Công thức tạo vỏ bọc lừa đảo của Hồ Quốc Thân và Mr. Pips: ‘Khi người ta thấy được nhà đẹp, xe sang sẽ truyền được sự tin tưởng'
Hồ Quốc Thân, Chủ tịch Công ty Triệu Nụ Cười bị cáo buộc lừa đảo hàng trăm người với chiêu trò tạo vỏ bọc sang trọng và kêu gọi đầu tư vào đồng tiền lượng tử QFS.
Vỏ bọc "doanh nhân thành đạt" và chiêu trò đầu tư vào QFS
Dù không có nghề nghiệp ổn định, Hồ Quốc Thân đã thuê nhà, trụ sở tại các khu vực sang trọng và sử dụng ô tô hạng sang để xây dựng hình ảnh "đẳng cấp". Công ty Triệu Nụ Cười, được thành lập vào cuối năm 2023, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng nhân viên thực tế chỉ là 5 người.
Ban đầu, trụ sở đặt tại ngõ 95 Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội, nhưng chỉ sau vài tháng, đã chuyển sang một biệt thự tại khu đô thị Nam An Khánh. Trên các nền tảng mạng xã hội, Thân và công ty thường tự giới thiệu là doanh nghiệp tiên phong, mang lại "hạnh phúc cho cộng đồng".
Hồ Quốc Thân kêu gọi các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào đồng tiền lượng tử QFS, với hứa hẹn về lợi nhuận cao và tiềm năng phát triển bền vững. Theo kết luận từ cơ quan điều tra, khoảng 100 doanh nghiệp và 400 cá nhân đã bị lừa, với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Để thuyết phục nạn nhân, Thân tổ chức các buổi giảng dạy trực tuyến qua mạng xã hội và Zoom, sử dụng ngôn từ mang tính "đạo lý" "nhân văn" để gây niềm tin. Hình ảnh về một tập đoàn an sinh vì cộng đồng được xây dựng kỹ lưỡng nhằm chiếm lòng tin của nhà đầu tư.
Ngoài Công ty Triệu Nụ Cười, Hồ Quốc Thân còn đứng tên đại diện pháp luật cho Công ty Truyền hình Invest TV – một doanh nghiệp từng đổi tên nhiều lần trước khi Thân tiếp quản vào năm 2020. Dù có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, công ty này cũng bị nghi ngờ có dấu hiệu bất thường trong hoạt động.
Cơ quan công an nhấn mạnh người dân cần thận trọng khi tham gia đầu tư tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực tiền ảo. Các lời mời gọi với hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn thường tiềm ẩn rủi ro lớn. Người dân được khuyến cáo kiểm tra kỹ thông tin và tránh tin vào những quảng cáo thiếu căn cứ.
Hồ Quốc Thân đã thuê nhà, trụ sở tại các khu vực sang trọng và sử dụng ô tô hạng sang để xây dựng hình ảnh "đẳng cấp". Ảnh: Internet |
Bài học từ vụ Mr. Pips: Khi nhà đẹp, xe sang trở thành công cụ "câu dụ"
Vụ lừa đảo của Hồ Quốc Thân gợi nhớ đến chiêu trò của TikToker Phó Đức Nam (biệt danh Mr. Pips), người từng gây chấn động khi lừa đảo 5.200 tỷ đồng thông qua hệ thống sàn giao dịch giả mạo. Nam thừa nhận: “Khi người ta thấy được nhà đẹp, xe sang sẽ truyền được sự tin tưởng cho người xem và người xem sẽ bị cuốn hút vào các hình ảnh này để họ có thể dễ dàng bị lôi kéo tham gia".
Dưới danh nghĩa một công ty tư vấn đầu tư tài chính và môi giới chứng khoán, nhóm của Mr. Pips đã lập 44 văn phòng trên cả nước, riêng tại Hà Nội có tới 1.900 nhân viên. Thủ đoạn chính là sử dụng các tài khoản giả mạo trên mạng xã hội để tạo niềm tin rằng việc đầu tư là an toàn và sinh lợi. Khi các bị hại thực hiện giao dịch, hệ thống sàn giả sẽ bị can thiệp, khiến họ mất toàn bộ số tiền.
Đối tượng Phó Đức Nam (Mr Pips) tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp |
"Nhóm đối tượng tạo cho những người bị hại niềm tin tuyệt đối vào sàn giao dịch đó là có thật, trúng thưởng là có thật để cho người ta ngày càng lún sâu vào việc đó", Thượng tá Hoàng Ngọc Cương, Phó Trưởng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết.
Cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định được có 2.661 bị hại trên toàn quốc; thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản với ước tính khoảng 5.200 tỷ đồng.
Trong số tài sản hơn 5.200 tỷ đồng thu được, có 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 7 mô tô hạng sang; 84 trang sức vàng khảm kim cương; 125 bất động sản.
>> Nghe lời 'nhân viên điện lực' cài app lạ, người dân Đồng Tháp bị lừa gần 1,2 tỷ đồng
Con trai ‘giăng bẫy’ ngược nhóm lừa đảo, giúp bố lấy lại hơn 500 triệu đồng bị chiếm đoạt
Rộ chiêu trò lừa đảo ‘Squid Game’ phiên bản đời thực tại Trung Quốc