Việc VPBank đang tích cực thực hiện kế hoạch tái cấu trúc cho FE Credit sẽ giúp công ty tài chính này có thể quay trở lại quỹ đạo lợi nhuận từ năm 2024.
Sáng ngày 29/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua 1 số nội dung như kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận, bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT…
Theo đó, một trong những nội dung gây chú ý tại cuộc họp là vấn đề liên quan đến hoạt động của FE Credit. Liên quan đến nội dung này, cổ đông hỏi: "Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 là khá tham vọng, trong đó có FE Credit lãi 1.200 tỷ. Đâu sẽ là động lực để đạt được mức tăng trưởng này? Ngân hàng mẹ và đối tác SMBC sẽ có những biện pháp hỗ trợ gì cho FE Credit tăng trưởng trở lại?"
Trả lời về vấn đề này, Tổng Giám đốc VPBank cho biết, FE Credit hiện có 49% vốn của SMBC và 50% là VPBank. Là đứa con chung của hai tổ chức nên Tổng Giám đốc khẳng định sự tham gia hỗ trợ có sự cam kết cao.
Sau 10 năm mang lại những giá trị to lớn cho ngân hàng, FE Credit bước vào giai đoạn khó khăn từ Covid-19. Từ đó, rất nhiều người lao động không còn khả năng chi trả, dẫn tới nợ xấu FE Credit tăng cao.
Theo đó, ngân hàng áp dụng nhiều biện pháp để giảm tốc độ tăng trưởng, đảm bảo chất lượng tài sản. Và đây cũng là cơ hội để Ban lãnh đạo VPBank nhìn lại mô hình kinh doanh thực hiện tái cấu trúc FE Credit.
Cụ thể, VPBank đã hỗ trợ trong việc xây dựng hệ thống theo tiêu chuẩn thế giới, đánh giá lại toàn bộ chiến lược, mô hình kinh doanh.
Việt Nam là một thị trường tiềm năng với tài chính tiêu dùng. Mặc dù, thị trường có 16 công ty tài chính tiêu dùng, FE Credit là lớn nhất nên việc đáp ứng nhu cầu vẫn còn thiếu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng khó khăn trong năm 2023, hầu hết thu nhập các công ty đều sụt giảm. FE Credit là công ty có quy mô lớn nhất nên phải gánh chịu nhiều nhất.
Trong 2 năm qua, tài chính tiêu dùng có chiều hướng suy giảm, một phần do nhu cầu thị trường, một phần do sự hiểu biết về tài chính tiêu dùng còn chưa đầy đủ bởi sự ảnh hưởng của tín dụng đen. Mặt trái của một số biện pháp siết nợ của tín dụng đen khiến công tác thu hồi nợ giảm 50% hiệu quả.
Theo đó, VPBank, SMBC đã "ra sức" hỗ trợ FE Credit về hệ thống, nhân sự, chiến lược. Đặc biệt là về vốn, đưa chi phí vốn của FE Credit từ 9-11% năm 2022 trở về trước xuống còn 6-7%, mặc dù cao hơn các ngân hàng nhưng thấp trong ngành tài chính tiêu dùng. Điều này giúp FE Credit nhắm vào những khách hàng có rủi ro thấp hơn.
Về việc bao giờ khắc phục được tình trạng lỗ của FE Credit, Ban lãnh đạo VPBank cho rằng, 2024 là năm bản lề, dự kiến lãi 1.200 tỷ đồng. Quan điểm là giảm tỷ trọng đóng góp của FE Credit với ngân hàng xuống, không bị phụ thuộc quá nhiều vào lợi nhuận của FE Credit. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo vẫn đánh giá FE Credit nhiều tiềm năm và tự tin khẳng định từ 2025 trở đi, lợi nhuận sẽ trở lại 3.000-4.000 tỷ đồng.
VPBank có được lợi ích gì khi nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém?
Chủ tịch VPBank tái khẳng định lời hứa chia cổ tức 5 năm liên tiếp