Cổ phiếu ngân hàng sắp "trượt" khỏi mức đỉnh năm 2007, hồi chuông báo động cho thị trường chứng khoán Mỹ

08-05-2023 15:58|Thủy Tiên

Số lượng cổ phiếu ngành ngân hàng bị bán tháo ngày càng gia tăng có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đối mặt với nhiều biến động hơn trong tương lai.

Sự sụp đổ của First Republic Bank đã làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng tài chính của các ngân hàng trong khu vực. Do đó, cổ phiếu ngành tài chính đã bị các nhà đầu tư bán tháo ồ ạt, khiến chỉ số theo dõi ngành tài chính của S&P 500 tiến gần đến mức đỉnh năm 2007. Tại thời điểm đó, phải mất hơn một thập kỷ để chỉ số này phục hồi sau vụ cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008.

Cổ phiếu ngân hàng sắp

Diễn biến của S&P 500 Financials Sector từ năm 2007 đến nay.

Nếu hiện tại chỉ số tài chính của S&P 500 trượt khỏi mức đỉnh năm 2007, thì đó sẽ là một dấu hiệu tiêu cực đối với thị trường chứng khoán nói chung. Nhà quản lý quỹ phòng hộ Jim Roppel, người sáng lập Roppel Capital Management, tin rằng “việc giảm giá cổ phiếu ngân hàng có thể buộc các ngân hàng phải tiết kiệm vốn và giảm cho vay, gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế vốn đã có nguy cơ suy thoái do Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mạnh trong 14 tháng qua”.

Theo Roppel, “Bạn không thể chứng kiến một thị trường giá lên nếu cổ phiếu ngân hàng cứ sụt giảm. Việc này giống như những quả tạ quấn quanh chân của một vận động viên Olympic vậy”. Mặc dù Ropel là nhà đầu tư thường lạc quan về thị trường tăng giá dài hạn, nhưng hiện tại anh ấy chủ yếu nắm giữ tiền mặt và vàng.

Cổ phiếu ngân hàng liên tục lao dốc, phố Wall không thể tăng giá

Những lo ngại về tính ổn định của hệ thống ngân hàng đã gây ra một tuần đầy biến động, khi giới đầu tư Mỹ liên tục bán mạnh cổ phiếu ngân hàng hoặc bán khống.

Theo S3 Partners, giá trị vị thế bán cổ phiếu ngân hàng đạt 15,1 tỷ USD vào giữa tháng 4, tăng 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Vị thế bán là khi nhà đầu tư mua số lượng cổ phiếu đã vay với giá thấp hơn. Trong vòng 30 ngày qua, S3 Partners đã theo dõi hoạt động bán khống trị giá 569 triệu USD.

Bất chấp việc cổ phiếu các ngân hàng khu vực tăng mạnh vào phiên cuối tuần trước vì tình trạng bán trở nên thái quá, thì nhiều cổ phiếu vẫn giảm mạnh. Ví dụ, Western Alliance Bancorp giảm 27% và PacWest Bancorp cũng mất 43% trong tuần trước.

Mặc dù vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thường đóng vai trò “bắt đáy” đáng tin cậy nhất trong những năm gần đầy đã mua cổ phiếu của một số ngân hàng trong thời kỳ thị trường suy thoái. Theo dữ liệu do Peng Cheng của JPMorgan Chase & Co. tổng hợp, trong tuần tính đến thứ Tư, các nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng cổ phiếu của Bank of America Corp., Truist Financial Corp. và SoFi Technologies Inc.

Tuy nhiên, giới đầu tư Phố Wall vẫn lo ngại sự bất ổn đang diễn ra đối với các ngân hàng khu vực có thể dẫn đến việc thắt chặt cho vay. Do đó, một số trader đang đặt cược rằng rủi ro có thể đủ lớn để khiến Fed nới lỏng chính sách tiền tệ ngay sau tháng 7 để kích thích nền kinh tế, bất chấp dấu hiệu từ Fed cho thấy đợt tăng lãi suất hôm 3/5 là lần tăng cuối cùng.

Lựa chọn nào cho giới đầu tư?

Dù vậy, Nancy Tengler, giám đốc đầu tư của Laffer Tengler Investments, tin rằng còn quá sớm để đầu tư vào các cổ phiếu ngân hàng đang gặp khó trong thời kỳ khủng hoảng gần đây. Thay vào đó, Tengler tập trung vào các cổ phiếu liên quan đến công nghệ và người tiêu dùng, những cổ phiếu có thể sẽ được hưởng lợi khi lãi suất giảm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã hồi phục mạnh mẽ trong phiên giao dịch cuối tuần trước một phần tới từ việc JPMorgan nâng hạng đánh giá cổ phiếu của Western Alliance, Zions Bancorp và Comerica lên mức có triển vọng hơn trung bình thị trường (overweight). Theo JPMorgan, ba ngân hàng này dường như “bị định giá sai về căn bản”, một phần do hoạt động bán khống.

Bên cạnh đó, sự phục hồi diễn ra khi số lượng việc làm Mỹ tăng trưởng vượt xa dự báo, tạo thêm 253.000 việc làm mới trong tháng qua, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống 3.4%. Thông tin này được coi là đủ mạnh để làm dịu đi những lo ngại về suy thoái kinh tế cũng như là một điểm dữ liệu có thể dẫn tới việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lâu hơn. Nhưng tình trạng hỗn loạn ngành ngân hàng vẫn là một rủi ro tiềm ẩn khiến vốn cho doanh nghiệp nguy cơ bị thắt chặt và liên lụy dây chuyền đến thị trường lao động.

Trong khi chỉ số S&P 500 tăng 1,9% và xoá sạch mức giảm tuần trước, nhóm cổ phiếu ngành tài chính của chỉ số này lại giảm 2,7% trong 5 phiên. Scott Colyer, CEO của Advisors Asset Management, cho biết ông phải chờ đến khi chỉ số S&P 500 xuống mức 3.600 điểm hoặc thấp hơn thì mới có cảm giác lạc quan hơn về cổ phiếu, bởi vì giá trị của chúng hiện tại đã quá cao. Vào ngày thứ 6 tuần trước, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức 4.136 điểm.

Colyer cũng cảnh báo rằng “chúng ta cần chứng kiến ngành tài chính dẫn đầu cho thị trường cổ phiếu tăng theo một xu hướng bền vững, nhưng hiện tại đang không diễn ra như vậy. Các nhà đầu tư cũng không nên tìm kiếm lợi nhuận nhỏ và bỏ qua rủi ro.”

Quyết định bán First Republic Bank cho JPMorgan là đúng đắn?

Theo chân SVB và Signature Bank, First Republic Bank chính thức sụp đổ

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-ngan-hang-sap-truot-khoi-muc-dinh-nam-2007-hoi-chuong-bao-dong-cho-thi-truong-chung-khoan-my-182049.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cổ phiếu ngân hàng sắp "trượt" khỏi mức đỉnh năm 2007, hồi chuông báo động cho thị trường chứng khoán Mỹ
POWERED BY ONECMS & INTECH