4, ông Trump đã lên tiếng trước những lo ngại rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ. “Có thể bọn trẻ sẽ chỉ có hai con búp bê thay vì 30”, ông nói trong một cuộc họp Nội các. “Và có thể hai con búp bê đó sẽ đắt hơn vài USD, nhưng đây không phải là điều khiến chúng ta phải quá lo lắng”, ông nói thêm.

Trung Quốc "lao đao" vì mất đơn hàng Mỹ

Tại công ty King Tree Handicraft ở Thâm Quyến – chuyên làm cây thông Noel xuất khẩu – nhu cầu từ Mỹ năm nay gần như bằng 0. “Lợi nhuận của chúng tôi chỉ vài phần trăm, không thể nào gánh nổi thuế”, một lãnh đạo nói.

Từ chỗ có 500-600 công nhân dịp này mọi năm, nay công ty chỉ giữ lại khoảng 100 người làm đơn hàng châu Âu. “Nếu khách Mỹ không đặt hàng trước tháng 6, sẽ không có Giáng sinh ở Mỹ năm nay”, bà nói.

Nhiều nhà sản xuất khác, vốn đã hoàn tất hàng hóa trước khi mức thuế mới được áp dụng, giờ đây chỉ còn cách bán tháo để thu hồi vốn.

Ông Ma Linhai, nhà sáng lập công ty may mặc Dongguan Bolin, mỗi tối đều xuất hiện trên ứng dụng video ngắn Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc), đứng trước hàng chục container tại Cảng Thâm Quyến để giới thiệu từng mẫu quần áo nữ đang tồn kho. Bên cạnh ông là một tấm biểu ngữ ghi rõ: “Hàng xuất khẩu bị kẹt – giảm giá 80% để thanh lý”.

Tối 25/4, khi đang phát trực tiếp phiên bán hàng như thường lệ, một cơn bão bất ngờ tràn qua cảng. Chiếc lều bạt dựng tạm của ông bị gió giật sập ngay giữa buổi phát sóng. Dù vậy, ông Ma và các cộng sự vẫn kiên trì tiếp tục chương trình livestream suốt hơn hai giờ sau đó.

Tìm kiếm nhà cung cấp mới

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: Đơn hàng bị hủy hàng loạt, doanh nghiệp giảm giá 80% ngay tại cảng - ảnh 3
Nhiều mặt hàng như pháo hoa, bàn chải đánh răng chuyên dụng…gần như chỉ có thể sản xuất với giá hợp lý tại Trung Quốc

Ông Jim Kennemer, Giám đốc Cosmo Sourcing, cho biết lượng khách hàng Mỹ tìm nhà cung cấp thay thế ở châu Á đã tăng vọt – từ 200 yêu cầu mỗi tháng thành 200 mỗi tuần. Nhưng các nhà máy tại Ấn Độ đều quá tải, nhiều nơi không đáp ứng được các sản phẩm tinh xảo.

Nhiều mặt hàng như pháo hoa, bàn chải đánh răng chuyên dụng…gần như chỉ có thể sản xuất với giá hợp lý tại Trung Quốc, nơi có cả hệ sinh thái từ nguyên liệu, nhân công đến hạ tầng.

Ông Alex Armas, một nhà nhập khẩu ở Puerto Rico, nói rằng đã mất 7 container hàng chỉ trong một ngày vì khách Mỹ hủy đơn. “Tôi đã tìm hướng đi khác suốt nhiều năm. Nhưng để thực sự chuyển đi, cần rất nhiều thời gian”.

George Balanchi, người sáng lập Mindscope Products – công ty sản xuất đồ chơi điều khiển từ xa – cho biết ông đã đóng băng toàn bộ đơn hàng với Trung Quốc sau khi thuế tăng. Ông ước tính đã mất hơn 1 triệu USD doanh thu mới, cùng 500.000 USD tiền đặt cọc. Dù vậy, ông vẫn vừa chuyển khoản cho đối tác Alan Chau số tiền còn lại cho lô người tuyết bơm hơi – không vì lợi nhuận, mà để giữ mối quan hệ. Họ đang lên kế hoạch chuyển một phần sản xuất sang Bangladesh.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: Đơn hàng bị hủy hàng loạt, doanh nghiệp giảm giá 80% ngay tại cảng - ảnh 4
George Balanchi, người sáng lập Mindscope Products

Ông Chau, người từng có 3 triệu USD doanh thu năm ngoái, giờ chỉ còn khoảng 15% đơn hàng so với thông thường. Từ 200 công nhân, ông chỉ giữ lại được 20 người. “Chúng tôi vẫn làm 30.000 quả bí ngô đặt hàng trước, nhưng bảo nhân viên làm từ từ. Vì chẳng có đơn hàng mới nào nữa” ông nói.

Tham khảo WSJ

>> 'Dội gáo nước lạnh' trước thềm đàm phán, ông Trump tuyên bố không hạ thuế trước cho Trung Quốc

Mỹ siết cửa ngõ cuối cùng, doanh nghiệp Trung Quốc điêu đứng: ‘Không thể bán gì cho Mỹ nữa’

Ông Trump nói doanh nghiệp Mỹ sẽ trải qua ‘thời kỳ chuyển tiếp’ do thuế quan

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-thu-2-the-gioi-lung-lay-don-hang-bi-huy-hang-loat-doanh-nghiep-giam-gia-80-ngay-tai-cang-141966.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: Đơn hàng bị hủy hàng loạt, doanh nghiệp giảm giá 80% ngay tại cảng
    POWERED BY ONECMS & INTECH