Hơn 2 tháng qua, giá các cổ phiếu đã ghi nhận các mức điều chỉnh mạnh sau khi lập đỉnh trong đó HPG giảm khoảng 21%, NKG giảm 33%; HSG giảm -30%,...
2 tháng trở lại đây, nhóm cổ phiếu thép đang nhận được sự quan tâm nhất định của giới đầu tư chứng khoán, nhất là sau khi các mã ngành này đồng loạt lập đỉnh. Sau đỉnh cao, cổ phiếu thép bắt đầu bước vào quãng thời gian lao dốc mạnh từ 10 - 30%.
Bày tỏ quan điểm về ý kiến rằng nhóm thép đã dò xong đáy, ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) cho biết: “Ngành thép đã nhận được sự thuận lợi đến khá bất ngờ trong năm 2021 này nên rất nhiều doanh nghiệp đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, các doanh nghiệp ngành này vẫn được hưởng lợi từ tăng giá trước đó nhưng mức độ đã giảm đi.
Tôi cho rằng, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2022, theo đó không nhiều doanh nghiệp có thể duy trì mức lợi nhuận tốt. Chỉ một vài doanh nghiệp tận dụng được sức mạnh công nghệ, sức mạnh tài chính và làm chủ được nguồn nguyên liệu sẽ duy trì được điều này. Chính điều này, giá các cổ phiếu cũng có mức điều chỉnh so với đỉnh khá khác nhau với HPG giảm khoảng 21%, NKG (-33%); HSG (-30%)...”.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), cổ phiếu thép sau giai đoạn thăng hoa nhờ thiên thời địa lợi của năm 2021 đã điều chỉnh tương đối mạnh trong khoảng 3 tháng cuối năm. Mức điều chỉnh khoảng 20% thật ra không quá lớn so với mức vượt giá lên tới hơn 100% của nhiều cổ phiếu.
Về triển vọng, ngành thép trong năm 2022 sẽ không còn nhiều thuận lợi như năm cũ nên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sẽ không còn đột biến. Tuy nhiên, nhờ những thành công vượt trội trong năm qua mà nhiều doanh nghiệp thép đã vượt qua giai đoạn khó khăn và có thể đầu tư những nhà máy sản xuất mới. Đây là cơ hội của nhiều doanh nghiệp có thể mở rộng kinh doanh, gia tăng sản xuất và thị phần.
Về giá cổ phiếu, hiện tại, nhiều cổ phiếu đã ở vùng giá hấp dẫn để đầu tư trở lại như HPG, HSG, NKG; các mã này đều có nhiều tiềm năng mở rộng năng lực sản xuất trong các năm tiếp sau.
Trong khi đó, ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS) đánh giá, nhóm thép hiện đang phải trải qua nền tảng không mấy tích cực về triển vọng kinh doanh (giá thép bước vào chu kỳ liên tục giảm). Vì điều này, chưa thể khẳng định rằng cổ phiếu ngành này đã test xong đáy. Điều này phụ thuộc nhiều vào chu kỳ biến động của giá thép.
Ngoài ra, nếu giai đoạn tích lũy của thị trường chứng khoán còn kéo dài, VN-Index chưa thể vượt qua vùng cản 1.500 điểm (kèm thanh khoản cải thiện), sự hồi phục tăng trở lại của nhóm thép (nếu có) cũng sẽ khó kéo dài.
Bay tỏ ý kiến cá nhân, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích CTCK Chứng khoán Yuanta Việt Nam nêu: “Nhóm cổ phiếu ngành thép đã có mức chiết khấu hơn 20% so với mức đỉnh trong tháng 10/2021 do nhóm này bị ảnh hưởng từ mảng xuất khẩu sang Trung Quốc và tình hình sản xuất bị gián đoạn đồng thời mức E/P của nhóm thép đang giao dịch ở mức 15,65% cho thấy mức định giá của nhóm thép đang rất hấp dẫn vì nhóm cổ phiếu này dự báo sẽ duy trì tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu thép xuất khẩu và nội địa vẫn ở mức cao.
Ngoài ra, rủi ro ngắn hạn của nhóm thép đang có chiều hướng giảm dần.
Tôi cho rằng, nhóm cổ phiếu thép đang trong giai đoạn tạo vùng đáy ngắn hạn và các nhà đầu tư nên hạn chế bán ra ở giai đoạn hiện tại”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco cho rằng, thị trường quặng sắt tại châu Á đã có những dấu hiệu phục hồi trở lại khi Chính phủ Trung Quốc khuyến khích các ngân hàng nước này tài trợ cho việc mua lại các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó hăn về tài chính và tái khởi động các dự án dang dở. Đơn cử như giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (Trung Quốc) đã tăng hơn 30% kể từ thời điểm cuối tháng 11. Đây chính là lý do hỗ trợ tâm lý giúp các cổ phiếu thép tại Việt Nam nhận được sự chú ý của dòng tiền trong một vài phiên vừa qua.
Tuy nhiên, ông Khoa lưu ý rằng, quá trình đi lên của nhóm cổ phiếu này sẽ gặp nhiều khó khăn do phải hấp thụ một lượng cung cổ phiếu lớn từ các nhà đầu tư “kẹt hàng” trong giai đoạn trước.
Ngoài ra, nguy cơ giá quặng quay đầu giảm vẫn luôn hiện hữu trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Trung Quốc.
Những lý do nêu trên sẽ khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thép Việt Nam khó có thể bật tăng nhanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, do triển vọng toàn ngành vẫn khá tích cực trong dài hạn, nhà đầu tư có thể cân nhắc thời điểm này để bắt đầu giải ngân tỷ trọng nhỏ và chờ đợi những diễn biến tích cực hơn trên thị trường thép quốc tế.
Dòng vốn chứng khoán đang "vỗ về" kênh trái phiếu?
Chuyên gia: Cổ bank - chứng khó đảo chiều tăng trong ngắn hạn