Chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán: Kỳ vọng càng lớn - chờ đợi mỏi mòn

24-06-2022 10:18|Anh Tú

MSCI vừa công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới trong đó Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng.

Kỳ vọng gỡ nút thắt 

Trên thế giới, việc nâng hạng thị trường chứng khoán hiện đang được một số tổ chức xếp hạng và đánh giá thông qua các bộ chỉ số để hỗ trợ cho các nhà đầu tư quốc tế trong đánh giá các cơ hội đầu tư vào các thị trường trên toàn cầu. Với thị trường chứng khoán Việt Nam, 2 tổ chức đang được nhắm mục tiêu được nâng hạng là MSCI và FTSE Russell.

30.jpg

Phải nhấn mạnh rằng, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ thị trường chứng khoán nào trên thế giới bởi việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng trên như MSCI hay FTSE Russell đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cơ quan này đã và đang nỗ lực để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường bao gồm: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên thị trường chứng khoán; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.

Theo thông báo của tổ chức FTSE Russell vào tháng 4/2022, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách tiềm năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. FTSE Russell đã nhận thấy UBCKNN đã có nhiều cuộc đối thoại với các thành viên thị trường và có các sáng kiến để cải thiện khung pháp lý cũng như thực tiễn thanh toán.

Tổ chức này cho rằng, các hoạt động trao đổi với các thành viên thị trường sẽ là các hoạt động quan trọng tiếp theo, bao gồm thu thập ý kiến và ra quyết định về các quy trình triển khai thực tiễn, cùng với các yêu cầu về vai trò và trách nhiệm của các bên nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý mới.

Trong kết quả rà soát 2021 của MSCI, tổ chức này cũng đã tiếp tục nhận định nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đáp ứng các giới hạn sở hữu nước ngoài; vẫn có các yêu cầu về đảm bảo tiền và chứng khoán trước khi giao dịch; thông tin liên quan đến doanh nghiệp không phải lúc nào cũng sẵn có bằng tiếng Anh; thủ tục đăng ký tài khoản chứng khoán là bắt buộc và phải có sự phê duyệt của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và Việt Nam không có thị trường tiền tệ ở nước ngoài, trong khi thị trường tiền tệ ở trong nước còn nhiều hạn chế như giao dịch ngoại hối phải được liên kết với thị trường chứng khoán.

Theo lãnh đạo UBCKNN, để đảm bảo sự kết nối thông suốt với các tổ chức xếp hạng, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tích cực trao đổi, thảo luận với các bên liên quan về các chính sách, thực tiễn thị trường và các giải pháp liên quan đồng thời UBCKNN trao đổi với các cơ quan bộ ngành, hiệp hội, thành viên thị trường và các nhà đầu tư nhằm tháo gỡ các vấn đề liên quan nhằm được nâng hạng.

Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2020, đặc biệt là các nội dung về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường công khai, minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời; nghiên cứu và đưa chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết vào thị trường giao dịch.

Lãnh đạo UBCKNN cho biết thêm, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên thị trường chứng khoán để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan như: Phát triển và đa dạng các sản phẩm phái sinh, đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán; tăng cường quản trị công ty, công bố thông tin về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) để gia tăng chất lượng cổ phiếu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến nội dung xanh và phát triển bền vững.

Thất vọng vì còn nhiều bất cập

Ngày 24/6/2022, MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 thị trường chứng khoán trên thế giới trong đó Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).

Kết quả này có lẽ cũng không quá bất ngờ vì đánh giá của MSCI về thị trường Việt Nam đang thay đổi theo hướng tiêu cực hơn. Trong đánh giá năm nay, MSCI nhấn mạnh tới vấn đề room ngoại trên thị trường Việt Nam và cho rằng “các vấn đề về room nước ngoài đang tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam”.

Đáng chú ý hơn, 9 tiêu chí định lượng về thị trường của Việt Nam bị gắn nhãn "-", tức chưa đáp ứng được yêu cầu của MSCI bao gồm:

“Giới hạn sở hữu nước ngoài”, “room ngoại còn lại”, “quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài”, “mức độ tự do trên thị trường ngoại hối”, “luồng thông tin”, “thanh toán bù trừ”, “khả năng chuyển nhượng”, “cho vay chứng khoán” và “bán khống”.

Hiện nay, những tiêu chí này đã bị gắn nhãn "-", tức chưa đạt yêu cầu của MSCI. Có vẻ như hành trình để nâng lên thị trường mới nổi với Việt Nam vẫn còn khá gian truân.

Đánh giá cụ thể của MSCI về thị trường chứng khoán Việt Nam như sau:

Giới hạn sở hữu nước ngoài: Các công ty ở một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài từ 0% cho tới 51%. Những giới hạn này vẫn tác động tới hơn 10% cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Room ngoại còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài: Thị trường cổ phiếu chịu ảnh hướng lớn từ vấn đề room nước ngoài. Hơn 1% của chỉ số MSCI Vietnam IMI bị tác động bởi room nước ngoài thấp.

Quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài: Một số thông tin doanh nghiệp vẫn không có tiếng Anh. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.

Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối: Hiện chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và thị trường giao dịch trong nước còn hạn chế (giao dịch ngoại tệ phải liên quan tới giao dịch chứng khoán).

Đăng ký đầu tư và mở tài khoản: Đăng ký giao dịch là bắt buộc và việc mở tài khoản cần được VSD thông qua.

Các quy định về thị trường: Các quy định về thị trường chưa có đầy đủ bằng tiếng Anh.

Luồng thông tin: Các thông tin về thị trường chứng khoán thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết.

Thanh toán và bù trừ: Không có công cụ vay thấu chi và giao dịch cần ứng tiền trước.

Khả năng chuyển nhượng: Một số giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật cần được UBCK chấp thuận.

msci.png

Những thay đổi trong báo cáo đánh giá của MSCI

Gần đây, vấn đề nâng hạng thị trường cũng thu hút sự chú ý của Chính phủ Việt Nam bởi lẽ nếu được nâng hạng, dòng vốn vào Việt Nam sẽ còn dồi dào hơn nữa.

Hiện tại cũng đã có những nỗ lực đẩy mạnh quá trình nâng hạng này. Trong chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, UBCKNN đã hợp tác với sàn NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.

Tuy vậy, chặng đường nâng hạng của Việt Nam có vẻ vẫn còn xa. Theo dự báo của ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research, ít phải đến năm 2025, chứng khoán Việt Nam mới có thể chính thức nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Dòng tiền ETF liên tục ‘tháo chạy’ khỏi thị trường Đông Nam Á

Ấn định ngày vận hành KRX, chuyên gia chỉ điểm 9 cổ phiếu đón sóng nâng hạng

‘Sóng’ to thì gió lớn, thị trường chỉnh là cơ hội để mua?

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chuyen-nang-hang-thi-truong-chung-khoan-ky-vong-cang-lon-cho-doi-moi-mon-137204.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán: Kỳ vọng càng lớn - chờ đợi mỏi mòn
POWERED BY ONECMS & INTECH