OCB vừa trải qua năm 2023 với biến động mạnh về nhân viên, kinh doanh giảm sút, tỷ lệ nợ xấu gia tăng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán OCB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất 2023 đã kiểm toán với rất nhiều thông tin khiến nhà đầu tư chú ý.
Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn thu nhập bằng chục thành viên HĐQT cộng lại
Kết thúc mỗi năm tài chính, nhà đầu tư ngoài sự quan tâm tới doanh nghiệp, tới kết quả kinh doanh, còn xem các lãnh đạo doanh nghiệp, ngân hàng nhận mức thù lao có tương xứng với thành tích mà doanh nghiệp, ngân hàng đạt được hay không.
Tại OCB, bảng thu nhập, thù lao của các lãnh đạo khiến nhiều người bất ngờ. Tính tổng, năm 2023, OCB chi hơn 55 tỷ đồng trả thù lao cho các “sếp”, giảm 7,8 tỷ đồng tương ứng giảm 13% so với năm ngoái và chiếm khoảng 1,67% tổng lợi nhuận sau thuế đạt được cả năm.
Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty, nhận mức thù lao cao nhất, 13,48 tỷ đồng, giảm 1,6 tỷ đồng so với mức nhận hơn 15 tỷ đồng năm ngoái. Riêng số thù lao “sếp lớn” OCB nhận về bằng gần chục thành viên HĐQT còn lại cộng vào.
Người nhận mức thù lao lớn thứ 2 tại OCB là “sếp tổng” Nguyễn Đình Tùng, với 11,28 tỷ đồng, giảm 1,2 tỷ đồng so với năm ngoái.
Riêng Chủ tịch và Tổng Giám đốc OCB nhận về mức thù lao xấp xỉ 25 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng thù lao ngân hàng trả cho HĐQT và Ban Tổng Giám đốc.
Hai "sếp" nhận thù lao cao nhất OCB, gần bằng 50% tổng thù lao trả cho toàn bộ lãnh đạo |
Tại OCB, người thân ông Trịnh Văn Tuấn còn có cô con gái Trịnh Thị Mai Anh, là thành viên HĐQT. Bà Mai Anh nhận mức thù lao 2,67 tỷ đồng - lớn hơn rất nhiều so với mức các thành viên HĐQT khác được nhận.
Riêng Ban Kiểm soát nhận về tổng 2,52 tỷ đồng, cũng giảm gần 200 triệu đồng so với năm ngoái.
Tại OCB, "giàu" nhất vẫn là ông Trịnh Văn Tuấn, nắm giữ hơn 91,11 triệu cổ phiếu OCB, tương ứng tỷ lệ 4,43%, giá trị xấp xỉ 1.400 tỷ đồng. Vợ ông Tuấn cũng là "bông hoa nghìn tỷ", dù không giữ chức vụ lãnh đạo tại OCB, nhưng bà Cao Thị Quế Anh, lại khá “nổi” trên thương trường. Bà Quế Anh sở hữu hơn 66 triệu cổ phiếu OCB, tỷ lệ 3,21%, giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ái nữ của ông Tuấn, cũng là vị thành viên HĐQT, nhận thù lao cao nhất trong các thành viên HĐQT còn lại, cũng đang sở hữu hơn 60,4 triệu cổ phiếu OCB tương ứng tỷ lệ 2,94%, giá trị thị trường xấp xỉ 900 tỷ đồng.
Ông Trịnh Văn Tuấn và con gái Trịnh Thị Mai Anh |
>> Khối tài sản ‘khủng’ của gia đình Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn và bí ẩn Công ty Hướng Việt
Nhân viên liên tục biến động, thu nhập không tăng suốt cả năm qua
Theo báo cáo, năm 2023 vừa qua OCB đã gia tăng tuyển dụng, tổng số nhân viên đến cuối năm 6.822 người, tăng 770 người so với thời điểm đầu năm.
Tuy vậy, ở phần tính thu nhập lương bình quân, OCB cho biết tổng số nhân viên bình quân trong năm là 6.353 người, giảm 320 người so với bình quân năm ngoái (6.673 người). Con số này có với quân số OCB đầu năm và cuối năm cho thấy OCB là ngân hàng liên tục có biến động về nhân sự trong năm, số tuyển vào rất lớn, nhưng số nhân viên rời đi cũng rất cao.
Tổng thu nhập của nhân viên OCB trong năm gần 1,94 tỷ đồng, trong đó gần 1,7 tỷ đồng trả lương; tiền thưởng giảm một nửa so với năm ngoái, chỉ còn hơn 241 triệu đồng.
Dù thu nhập lương bình quân tăng, nhưng thưởng giảm sút nên bình quân mức thu nhập chung của nhân viên OCB đạt 25,44 triệu đồng, tăng nhẹ chỉ 55.000 đồng trong năm qua.
Lợi nhuận sau thuế "bốc hơi' 875 tỷ đồng sau kiểm toán, nợ xấu gia tăng
Trong khi các "sếp" nhận thù lao hàng chục tỷ đồng, nhân viên không được tăng lương, thì tình hình kinh doanh của OCB lại giảm sút, nợ xấu tăng cao.
Về tình hình kinh doanh, OCB vừa công bố BCTC kiểm toán năm 2023 trong đó cho thấy lợi nhuận bị "thổi bay" 875 tỷ đồng sau kiểm toán, tương ứng bị điều chỉnh giảm 20,9% so với số liệu công ty tự lập. Lợi nhuận sau thuế còn lại hơn 3.303 tỷ đồng, giảm 5,9% so với năm trước đó.
Tổng dư cho vay khách hàng đến cuối năm đạt 147.206 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ; trong đó tập trung vào cho vay doanh nghiệp và khách hàng cá nhân trong nước, hơn 144.000 tỷ đồng. OCB năm vừa qua đã đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, từ dư nợ hơn 70.500 tỷ đồng đầu năm, lên 92.00 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp chiếm khoảng 63% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu gia tăng mạnh, từ 2,22% đầu năm lên 2,65%. Nợ xấu nhóm 3, 4, 5 hơn 3.900 tỷ đồng; ngoài ra OCB còn có khoản nợ chờ xử lý có tài sản xiết nợ gần 3.000 tỷ đồng – tăng mạnh so với con số chục tỷ đầu năm. Tương ứng tổng nợ xấu của OCB đến khoảng 6.900 tỷ đồng. Tổng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trong năm lên hơn 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 900 tỷ đồng so với cùng kỳ.
OCB cũng là một trong số các ngân hàng dùng kênh huy động qua trái phiếu lớn. Báo cáo ghi nhận tổng giá trị giấy tờ phát hành có giá của OCB đến cuối năm đạt 37.808 tỷ đồng, tăng 5.800 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó trái phiếu kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 5 năm đạt hơn 29.000 tỷ đồng, chiếm gần 77% tổng giá trị trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi phát hành.
>> OCB: Chồng là Chủ tịch ngân hàng, 2 công ty liên quan đến vợ vay… 110 tỷ đồng
Một "mối lo" khác của nhà đầu tư khi nhìn vào BCTC của OCB là các tài sản thế chấp tại ngân hàng. Cho vay doanh nghiệp gia tăng, OCB cũng nhận tài sản thế chấp là các bất động sản lượng lớn. Các giấy tờ có giá nhận thế chấp của OCB đạt 304.769 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ; trong đó riêng giá trị bất động sản chiếm gần 60% tổng giá trị tài sản thế chấp, lên gần 180.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, khối tài sản thế chấp 180.000 tỷ đồng tại OCB là con số khổng lồ.