Chuyên gia: Nền kinh tế thực đang rất khó khăn, đối mặt cùng loạt vòng gió xoáy
Trước những tác động tiêu cực từ các cơn gió ngược bên ngoài và bên trong nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn.
Phát biểu tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng Thời báo Ngân hàng sáng 25/7, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, từ cuối quý 3/2022 đến nay nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với hai "cơn gió ngược" từ bên ngoài và hai "vòng gió xoáy" ở bên trong.
Theo TS. Thành, trước những tác động tiêu cực từ các cơn gió ngược bên ngoài và bên trong nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn. Nếu như năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 8,0% chủ yếu dẫn dắt bởi tiêu dùng, xuất khẩu và phần nào là FDI thì sang năm 2023 các yếu tố này không còn.
Trong hai quý đầu năm, xuất khẩu giảm mạnh chưa từng có thiếu hụt đơn hàng, việc làm nhiều ngành cũng giảm sâu. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm và rời bỏ thị trường cao.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực còn duy trì xu hướng tích cực như tiêu dùng và bán lẻ…, trong đó đầu tư công giải ngân đạt 30,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 27,8% so với cùng kỳ 2022.
Kỳ vọng những cơn gió ngược bên ngoài giảm bớt, song TS. Thành cho biết, mục tiêu tăng trưởng 6,0 - 6,5% trong năm 2023 là rất thách thức theo ông mức trên 5% đã là rất nỗ lực.
Ông Thành cũng nêu ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng như: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp qua chính sách tiền tệ như tiếp tục giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất thị trường cùng thực hiện các gói tín dụng ưu đãi, đặc biệt là chính sách tài khóa như giãn giảm thuế phí.
Tiếp tục kích cầu tiêu dùng hỗ trợ nhóm lao động yếu thế, giảm VAT, thúc đẩy du lịch nội địa và thu hút khách du lịch nước ngoài bằng cách nới lỏng visa linh hoạt đối với các thị trường, tận dụng các FTA cũng như cơ hội.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể kỳ vọng sự phục hồi kinh tế từ Trung Quốc, đẩy mạnh thu hút FDI qua cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo bắt nhịp kỷ nguyên số, kinh tế xanh,…ông Thành nói.
Theo ông, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản, chúng ta đang triển khai sửa đổi pháp lý, hỗ trợ thị trường tài chính, tái cấu trúc thị trường bất động sản nhưng kết quả còn hạn chế.
Đồng thời, phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công được coi là trụ đỡ cho phục hồi tăng trưởng 2023, bên cạnh chương trình phục hồi phát triển có điều chỉnh các gói hỗ trợ, chuyên gia Võ Trí Thành nhấn mạnh.