Tài chính Ngân hàng

Cơ hội thu hút “nguồn lực vàng” kiều hối cho thị trường bất động sản

Khúc Văn 01/03/2024 - 09:59

Theo các chuyên gia, kiều hối không chỉ giúp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo ra nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển bất động sản.

Kiều hối - “nguồn lực vàng” thúc đẩy tăng trưởng

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong năm 2023, lượng kiều hối ước đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. TP. HCM tiếp tục là địa phương nhận lượng kiều hối lớn nhất, lên tới gần 9,5 tỷ USD, chiếm khoảng 60% cả nước.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kiều hối về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đến cuối năm 2024 có thể đạt 14,4 tỷ USD. Theo WB ước tính, trung bình 3 năm gần đây Việt Nam đã nhận tới 17 tỷ-18 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối trở thành “điểm sáng” của Việt Nam và duy trì vị trí trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới và trong top 3 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cơ hội thu hút “nguồn lực vàng” kiều hối cho thị trường bất động sản
TP. HCM tiếp tục là địa phương nhận lượng kiều hối lớn nhất, lên tới gần 9,5 tỷ USD, chiếm khoảng 60% cả nước.

Ông Đinh Thế Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp lưu trữ Việt Nam khẳng định: “Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nguồn ngoại tệ về trong nước, từ đó cung cấp ngoại tệ phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu thiếu nguồn lực quan trọng này thì kinh tế sẽ gặp khó khăn”.

>>Một huyện tại Nghệ An thu về hơn 250 triệu USD kiều hối

Cũng theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Năm 2023, kinh tế toàn cầu đều khó khăn nên dòng tiền của người Việt về Việt Nam có sụt giảm là chuyện bình thường, tuy nhiên với mức kiều hối đạt 16 tỷ USD là rất cao”.

Điều này cho thấy sự tin tưởng của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài vào tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi trong nước, cùng với cơ chế, chính sách của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thu hút kiều hối.

Do đó, theo ông Thịnh, để tăng cường thu hút “nguồn lực vàng” này, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục cần có những chính sách nhằm tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thay đổi môi trường đầu tư theo hướng tích cực.

Đặc biệt, cũng cần có nhiều chính sách “nắn” kiều hối chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các kênh đầu tư tốt thông qua việc tạo ra môi trường đầu tư tốt, thuận lợi cũng như phát triển các thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán chuyên nghiệp, hiệu quả hơn để thu hút đầu tư.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế có bổ sung thêm về giải pháp thu hút. Theo đó, chính quyền cần có chính sách tạo thuận lợi cho Việt kiều đầu tư về trong nước, ví dụ thông thoáng hơn trong việc tiếp cận đất đai của người Việt Nam ở nước ngoài.

Còn đối với người nhận tiền kiều hối do kiều bào từ nước ngoài gửi về, cũng cần khuyến khích họ sử dụng một phần tiền tiêu dùng, phần còn lại thì đầu tư vào các dự án tại Việt Nam.

Cơ hội thu hút nguồn kiều hối chảy vào thị trường bất động sản

Ở một góc độ khác, dòng tiền Việt Kiều đầu tư không chỉ giúp hỗ trợ phát triển kinh tế mà còn tạo ra nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển bất động sản.

Kiều hối góp phần tăng cung cấp vốn cho hoạt động đầu tư bất động sản mà không phải trả nợ nước ngoài. Đây là lợi ích lớn nhất của dòng tiền kiều hối vì giúp thị trường hạn chế sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài. Nhờ đó, bất động sản trong nước sẽ không còn phải chịu rủi ro quá lớn trong tình hình biến động của thị trường tài chính quốc tế.

Cơ hội thu hút “nguồn lực vàng” kiều hối cho thị trường bất động sản
Nếu thiếu nguồn lực kiều hối quan trọng này thì kinh tế sẽ gặp khó khăn.

Đề cập đến việc này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, trong 3 năm trở lại đây, nguồn kiều hối đổ vào bất động sản hạn chế hơn trước nhiều so với giai đoạn trước dịch bệnh.

“Trước đây, nhiều người ở nước ngoài, thậm chí những người hưu trí gửi tiền về cho người thân trong nước khá nhiều để mua bất động sản, nhưng trong và sau dịch bệnh thì lượng tiền gửi đã chậm hơn”, ông Hiếu cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, khi thị trường bất động sản chưa trở nên sôi động thì dòng kiều hối đổ về để đầu tư vào bất động sản có lẽ cũng chưa sôi động.

>>Kiều hối về Việt Nam tăng kỷ lục, do đâu?

Chia sẻ về việc các luật mới đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc sở hữu nhà trong nước của kiều bào, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (HoREA) cho biết, không chỉ Luật Đất đai (sửa đổi) mà Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi) Quốc hội thông qua hồi cuối năm 2023 khi có hiệu lực sẽ tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản. Từ đó, giúp thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng cho biết hiện khoảng 4 triệu người bao gồm người nước ngoài và Việt kiều muốn mua nhà ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang đổ mạnh vào Việt Nam sẽ thu hút người nước ngoài đến sinh sống, làm việc lâu dài. Đó là cơ hội cho các chủ đầu tư bất động sản phát triển hằng năm.

Tuy nhiên, ông Châu cũng thẳng thắn rằng, dù luật mới có cởi mở hơn trước nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều rào cản trong việc sở hữu nhà, đất của kiều bào.

Cụ thể, một số vướng mắc như vấn đề cấp sổ hồng cho người nước ngoài, bao gồm cả Việt kiều đã mua căn hộ tại Việt Nam. Ông Châu dẫn thống kê từ 17 doanh nghiệp bất động sản đến năm 2020, có 14.000 người nước ngoài mua căn hộ tại Việt Nam mà chưa được cấp sổ hồng riêng. Trong đó, tại TP HCM có 11.000 căn.

Ngoài ra, còn một trở ngại nữa liên quan người nước ngoài là Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) vẫn chưa cho người nước ngoài được sở hữu quyền sử dụng đất do có liên quan đến quy định nhà ở gắn liền đất ở, căn hộ chung cư có thời hạn sử dụng.

Cùng chung quan điểm với lãnh đạo HoREA về những rào cản chưa thể tháo gỡ, song TS. Hiếu vẫn đánh giá bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, đặc biệt trong trung và dài hạn và đây cũng là kênh hứa hẹn thu hút nhiều nguồn lực kiều hối đầu tư.

>>Kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2023 đạt gần 9,5 tỷ USD

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-hoi-thu-hut-nguon-luc-vang-kieu-hoi-cho-thi-truong-bat-dong-san-224655.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cơ hội thu hút “nguồn lực vàng” kiều hối cho thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS & INTECH