Cổ phiếu NVL (Novaland) giảm sâu sau thông tin 'đòi tiền' 2.500 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan
Mới đây, bà Trương Mỹ Lan đã đề nghị Novaland (NVL) thanh toán 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt để khắc phục hậu quả.
Trong phiên giao dịch ngày 3/10, thị trường chứng khoán khởi sắc vào phiên sáng nhưng lại ‘quay xe’ giảm mạnh trong phiên chiều. Do đó, VN-Index đóng cửa với mức giảm gần 10 điểm, đánh mất ngưỡng 1.280. Đáng chú ý, lực bán gia tăng trên diện rộng với 289 mã giảm, trong khi chỉ có 106 mã tăng giá.
Trong suốt nửa năm qua, thị trường liên tục lặp lại kịch bản vượt mốc 1.280 rồi điều chỉnh, thậm chí có thời điểm chạm ngưỡng 1.300 nhưng sau đó quay đầu giảm. Điều này đã khiến sự chán nản bắt đầu lan rộng trong cộng đồng nhà đầu tư.
Đi theo diễn biến chung của thị trường, cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) chìm trong sắc đỏ với mức giảm 1,81% xuống còn 10.850 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này hiện đang nhận được sự quan tâm khá lớn từ các nhà đầu tư, sau khi Novaland bất ngờ bị bà Trương Mỹ Lan 'đòi' số tiền 2.500 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu NVL trong vài tháng trở lại đây |
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ diện 'chủ nhân' đã chi 500 tỷ đồng mua 16 bất động sản tại Phước Kiển
Cụ thể, tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB và các bên liên quan diễn ra mới đây, HĐXX hỏi Trương Mỹ Lan về các tài sản, cổ phần, tài sản kê biên... Phần lớn các cổ phần bị kê biên, phong tỏa, Trương Mỹ Lan đều khai là của mẹ, của gia đình, tài sản cá nhân. Ví dụ, 18% vốn cổ phần tại Vietcombank Bonday Bến Thành, bà Lan xin để người nhà đứng ra bán đấu giá.
Đối với cổ phần tại công ty Hợp Thành 1 liên quan khách sạn Daewoo, Trương Mỹ Lan đồng ý bán để khắc phục trái phiếu Bông Sen, phần còn lại để khắc phục cho vụ án này.
Đối với dự án Tân Thành Long An, bà Trương Mỹ Lan đề nghị Novaland (NVL) thanh toán 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt để khắc phục hậu quả của vụ án.
Tân Thành Long An được biết đến là chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Việt Phát tại Xã Tân Lập, Huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Vạn Thịnh Phát và Tân Thành Long An cùng đối tác đến từ Hàn Quốc đã thành lập liên doanh để đầu tư cho dự án này.
Tại giai đoạn 1 của vụ án, Novaland là một trong số các bên liên quan được mời tới tham dự tòa liên quan đến dự án khu công nghiệp và đô thị Việt Phát, Công ty Tân Thành Long An và Vạn Thịnh Phát.
Công văn giải thích lúc đó của Novaland cho biết, trong quá trình mở rộng phát triển đầu tư các đô thị vệ tinh gần TP. HCM, năm 2022, Novaland có hợp tác với vai trò là đơn vị phát triển dự án khu công nghiệp và đô thị Việt Phát do Tân Thành Long An làm chủ đầu tư.
Trong giai đoạn triển khai một số hoạt động ban đầu cho dự án, Tân Thành Long An đã có yêu cầu Novaland tạm ngừng thực hiện việc phát triển dự án này cho đến khi có thông báo mới.
NVL khẳng định ngoài mối quan hệ trên, Công ty không nhận được ủy quyền hay bất kỳ hợp tác nào khác với Tân Thành Long An, trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh nói chung và việc phát hành trái phiếu nói riêng.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan khai về khoản vay thế chấp gần nghìn tỷ tại VietinBank (CTG)