Chuyện "lạ" đang diễn ra trên thị trường bất động sản: Lúc sốt đất giá cao tranh nhau mua, khi hạ giá lại e dè xuống tiền
Các cuộc lướt sóng diễn ra nhanh chóng. Những cuộc mua bán trao tay trong chớp nhoáng, đó là hiện trạng khi những đợt sốt đất diễn ra, thế nhưng khi giá hạ xuống, đỏ mắt vẫn không chốt được lô nào.
Nghịch lý trên thị trường địa ốc đang xảy ra, trong những cơn sốt đất, giá đất càng tăng, người mua sẵn sàng xuống tiền không do dự. Thậm chí, có người vay nóng chỉ để giành cho mình một suất đất chưa biết sẽ sinh lãi đến đâu. Nhưng, khi giá đất hạ, bán rẻ chẳng ai mua. Vì sao lại như vậy?
Chạy đua theo cơn sốt đất
Trở lại năm 2021 và hồi đầu năm 2022, khi sốt đất xuất hiện người người, nhà nhà lao vào đầu tư, bằng mọi cách họ sẵn sàng chi mạnh tay để cũng có cho mình một lô đất cho bằng ông này, bà kia và tự tin - sẽ có lời.
Giá đất càng tăng, người mua càng hào hứng xuống tiền. Họ lại tiếp tục nuôi kỳ vọng vào giá đất sẽ còn tăng, tăng nữa. Những người này không đắn đo đi mua đa dạng các loại hình bất động sản. Không chỉ là đất nền hay căn hộ chung cư, nhà phố, biệt thự mà cả những mảnh đất nông nghiệp, đất rừng cũng được cắt theo sào - rao bán.
“Khi thấy người khác mua đất và bán lãi, lòng tham của mỗi người đều dâng lên. Họ mua một lô đất đầu tiên, bán lãi. Họ lại tiếp tục muốn lãi hơn và bỏ tiền để mua. Thậm chí, họ sẵn sàng sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong cơn sốt đất, người mua chỉ muốn lướt và lo sợ rằng, nếu không xuống tiền sớm, họ sẽ đánh rơi cơ hội làm giàu vào người khác”, anh Dũng (môi giới đến từ Hà Nội) chia sẻ.
Chính môi giới này thừa nhận: “Thời điểm sốt đất, tôi môi giới thành công 3 lô đất nền khi mới vào nghề chưa tròn 1 tháng. Vì thấy lời, tôi đổ tiền tiết kiệm ra mua, sau đó lại vay ngân hàng. 5 cuốn sổ đỏ là 5 khoản vay ngân hàng, vì nghĩ chắc chắn có lời, tôi cứ mua”.
Cắt lỗ thoát hàng
2 năm gần đây, trào lưu bỏ phố về quê hoặc bỏ phố về rừng khiến đất nông thôn vùng ven, đất rừng cũng tăng giá nhanh. Tuy nhiên, có lẽ mọi chuyện không đơn giản và "dễ ăn" như vậy.
Đang mắc kẹt tại mảnh đất hơn 2ha ở Văn Chấn (Yên Bái) để làm homestay, chị N.T.M chia sẻ: được một số người bạn khuyên phải chớp thời cơ dịch bệnh, xây homestay kinh doanh, chị vay tiền bạn bè, cắm sổ đỏ... để xây dựng một homestay kiếm lời. Song, làm thì dễ, vận hành mới khó. Chỉ hoạt động được khoảng 6 tháng, chị N.T.M đã phải rao bán cắt lỗ hàng tỷ đồng.
Đến nay thị trường bất động sản đã “hạ nhiệt” thậm chí một số nhà đầu tư đã bắt đầu cắt lỗ để thoát hàng nhưng vẫn không có thanh khoản. Tình cảnh này trái ngược hoàn toàn khi giá đang tăng cao.
Giá bất động sản liên tục ghi nhận tình trạng giảm giá và thậm chí cắt lỗ sâu. Những nền đất thổ cư ở khu vực vùng ven Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thảnh khác giảm trung bình từ 10-30%. Đất sào, đất nương rẫy,… từng được quảng cáo với giấc mơ “bỏ phố về quê” xây homestay, nơi nghỉ dưỡng cũng chào bán cắt lỗ 20 - 40%. Mức giá liên tục giảm. Người bán cần tiền giảm giá, không ai mua, họ lại tiếp tục giảm thêm. Nhưng người mua vẫn hờ hững.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, tâm lý dè chừng có thể là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến việc giá giảm nhưng không có người mua. Thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ việc thắt chặt tín dụng của ngân hàng và khó khăn liên quan pháp lý dự án.
Với những người mua thực, họ biết rằng đây là thời điểm tốt để xuống tiền. Thế nhưng, lãi suất tăng cao khiến quyết định mua nhà của họ không dễ dàng. Không ít người “ngắm nghía” được chốn an cư nhưng gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay, hoặc vay với lãi suất cao. Điều này cũng vô tình trì hoãn có được chốn an cư trong lúc thị trường có nhiều cơ hội mua nhà giá tốt.
Mặt ngược lại, tâm lý e dè còn xuất phát từ việc nhiều người thiếu niềm tin vào thực tế thị trường. Bên cạnh việc chưa ra quyết định vì lãi suất cao, thì không ít người tỏ ra “ngờ vực” với mặt bằng giá bất động sản hiện tại.
Theo chuyên gia, khi sốt đất mới nhảy vào thị trường bất động sản đa phần là lướt sóng kiếm lời, và họ mua chủ yếu dựa vào tiền đi vay. Ví dụ, họ mua mảnh đất giá 10 đồng nhưng chỉ có 3 đồng, còn 7 đồng đi vay nên họ lướt lát nhanh chóng kiếm ít lời hoặc mới chỉ cọc và tìm khách bán ngay. Đây là lý do tại sao cứ khi đất nóng người ta mới đổ xô đi mua theo phong trào.
Đầu tư bất động sản cần nhiều thời gian, nay mua, mai bán cũng chỉ kiếm được ít lời, nếu đột ngột thị trường hạ sốt sẽ bị chôn vốn, người nào đi vay sẽ không chịu được áp lực tài chính mà phải bán cắt lỗ. Sự phục hồi thanh khoản của thị trường phụ thuộc lớn vào các yếu tố chính sách tín dụng, Luật đất đai, pháp lý. Còn thực tế, nhu cầu về bất động sản vẫn còn rất lớn trên thị trường, chuyên gia chia sẻ.
Bình Định sắp đấu giá đất xây khu đô thị gần 1.000 tỷ đồng
Sau khi công bố danh mục đấu giá, tiến độ 9 khu đất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giờ ra sao?