'Cỗ máy in tiền' của nước Mỹ tạo ra 2 triệu USD mỗi phút

08-05-2024 07:03|Hoàng Yến

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không vội vã hạ lãi suất, Phố Wall đang có một cuộc “di cư” lớn khi các nhà đầu tư quay trở lại đổ xô vào các tài sản mang lại thu nhập cố định.

Sau khi lãi suất cơ bản của Mỹ nhảy vọt từ mức gần 0% lên hơn 5% chỉ trong 2 năm, lần đầu tiên sau nhiều năm trái phiếu Kho bạc Mỹ quay trở lại với đúng định nghĩa của mình: loại tài sản mang lại nguồn thu nhập cố định mà các nhà đầu tư có thể yên tâm dựa vào trong nhiều năm dù lợi suất luôn biến động thất thường. Trước đó, trong suốt thời gian Mỹ duy trì lãi suất chính sách ở mức gần 0 trong gần 2 thập kỷ, vai trò này đã gần như biến mất.

Năm ngoái, các nhà đầu tư đã “bỏ túi” gần 900 tỷ USD tiền lãi từ trái phiếu Mỹ, cao gấp đôi so với mức trung bình trong suốt thập kỷ trước đó.

Hồi tháng 2, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đã dự báo số tiền lãi và cổ tức mà Chính phủ Mỹ phải trả cho các nhà đầu tư cá nhân sẽ tăng lên mức 327 tỷ USD trong năm nay, cao hơn gấp đôi so với thời kỳ những năm 2010. Trong thập kỷ sắp tới, con số sẽ còn tiếp tục tăng. Chỉ trong tháng 3, đã có 89 tỷ USD tiền lãi được chi trả cho các trái chủ - tương đương gần 2 triệu USD mỗi phút.

'Cỗ máy in tiền' của nước Mỹ: Tạo ra 2 triệu USD mỗi phút, nhà đầu tư đổ xô mua vào sau cả 1 thập kỷ 'quay lưng'
Phố Wall đang đổ xô đầu tư vào các loại trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu Kho bạc Mỹ

Có 2 xu hướng đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Đầu tiên, mặc dù lạm phát đã đến gần hơn với ngưỡng mà Fed đề ra để quyết định sẽ xem xét cắt giảm lãi suất, tốc độ quay về mục tiêu 2% đã chậm lại đáng kể. Điều đó khiến toàn thị trường suy nghĩ rằng Fed sẽ chỉ hạ lãi suất vào nửa cuối của năm thay vì ngay từ đầu năm hoặc giữa năm như dự đoán trước đây.

Nguyên nhân thứ hai và quan trọng hơn là nền kinh tế Mỹ vẫn tỏ ra hùng mạnh (dù có một số dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang diễn biến tiêu cực). Điều này đồng nghĩa Fed sẽ không cần phải hạ lãi suất khẩn cấp.

>> Chuyên gia kinh tế: Fed đang mắc sai lầm lớn khi không cắt giảm lãi suất ngay bây giờ

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần nhấn mạnh cách tiếp cận “chờ đợi và quan sát” này trong các bài phát biểu gần đây. Thị trường hiện dự báo từ nay đến cuối năm sẽ chỉ có 2 lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 0,25%. Đầu năm nay số lần cắt giảm được dự báo lên tới 6.

Kết quả là những tài sản an toàn như trái phiếu Mỹ - kỳ hạn từ 1 tháng tới 30 năm – giờ đây trở thành loại tài sản mà mọi người có thể tìm đến để có được nguồn thu nhập ổn định.

'Cỗ máy in tiền' của nước Mỹ: Tạo ra 2 triệu USD mỗi phút, nhà đầu tư đổ xô mua vào sau cả 1 thập kỷ 'quay lưng'
Các quỹ đầu tư trái phiếu đã hút ròng 191 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay

Điều trớ trêu là nguồn thu nhập này có thể sẽ là nguyên nhân khiến Fed giữ quan điểm neo lãi suất “ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn”. Trên Phố Wall, một bộ phận nhỏ nhưng ngày càng đông đảo các nhà đầu tư lập luận rằng cùng với giá cổ phiếu tăng thì khoản lãi từ các loại trái phiếu đang tạo ra “hiệu ứng của cải” trong xã hội Mỹ. Những khoản lãi này giống như “tiền trực thăng”, những tấm séc kích thích kinh tế tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ đang tỏ ra khỏe mạnh một cách đáng ngạc nhiên.

Tất nhiên, quan điểm phổ biến của các nhà đầu tư rót tiền vào trái phiếu Kho bạc là họ sẽ không mất tiền và kiếm được khoản lãi dù có thể thấp hơn cổ phiếu nhưng ổn định hơn và chắc chắn sẽ cao hơn lạm phát. Tình trạng thua lỗ trong những năm gần đây do lạm phát tăng vọt và lãi suất siêu thấp giờ đây đã chấm dứt.

Theo dữ liệu của EPFR, các quỹ đầu tư trái phiếu đã thu hút được 300 tỷ USD trong năm 2023 và 191 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay, trong khi năm 2022 vẫn đang bị rút ròng. Mô hình tính toán của Fed cho thấy trái phiếu đang hấp dẫn hơn so với cổ phiếu Mỹ ở mức độ lớn nhất kể từ năm 2002. Nhà đầu tư tự hỏi “tại sao mình lại phải đâm đầu vào những thứ phức tạp trong khi có thể thu được mức lợi suất 6,7, 8% từ trái phiếu?”

Dẫu vậy, thị trường trái phiếu tăng trưởng quá nóng cũng gây ra nhiều lo ngại vì liên quan đến thâm hụt ngân sách. Khi Chính phủ Mỹ không thu đủ thuế để chi tiêu, Bộ Tài chính sẽ phát hành trái phiếu để lấp đầy chỗ trống đó. Năm ngoái, bộ này huy động ròng 2,4 nghìn tỷ USD để trang trải thâm hụt ngân sách.

Kể từ cuối năm 2019, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng hơn 60%, lên 27 nghìn tỷ USD vào năm 2023. Quy mô thị trường hiện lớn gấp gần 6 lần so với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

>> CEO JPMorgan cảnh báo nước Mỹ rơi vào khủng hoảng 'lạm phát đình trệ' như những năm 1970, sẵn sàng cho kịch bản 'lãi suất 8%'

Kinh tế Mỹ bất ngờ tạo ít việc làm hơn dự báo khiến chứng khoán Mỹ đồng loạt xanh mướt: Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất sớm?

Thị trường hồi hộp chờ đợi báo cáo công bố tối ngày 3/5 của Mỹ: Fed có cắt giảm lãi suất sớm hay không phụ thuộc nhiều vào dữ liệu này?

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh 2 ‘chìa khóa’ then chốt khiến Fed có thể cắt giảm lãi suất ngay lập tức, thị trường cần đặc biệt chú ý

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-may-in-tien-cua-nuoc-my-tao-ra-2-trieu-usd-moi-phut-nha-dau-tu-do-xo-mua-vao-sau-ca-1-thap-ky-quay-lung-233905.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Cỗ máy in tiền' của nước Mỹ tạo ra 2 triệu USD mỗi phút
POWERED BY ONECMS & INTECH