Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu ngành cảng biển có mức tăng giá mạnh. Theo đó trong năm qua, cổ phiếu MVN tăng 205%, SGP tăng 183%, PHP tăng 72%; GMD tăng 44%, CDN tăng 14,4%,...
Nhìn lại năm 2021, ngành cảng biển, logistics chứng kiến sự thăng hoa trong cả doanh thu và lợi nhuận khi COVID-19 gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng trên thị trường vận tải, đẩy giá cước tàu container tăng cao kỷ lục.
Theo thống kê của SSI Research, ngành cảng biển và logistics tăng trưởng tới 94% trong năm 2021, cao hơn 60% so với chỉ số VN-Index và là nhóm tăng trưởng lợi nhuận hàng đầu nhờ vào sự phục hồi bất ngờ trong thời gian dịch bệnh.
Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu ngành cảng biển có mức tăng giá mạnh. Theo đó trong năm qua, cổ phiếu MVN tăng 205%, SGP tăng 183%, PHP tăng 72%; GMD tăng 44%, CDN tăng 14,4%,...
Lợi nhuận ngành cảng biển tăng mạnh
Không giống như các quý trước, sự cải thiện doanh thu cùng lợi nhuận quý IV/2021 đều diễn ra đối với các doanh nghiệp cảng ở cả ba miền trong đó khu vực phía Nam chứng kiến mức tăng trưởng nổi trội hơn (như Cảng Sài Gòn, Cảng Gemadept,...).
Khu vực cảng miền Trung (Cảng Quy Nhơn, Cảng Đà Nẵng,...) giữ vững tốc độ tăng trưởng như các quý trước còn hoạt động cảng ở phía Bắc (Cảng Hải Phòng, Cảng Đình Vũ,...) đã lấy lại đà tăng.
Duy chỉ có hai cảng theo thống kê là Cảng Đồng Nai (PDN) và Cảng Cát Lái (CLL) báo lãi quý IV/2021 đi xuống so với cùng kỳ.
Theo giải trình của Cảng Đồng Nai, dù các lĩnh vực đã đi vào điều kiện bình thường mới song lượng nhân công tại các nhà máy về quê ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của doanh nghiệp vì không giống như trước dịch. Ngoài ra nhu cầu về nguyên vật liệu chưa phục hồi, sản lượng hàng hóa xuất nhập qua cảng bị ảnh hưởng,... kéo doanh thu của hai cảng nói trên đi xuống.
Nhìn chung quý IV vừa qua, thời điểm hàng hóa phần nào được khơi thông khi dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam - VIMC (MVN) - đơn vị đầu ngành báo cả doanh thu và lợi nhuận cải thiện mạnh so với cùng kỳ trong đó doanh thu thuần đạt 3.707 tỷ đồng - tăng 42%. Đáng chú ý hoạt động của các công ty liên doanh liên kết có lãi gần 500 tỷ đồng - cao gấp 26,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí và ghi nhận lãi khác 165 tỷ đồng, MVN lãi sau thuế 1.136 tỷ đồng - tăng mạnh so với con số 149 tỷ đồng cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm 2021, MVN đạt 13.251 tỷ đồng doanh thu thuần - tăng 33% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế 2.941 tỷ đồng trong khi các năm trước thua lỗ hàng trăm tỷ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của MVN.
Một số cảng có kết quả nổi bật như Cảng Sài Gòn (vượt hơn 214% so với kế hoạch lợi nhuận năm), Quy Nhơn (vượt hơn 162% kế hoạch), Hải Phòng (vượt 9%),...
Trong một chia sẻ với báo chí, Tổng Giám đốc VIMC, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho rằng, dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến giá cước vận tải biển tăng chóng mặt. Tranh thủ khoảng thời gian này, VIMC đã đưa đội tàu tham gia vận tải quốc tế thay vì nội địa như trước đây giúp doanh thu và lợi nhuận tăng vọt.
Bên cạnh đó, ông Tĩnh cho biết, sau giai đoạn tái cơ cấu toàn diện (2013 - 2015), VIMC đã hồi phục và duy trì ổn định được năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa của quốc gia.
Doanh nghiệp vận tải lãi lớn, cổ phiếu tăng vọt
Năm 2021 là một năm thắng lớn của chứng khoán Việt Nam khi hàng loạt nhóm ngành đua nhau tạo sóng đưa thị trường lên những cao mới. Vận tải biển là một trong những nhóm từng "làm mưa làm gió" khi loạt cổ phiếu tăng phi mã chỉ sau vài tháng do được hưởng lợi từ giá cước vận tải biển tăng cao kỷ lục và kết quả kinh doanh khấm khá của doanh nghiệp. Tuy nhiên sau thời gian tăng nóng, nhóm cổ phiếu này có xu hướng đi ngang và điều chỉnh giảm vào cuối năm 2021.
Sau một thời gian lặng sóng, cổ phiếu vận tải biển bất ngờ quay trở lại trong những phiên giao dịch đầu năm với mức tăng trưởng khá ấn tượng, thậm chí có mã lập đỉnh mới. Trong khi thị trường chung lình xình, cổ phiếu nhiều ngành "gặp hạn" khi điều chỉnh sâu từ đầu năm, mức tăng hàng chục phần trăm chỉ trong một tháng của nhóm này được xem là khá tích cực.
Dẫn đầu trong đà tăng trưởng là cổ phiếu VNA của CTCP Vận tải Biển Vinaship. Trước đó, không nằm ngoài con sóng mạnh mẽ của cổ phiếu vận tải biển trong năm 2021, VNA cũng từng khiến giới đầu tư ngỡ ngàng khi tăng gấp 7 lần chỉ trong vòng 3 tháng. Từ một cổ phiếu có giá dưới mệnh 6.800 đồng vào đầu tháng 6/2021, mã này phi một mạch lên mức xấp xỉ 47.500 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 9/2021.
Tuy mức giá hiện tại vẫn chưa phục hồi đến mức đỉnh cũ, song VNA cũng duy trì đà tăng khá ấn tượng khi tăng mạnh 41% chỉ trong vòng 1 tháng lên mức 31.300 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản trung bình 10 phiên duy trì ở mức hơn 192 nghìn đơn vị khớp lệnh.
Song hành với đà tăng của cổ phiếu, kết quả kinh doanh của VNA cũng khả quan khi báo lãi kỷ lục trong năm 2021.
Cụ thể, doanh thu thuần cả năm 2021 của doanh nghiệp đạt 853 tỷ đồng - tăng 66% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng - tăng đột biến so với số lãi vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng của năm ngoái và cũng là khoản lãi lớn nhất Vinaship ghi nhận được từ trước đến nay.
Không nằm ngoài sóng tăng giá của cổ phiếu vận tải biển, HAH của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng có màn tăng ấn tượng và xác lập đỉnh lịch sử. Chỉ trong vòng 1 tháng, cổ phiếu này tăng 37% lên mức 80.900 đồng/cổ phiếu; đây cũng là mốc cao nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu vận tải biển này.
Cổ phiếu lập đỉnh trong khi kết quả kinh doanh HAH cũng tăng mạnh khi lãi sau thuế năm 2021 đạt 550 tỷ đồng - gấp gần 4 lần cùng kỳ. Tính riêng quý IV/2021, HAH thu về 266 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - gấp gần 5 lần mức thực hiện trong cùng kỳ năm 2020 nhờ giá cho thuê tài tăng, sản lượng vận tải tăng giúp lợi nhuận từ đội tàu tăng mạnh.
CTCP Vận tải Biển Việt Nam (VOS) cũng trở thành tâm điểm của sự chú ý với mức tăng 33% lên mức 18.600 đồng/cổ phiếu trong vòng 1 tháng gần đây. Thanh khoản cũng duy trì mức hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên gần đây.
Lội ngược dòng quá khứ, VOS từng "dậy sóng" trên thị trường khi chạy thẳng một mạch từ mức giá 4.230 đồng lên mức đỉnh lịch sử 25.500 đồng/cổ phiếu vào hồi tháng 9, tức tăng gấp 6 lần chỉ trong vòng 3 tháng. Tuy mức giá hiện tại đã có sự điều chỉnh so với vùng đỉnh cũ song đang dần hồi phục khi duy trì đà tăng tích cực.
Cùng với sự khởi sắc của ngành vận tải biển, VOS báo lãi kỷ lục trong năm 2021 với 490 tỷ đồng - tăng mạnh so với số lỗ 185 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2020 nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc và doanh thu tài chính tăng mạnh.