Giới phân tích cho rằng, vùng 1.260 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ quan trọng của VN-Index cho giai đoạn sắp tới.
Kết phiên giao dịch cuối tháng 4/2022, VN-Index dừng ở mức 1.366,8 điểm - giảm 125,35 điểm (-8,4%) so với cuối tháng 3; HNX-Index cũng giảm 83,79 điểm (-18,6%) xuống 365,83 điểm; UPCoM-Index giảm 12,73 điểm (-10,9%) xuống 104,31 điểm.
Thị trường chứng khoán đi xuống kèm theo thanh khoản sụt giảm mạnh. Tổng giá trị giao dịch bình quân trong tháng 4 đạt 26.299 tỷ đồng/phiên - giảm 18,8% so với tháng 3 trong đó giá trị khớp lệnh bình quân giảm 19,8% xuống còn 24.194 tỷ đồng/phiên.
Nhận định thị trường chứng khoán tháng 5/2022, ông Lê Ngọc Nam - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Tân Việt (TVSI) cho rằng, vùng 1.260 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ của thị trường cho giai đoạn sắp tới.
Ông Nam kỳ vọng thị trường có thể phục hồi về mức cao hơn với các động lực từ kết quả kinh doanh phục hồi, một số nhóm ngành có nội tại thực sự tốt phục hồi đồng thời nhóm ngân hàng vẫn đang là trụ đỡ cho thị trường.
Theo vị chuyên gia này, thị trường sẽ thiên về hướng đi ngang sideway nhiều hơn. Triển vọng thị trường nửa cuối năm sẽ phụ thuộc vào các thông tin như nâng hạng thị trường, doanh nghiệp hồi phục hoạt động kinh doanh.
Đối với các yếu tố vĩ mô, tác động từ lạm phát và xu hướng thắt chặt tiền tệ của Fed đang khó đánh giá nên nhà đầu tư phải theo dõi chặt chẽ. Nếu lãi suất tăng cao hơn 0,5 - 1 điểm %, thị trường có thể sẽ phải đón nhận cú sốc mới.
Tương tự, ông Vũ Minh Đức - Trưởng phòng Cao cấp Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC) đánh giá, thị trường tháng 5 có rất nhiều biến số không kiểm soát được như thế giới phản ứng thế nào trước động thái tăng lãi suất của Fed hay tình hình Nga - Ukraine làm ảnh hưởng ra sao tới chuỗi cung ứng thế giới. Quan trọng vẫn là đánh giá được tác động của các diễn biến tới nội tại của thị trường trong dài hạn.
Xét về mặt kỹ thuật, VN-Index đang chạm ngưỡng kháng cự. Nếu có thể kết tuần đầu tháng 5 ở trên mức 1.370 điểm thì chỉ số sẽ có tiền năng hồi trở lại về vùng 1.520 điểm. Ngược lại, chỉ số có thể rơi về vùng hỗ trợ 1.240 - 1.270 điểm.
Trước những biến động khôn lường thị trường thời gian qua, câu hỏi được đặt ra lúc này là thời điểm phù hợp để bắt đáy đã đến?
Theo ông Nam, dù thị trường đã giảm khá sâu nhưng không phải cổ phiếu nào cũng tốt nên nhà đầu tư phải rất cẩn trọng khi bắt đáy. Nếu thực sự cổ phiếu có triển vọng thì nên mua thành từng phần. Vị chuyên gia đánh giá ngành thủy sản, logistic, ngân hàng vẫn có triển vọng tốt.
Về phần mình, ông Đức nhận xét các nhóm ngành đang đồng pha với thị trường nên khó theo dõi theo từng nhóm. Kết quả kinh doanh quý I/2022 đã ra gần hết và có thể đã được phản ánh vào các nhịp tăng của cổ phiếu. Do đó, nhà đầu tư cần đánh giá lại các thông tin đang có tác động thế nào tới triển vọng của các nhóm ngành.
Rất khó tìm ra chiến lược đầu tư chung cho giai đoạn này. Nhà đầu tư nên cá nhân hóa chiến lược theo từng danh mục với sự tư vấn của môi giới. Đối với chiến lược dài hạn, nhà đầu tư không nên giữ margin cao, mua dần theo các nhịp giảm và sàng lọc cổ phiếu tốt để khi thị trường hồi phục thì cổ phiếu sẽ tăng tốt nhất.
Với chiến lược lướt sóng, nhà đầu tư phải rất rành về phân tích kỹ thuật hoặc có tham vấn chuyên gia vì bắt sai trong giai đoạn xả margin này là rất mạo hiểm.