Chuyên gia KBSV và câu chuyện “quân số” ngành chứng khoán

12-02-2023 09:16|Mai Trang

Trải qua một năm 2022 đầy khó khăn với sự lao dốc về cả điểm số và thanh khoản, bên cạnh kết quả kinh doanh, câu chuyện “quân số” ngành chứng khoán cũng được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Chuyên gia KBSV và câu chuyện “quân số” ngành chứng khoán

Năm 2022, câu chuyện cắt giảm nhân sự trở thành một trong những “từ khóa” nổi bật trong bức tranh quản trị doanh nghiệp toàn cầu trong đó có Việt Nam… Đơn cử như nhóm doanh nghiệp bất động sản/môi giới bất động sản đã chứng kiến sự thanh lọc nhân sự số lượng lớn sau khi thị trường lặng sóng trước các thông tin bất lợi.

“Sau Tết, môi giới bất động sản vẫn đói khách”, "thanh khoản sụt giảm, khó khăn bủa vây thị trường bất động sản miền Trung", "hàng nghìn nhân viên bất động sản mất việc cuối năm 2022" hay “số lượng môi giới bất động sản giảm trên 60%” là thực tế dễ dàng bắt gặp trên các phương tiện báo chí, truyền thông những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố tại hội nghị thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 4 và cả năm 2022, số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể năm 2022 đã tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước kéo theo không ít sàn giao dịch và lượng lớn người làm môi giới bất động sản phải nghỉ việc.

Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế và thị trường chứng khoán - ngân hàng, nhiều nhà băng vẫn đang tiếp tục ghi nhận sự phát triển về quy mô nhân sự. Tính đến cuối năm 2022, các ngân hàng niêm yết đang có 274.097 nhân viên - tăng khoảng 6,5% so với đầu năm trong đó VPBank là ngân hàng có số lượng nhân viên lớn nhất trong 27 ngân hàng được khảo sát.

Cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp hoạt động tài chính và vừa trải qua một năm 2022 đầy khó khăn với sự lao dốc về cả điểm số và thanh khoản, bên cạnh kết quả kinh doanh, câu chuyện “quân số” ngành chứng khoán cũng được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Trong cuộc gặp gỡ đầu Xuân Quý Mão mới đây, ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh - Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã có những chia sẻ thực tế về ngành chứng khoán.

Chuyên gia KBSV và câu chuyện “quân số” ngành chứng khoán

Như đã đề cập phía trên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán không thuận lợi, tăng trưởng lợi nhuận của nhiều công ty chuyển âm, khi được hỏi về việc “các công ty chứng khoán đã “ứng xử” với bài toán nhân sự như thế nào trong năm 2022? Có sự đào thải lớn trong nội tại ngành?”, ông Nguyễn Đức Nhân chia sẻ: “Việc đào thải là tất yếu trong mỗi ngành sau một quá trình làm việc không chỉ riêng ngành chứng khoán”.

Theo chuyên gia Chứng khoán KB, giai đoạn thăng hoa của thị trường kể từ quý 2/2020 đến đầu năm 2022 được coi là đỉnh cao của lĩnh vực môi giới; bất cứ nhân sự nào cũng có thể làm được bởi nhu cầu đầu tư chứng khoán của chúng ta là rất lớn. Thậm chí, nhân viên môi giới không cần phải tư vấn tốt mà chỉ cần đưa ra sản phẩm dịch vụ là đã kéo được nhà đầu tư mở tài khoản và xuống tiền.

Sau giai đoạn này, thị trường chứng khoán đi xuống, VN-Index “hạ sơn” và nghề môi giới cũng đi theo diễn biến thị trường. Thị trường lên, nhà đầu tư tham gia nhiều và “quân số” ngành chứng khoán cũng tăng lên và ngược lại. Khi thị trường xuống giá, nhiều nhà đầu tư đang trong thị trường sẽ xuất hiện tâm lý bỏ cuộc trong khi những người đang có ý định tham gia sẽ cân nhắc lại chuyện có nên “vào”.

Minh chứng dễ thấy nhất cho luận điểm này chính là con số hơn 36.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 1/2023 - một mức thấp kỷ lục trong 2 năm trở lại đây.

“Trước đây, bất kỳ một ai cũng có thể làm môi giới được. Tuy nhiên khoảng một năm vừa rồi, số lượng môi giới nghỉ việc rất nhiều. Tôi cho rằng, con số nghỉ việc sẽ còn còn tăng nữa khi mà thị trường chứng khoán vẫn đang tiếp tục quá trình thanh lọc.

Với quan điểm cá nhân, tôi nghĩ điều này là cần thiết. Nói vậy là bởi lĩnh vực tư vấn và môi giới chứng khoán liên quan trực tiếp đến túi tiền của từng nhà đầu tư. Làm việc bằng cái tâm không phải chuyện đơn giản; trong thị trường giá xuống hoặc không thuận lợi, môi giới chứng khoán không còn là “cái nghề quốc dân” của mọi người, mọi nhà.

Chuyên gia KBSV và câu chuyện “quân số” ngành chứng khoán

Ở Việt Nam, dưới góc độ nào đó, nghề môi giới nói chung và môi giới chứng khoán nói riêng vẫn bị coi là “rẻ rúng”. Tuy nhiên ở nước ngoài thì khác; nó là công việc đỉnh cao của trí tuệ bởi việc tư vấn giúp người ta đi kiếm được tiền không phải là đơn giản (ngoại trừ lúc vào sóng hoặc thị trường bắt trend mạnh thì ai cũng đánh thắng và ai cũng có thể kiếm được tiền)”.

Ông Nhân cho biết, trong 2 năm thị trường nở rộ, ngoài đẩy mạnh lĩnh vực môi giới chứng khoán, lĩnh vực đào tạo nhân sự ngành (đào tạo đầu tư, đào tạo kỹ thuật,...) cũng rất phát triển và nở rộ như một vườn hoa bởi lúc đó tất cả phương pháp đều đúng. Khi mà thị trường đang lên, phương pháp vượt đỉnh cũng đúng, phương pháp điều chỉnh mua lúc giảm cũng đúng, phương pháp bắt đáy cũng đúng bởi vì bản chất người ta có mua sai ở ngày nào đó thì trong một thị trường tăng giá, trước sau gì giá cổ phiếu cũng sẽ vượt qua giá tại điểm nhà đầu tư mua vào.

Tuy nhiên đến khi thị trường xuống giá, mọi thứ bây giờ mới lật ngược ra, câu chuyện thực tế mới hiện rõ. Những nhân sự nào còn ngồi lại được đến thời điểm hiện tại hoặc là trong thời gian 6 tháng, 10 tháng hay một năm nữa mới là những người trụ được ở trong chứng trường đầy khốc liệt và tự đào thải này.

Chuyên gia KBSV và câu chuyện “quân số” ngành chứng khoán
Ông Nguyễn Đức Nhân - Giám đốc Trung tâm kinh doanh - Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Liên quan đến việc “các công ty chứng khoán đã giải quyết câu chuyện “cơm áo gạo tiền” của nhân viên môi giới bằng cách nào?”, ông Nguyễn Đức Nhân dẫn chứng: Chúng ta phải nhìn lại câu chuyện năm 2007, 2019 hay đầu năm 2020 khi nhân sự ngành chứng khoán nghỉ hoặc chuyển sang ngân hàng rất nhiều vì họ “không kiếm được”.

Thực tế về lương của môi giới chứng khoán, bên cạnh lương cơ bản, họ sẽ có thêm nguồn thu từ “hoa hồng/doanh số”. Bây giờ doanh số không có thì chỉ sau một thời gian ngắn công ty chứng khoán cũng sẽ cắt lương cơ bản. Nói cách khác, không có doanh số thì công ty chứng khoán sẽ không có lợi nhuận; thậm chí chi lương cho nhân sự sẽ “nuôi lỗ”.

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, chuyên gia Chứng khoán KB cho rằng việc chi tiền cho một nhân sự “không được việc” là không được; người ta có thể cố gắng chờ đợi mình 3 tháng, 6 tháng nhưng không để lâu hơn được và các công ty chứng khoán phải có hoạch định lại về mặt con người; những môi giới đủ cứng, mức độ chuyên nghiệp cao sẽ được giữ lại trong khi những “tay mơ” hoặc người làm tay trái sẽ bị đào thải. Đấy là xu thế chung của việc đào thải trong ngành chứng khoán.

Chứng khoán KB hiện cũng không nằm ngoài nhóm công ty chứng khoán khác. Hàng quý/năm, công ty đều thực hiện hoạt động review hiệu quả công việc của các cá nhân. Quý đầu, bạn có thể yếu theo thị trường nhưng mà quý 2, quý 3 hay 4 và tiếp tục yếu thì không được.

“Trong một thị trường hàng ngày giao dịch cả chục nghìn tỷ đồng, các bạn đừng nói câu chuyện không có doanh số được. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh doanh số lúc đấy sẽ tập trung vào những người giỏi nhất. Khi đó, cách mã môi giới quản lý tài sản cho khách hàng mới là chuyện quan trọng. Ở cương vị lãnh đạo/người quản lý trong hoàn cảnh như thế, tôi cho rằng câu chuyện bồi dưỡng các cán bộ chuyên viên bên dưới như thế nào cần phải được xem xét” ông Nhân nhấn mạnh.

"Nghề môi giới đôi khi “dễ đại trà” nhưng không dễ để chuyên nghiệp; ngoài việc môi giới viên phải có kiến thức nền tảng, năng lực bán hàng của họ cũng phải rất tốt. Và… trong một “thị trường có tâm lý”, bất kì môi giới nào ngoài giỏi nghề cũng phải cực thẳng tâm lý mới có thể làm việc được. Đây cũng là điều kiện để khi thị trường thanh lọc chúng ta đi lên một bước cao hơn. Theo vị chuyên gia, ngay kể cả công ty chứng khoán, nếu làm quản trị không tốt, quản trị rủi ro không tốt, quản trị nhân sự không tốt rồi cũng sẽ bị các công ty khác mua lại hoặc bị nước ngoài hay một đối thủ lớn hơn thâu tóm.

Những nhóm ngành nào nhà đầu tư cần chú ý trong tháng cuối năm 2024?

Cổ phiếu ngân hàng nào được dự báo tăng giá 42%, chuyên gia khuyến nghị mua?

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-gia-kbsv-va-cau-chuyen-quan-so-nganh-chung-khoan-169033.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Chuyên gia KBSV và câu chuyện “quân số” ngành chứng khoán
    POWERED BY ONECMS & INTECH